Vài ngày trước, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp một con ngõ rộng chừng 3m bị ngăn theo chiều dọc bằng tường gạch ở huyện An Dương, TP Hải Phòng kèm lời kiến giải: Cơn sốt đất khiến người dân “bỏ qua” tình làng nghĩa xóm, “chia chác” cả đường đi.
Ngay sau đó, lãnh đạo huyện An Dương trả lời báo chí, xác nhận có hình ảnh này nhưng vụ việc xảy ra ở lối đi chung vốn là ngõ cụt trên mảnh đất cha mẹ để lại cho 2 người con chứ không phải đường của thôn, xóm. Bước đầu xác định nguyên nhân do mâu thuẫn giữa 2 anh em trong việc mua bán đất đai chứ hoàn toàn không phải vì tình trạng sốt đất tại địa phương.
Mặc dù vậy, cơn sốt đất trên địa bàn Hải Phòng và nhiều địa phương khác từ Bắc tới Nam ở thời điểm này là có thật.
Giá đất đã tăng chóng mặt ở huyện An Dương và Thủy Nguyên (Hải Phòng) sau khi có thông tin 2 huyện này sẽ lên quận. Những địa danh như Đan Phượng, Hòa Lạc (Hà Nội), Gia Viễn (Ninh Bình), Từ Sơn (Bắc Ninh), Hớn Quảng (Bình Phước), Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết, Bình Thuận)... cũng trở thành “điểm nóng”, tấp nập người xem kẻ bán, giá tăng từng ngày.
Không chỉ đất nền mà giá nhà ở và một số loại bất động sản khác đều tăng. Có những dự án chung cư trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn.
Cơn sốt đất nông nghiệp, đất dịch vụ tại các địa phương vùng ven cũng làm khó nhà đầu tư có nhu cầu thuê, mua đất đai để xây dựng văn phòng, nhà xưởng sản xuất.
Dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ đình trệ. Lãi suất tiền gửi lại xuống thấp. Thực tế này khiến người dân không có nhiều lựa chọn ngoài việc đổ dòng tiền nhàn rỗi của mình vào chứng khoán, bất động sản để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Khi ai cũng có nhu cầu mà cung chỉ có vậy ắt sẽ đẩy giá đất tăng.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cũng được kích thích bởi chủ trương thúc đẩy đầu tư công nhằm hồi phục kinh tế sau đại dịch với nhiều dự án, công trình quan trọng, có quy mô lớn được triển khai trên khắp cả nước.
Và tất yếu, không thể thiếu “vai trò” của giới đầu cơ bất động sản, những người đã lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính.
Nhìn vào diễn biến thị trường hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng mọi việc vẫn đang nằm trong vùng an toàn, bởi giá đất tăng là do cầu tăng và người dân có dòng tiền nhàn rỗi để đầu tư, chứ vay tiền ngân hàng mua bất động sản không dễ ở thời điểm này.
Dù vậy ở những nơi giá đất bị “thổi lên”, bị “làm giá” với đủ các chiêu thì “bong bóng bất động sản” rõ ràng là nguy cơ nhãn tiền. Điều này đòi hỏi người mua phải tỉnh táo, quan tâm và tìm hiểu thật kỹ lưỡng các yếu tố nền tảng cấu thành giá trị của tài sản để không trở thành “nạn nhân” của cò đất, của những nhà đầu tư “cá mập”.
“Bong bóng bất động sản” luôn để lại những hậu quả lớn cho nền kinh tế như lạm phát, nợ xấu. Khi quả bóng này bùng nổ thì mọi phản ứng chính sách đều quá muộn. Để ngăn ngừa, các cơ quan quản lý ở địa phương có thể sử dụng các biện pháp hành chính như dừng giao dịch ở nơi có sốt giá đất. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và chỉ có tác dụng khi bong bóng tài sản có tính chất cục bộ.
Cách làm hiệu quả hơn là minh bạch mọi thông tin quy hoạch và phổ biến rộng rãi; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi giả mạo thông tin và thực hiện các giao dịch vi phạm pháp luật như mua bán không qua công chứng và đăng ký với cơ quan quản lý đất đai.