Tổ chức dạy học đi vào nền nếp
Những tiến triển trong dạy học môn tích hợp, trong đó có môn Khoa học tự nhiên tại các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) được ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT đề cập ở nhiều khía cạnh: Tổ chức dạy học, phân công giáo viên; xây dựng kế hoạch dạy học; phương pháp dạy học; tài liệu học tập; môi trường học tập và kết quả cuối cùng là tiến triển của người học…
Theo đó, về tổ chức dạy học, phân công giáo viên, đã bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công. Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường luôn chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện để giúp giáo viên tháo gỡ khó khăn, như: Phân công thời khóa biểu hợp lý, sắp xếp giờ để giáo viên tham dự tập huấn đầy đủ, tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu theo Chương trình GDPT 2018.
Kế hoạch dạy học được xây dựng phù hợp với mạch nội dung theo chương trình môn học và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Phương pháp dạy học lồng ghép các kiến thức liên quan từ nhiều nguồn trong thực tế cuộc sống, hoặc qua tài liệu tham khảo các môn học khác nhau nhằm bổ trợ cho nội dung môn học, giúp học sinh hiểu sâu vấn đề bài học và phát triển tư duy logic. Giáo viên sử dụng phương pháp dạy học sáng tạo, kết hợp với các hoạt động nhóm, thảo luận và thực hành, khơi gợi hứng thú cho học sinh.
Quá trình dạy học, thầy cô cố gắng tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào các hoạt động thực tế, thí nghiệm và tìm hiểu về khoa học trong cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế và phát triển kỹ năng tư duy, sáng tạo.
Về tài liệu dạy học, giáo viên sử dụng tài liệu đa dạng, gồm sách, giáo trình, tài liệu tham khảo, video, hình ảnh và trải nghiệm thực tế, giúp học sinh tiếp cận kiến thức từ nhiều góc độ khác nhau.
Mỗi giáo viên chủ động nghiên cứu tài liệu, nâng cao kiến thức trái môn cũng như nâng cao trình độ CNTT và áp dụng kỹ thuật dạy học nhằm phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh qua các tiết học.
“Có thể nói, việc tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đã đi vào nền nếp và khắc phục được khó khăn vướng mắc trước đó. Bước đầu ghi nhận sự hào hứng của học sinh trong mỗi tiết học; phẩm chất và các năng lực của học sinh được phát huy rõ rệt thông qua các hoạt động học tập”, ông Phạm Văn Ngát khẳng định.
Cô Hồ Thị Hương, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy môn Lịch sử và Địa lí. |
Kiểm tra, đánh giá dần khắc phục khó khăn
Cùng nhận định, ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) thông tin: Hiện tại các trường THCS trên địa bàn đang tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo mạch nội dung của chương trình môn học.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học, giáo viên dạy học nội dung nào thì thực hiện kiểm tra đánh giá đối với nội dung đó.
Đối với kiểm tra định kỳ, nhà trường xây dựng ma trận và nội dung kiểm tra định kỳ phù hợp với nội dung và thời lượng của chương trình đến thời điểm kiểm tra. Các giáo viên giảng dạy cùng phối hợp để chấm bài và tổng hợp kết quả kiểm tra.
Nhà trường đã phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp để phối hợp với các giáo viên cùng giảng dạy lớp đó thực hiện đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, nhận xét vào sổ theo dõi đánh giá học sinh và học bạ
Tại Thanh Trì (Hà Nội), theo ông Phạm Văn Ngát, kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra đánh giá đối với nội dung đó.
Giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp, thống nhất với các giáo viên cùng dạy môn học ở lớp đó tổng hợp, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ theo quy định.
Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kỳ được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra.
Tuy nhiên, điều ông Phạm Văn Ngát băn khoăn là việc thi vào trường THPT chuyên, với các môn chuyên Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ như thế nào, vì Chương trình GDPT 2018 ở THCS không còn các môn học này. Đây là vấn đề nhà trường, giáo viên quan tâm để có định hướng cần thiết giảng dạy cho phù hợp.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Hồng Sơn, hiệu trưởng Trường THCS Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ triển khai kiểm tra, đánh giá với môn Khoa học tự nhiên cũng còn có khó khăn.
Đơn cử, trong xây dựng đề kiểm tra đánh giá định kỳ, 3 thầy cô phụ trách môn học phải hợp tác để xây dựng ma trận, phân chia phần nào của Vật lí, Hóa học, Sinh học. Khi thực hiện đánh giá thường xuyên cũng cần phân chia đâu là đánh giá phần Vật lí, phần Hóa, phần Sinh.
“Tuy nhiên, khi các thầy cô được tập huấn nhiều hơn, đặc biệt nếu có đội ngũ được đào tạo chuẩn về môn Khoa học tự nhiên thì vấn đề sẽ trở nên thuận lợi và dễ thực hiện.
Với đơn vị chúng tôi, để giải quyết được những khó khăn nêu trên, không còn cách nào khác là phải tham gia đầy đủ tập huấn chuyên môn. Đồng thời, thầy cô sẽ trao đổi, thống nhất với nhau về việc dạy nội dung nào trước, nội dung nào sau, thực hiện kiểm tra đánh giá ở thời điểm nào, nội dung gì, tỷ lệ như thế nào cho phù hợp, không thực hiện một cách cơ học, cứng nhắc”, thầy Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.