Dạy học tích hợp 'vào guồng'

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở THCS, việc dạy học tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã đi vào nền nếp.

Chuyên đề Khoa học tự nhiên 8 (phân môn Hóa học) do thầy Vũ Mạnh Đức - Trường THCS Thụy Liên thực hiện. Ảnh: NTCC
Chuyên đề Khoa học tự nhiên 8 (phân môn Hóa học) do thầy Vũ Mạnh Đức - Trường THCS Thụy Liên thực hiện. Ảnh: NTCC

Nhiều khó khăn được khắc phục nhờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý địa phương, nỗ lực bồi dưỡng đội ngũ và kinh nghiệm của nhà trường.

Tiến triển thuận lợi

Tại An Giang, chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước làm quen với dạy học các môn học tích hợp. Hiệu trưởng các trường hiểu rõ về xây dựng chương trình nhà trường; tổ chuyên môn linh hoạt trong lập kế hoạch giáo dục của tổ, giáo viên.

Việc than phiền về sắp xếp thời khóa biểu cho các môn học tích hợp đã giảm đi nhiều so với những năm trước. Lý do chủ yếu do giáo viên nắm vững cấu trúc Chương trình GDPT 2018, áp dụng linh hoạt, mềm dẻo hơn; giáo viên phụ trách từng phân môn phối hợp tốt trong tổ chức giảng dạy.

Với trường có ít giáo viên, sở/phòng GD&ĐT trong chỉ đạo chuyên môn đều lưu ý việc tự chủ trong xây dựng chương trình nhà trường sẽ tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện dạy học môn học tích hợp. Mặt khác, sở/phòng GD&ĐT đã thành lập Hội đồng cốt cán cấp tỉnh, huyện, chọn ngày cố định trong tuần tổ chức sinh hoạt chung về chuyên môn, hỗ trợ tư vấn cho giáo viên những vấn đề khó trong dạy học.

Nhà trường lập các tổ chuyên môn theo đúng môn tích hợp, tạo điều kiện tốt cho tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Công tác chuẩn bị đề kiểm tra giữa, cuối kỳ được giáo viên phối hợp tốt, đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh.

“Đánh giá chung, chương trình môn Khoa học tự nhiên, một số kiến thức vật lý, hóa học, sinh học được lồng ghép, tiếp cận theo hướng giải quyết vấn đề chung từ thực tiễn và kiến thức hàn lâm phần nào giảm bớt. Chỉ có khó khăn, vướng mắc khi tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi THCS vì học sinh học đủ các phân môn, lượng kiến thức nhiều; trong khi thi vào trường chuyên, học sinh chỉ thi một phân môn trong môn học tích hợp”, ông Trần Tuấn Khanh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) có cùng nhận định và thông tin việc triển khai các môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên tiến triển thuận lợi; tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá đi vào nền nếp. Bộ GD&ĐT đã có nhiều công văn để hướng dẫn các trường triển khai tốt môn học này.

Đặc biệt, Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 của Bộ GD&ĐT về xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở THCS hướng dẫn sát thực tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như phân công chuyên môn, xếp thời khóa biểu... giúp cơ sở giáo dục linh hoạt, chủ động trong xây dựng và thực hiện chương trình.

Nói về triển khai dạy học môn tích hợp, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên (Lai Châu) Trịnh Ngọc Hải cũng nhắc đến Công văn 5636 và cho rằng điều này đã giúp các trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phân công giáo viên giảng dạy, xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh.

Các trường học trên địa bàn phân công giáo viên dạy học môn học tích hợp theo hướng phù hợp năng lực chuyên môn; giáo viên dạy theo mạch nội dung được đào tạo; xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt trong từng học kỳ để bảo đảm mạch nội dung chương trình, phù hợp tình hình đội ngũ đơn vị, không quá tải cho giáo viên.

“Việc tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá môn tích hợp đã đi vào nền nếp” - khẳng định điều này, ông Trịnh Ngọc Hải đồng thời cho biết khó khăn khi lên lớp 9 (kiến thức khó hơn) đã được lường trước. Nhà trường tiếp tục phân công giáo viên dạy theo mạch nội dung được đào tạo. Việc phân công giáo viên đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ môn học sẽ thực hiện từng bước, chưa thực hiện với lớp 9 để đảm bảo chất lượng dạy học.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Lên phương án cho năm học 2024 - 2025

Để triển khai hiệu quả môn tích hợp, đặc biệt trong năm học 2024 - 2025, ông Trịnh Ngọc Hải thông tin, các nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt chuyên môn của ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên dạy giỏi trong dạy chuyên đề; tăng cường dự giờ tư vấn cho giáo viên trong trường.

Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo tăng cường sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; trong đó chú trọng nội dung dạy học môn tích hợp; tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học trong trường và kết nối liên trường. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đẩy mạnh bồi dưỡng thường xuyên; tuyên truyền để giáo viên tiếp tục tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, từ đó có thể đảm nhiệm dạy 1 - 2 mạch nội dung của chương trình môn học. Huy động sự vào cuộc của phụ huynh trong phối hợp hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm tại gia đình.

Bồi dưỡng đội ngũ cũng là vấn đề An Giang tiếp tục chú trọng trong năm học tới. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh thông tin, địa phương đã và đang phối hợp với Trường ĐH An Giang thực hiện công tác đào tạo giáo viên dạy học tích hợp. Hai năm 2022 và 2023, tỉnh có 336 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, 210 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, 375 giáo viên môn Tin học và Công nghệ được đào tạo, bồi dưỡng theo nguồn ngân sách Nhà nước.

Đây là những giáo viên còn trẻ, thực hiện đào tạo thêm một phân môn của môn học tích hợp (ví dụ giáo viên môn Vật lý được bồi dưỡng thêm ít nhất một phân môn thứ hai là Hóa học hoặc Sinh học). Trước mắt, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, giáo viên phụ trách thêm một phân môn thứ hai trong dạy học tích hợp. Khuyến khích hiệu trưởng các trường phân công những giáo viên này dạy ít tiết cho môn học mới, các lớp nhỏ để làm quen với chương trình.

Từ ý kiến trao đổi của tổ chuyên môn trường THCS trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, triển khai dạy học tích hợp thuận lợi hơn năm học trước vì với khối 6, 7, một giáo viên đã đảm nhiệm được cả môn học.

Tuy nhiên, với lớp 8 và dự kiến với lớp 9 năm học 2024 - 2025, vì kiến thức môn học khó hơn, nên nhà trường sẽ sắp xếp giáo viên dạy Khoa học tự nhiên theo phân môn được đào tạo. Đồng thời, thầy cô dành thời gian để đầu tư chuyên môn, dần tiếp cận kiến thức và có thể một mình đảm nhiệm dạy Khoa học tự nhiên lớp 8, 9.

Trường THCS Thụy Liên linh hoạt trong phân công chuyên môn, sắp xếp thời khóa biểu. Với lớp 6, 7, vì kiến thức còn đơn giản nên có thời điểm nhà trường phân công 1 giáo viên phụ trách cả môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, lớp 8, 9, kiến thức chuyên sâu hơn, nhà trường bố trí giáo viên phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học. Thầy Nguyễn Tiến Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.