Tinh giản nội dung GD lớp 1 tại vùng khó: Giảm rồi vẫn… lo

Tinh giản nội dung GD lớp 1 tại vùng khó: Giảm rồi vẫn… lo

Điều này thực sự cần thiết để công tác dạy học phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hoàn thành chương trình GD theo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, việc dạy và học ở những vùng khó khăn, HS là người dân tộc dù đã tinh giản, GV vẫn canh cánh nỗi lo.

Cần thiết

Hướng dẫn tinh giản được xây dựng cụ thể cho từng môn học của lớp học từ 1 - 5. Việc tinh giản cũng được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần học của chương trình và thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục của chương trình GD hiện hành đối với bậc tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục.

Theo hướng dẫn, các nội dung cơ bản được giữ để cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho HS, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình GDPT. Việc tinh giản chủ yếu ở những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao.

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường TH xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) cho rằng: Tinh giản giúp việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, phân cấp trong quá trình thực hiện. Tinh giản nội dung dạy học cũng phù hợp với việc điều chỉnh Kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019 - 2020 do tác động của dịch Covid-19.

Cô Phan Thị Thuyên - GV dạy khối lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (Quản Bạ - Hà Giang) cũng khẳng định: Nội dung tinh giản bảo đảm tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học… Tuy nhiên, với đặc thù giáo dục vùng khó chắc chắn GV vẫn phải “lựa” theo thực tế để có cách triển khai hiệu quả nhất.

Dạy lại từ đầu

Theo hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT, nhà trường phải chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, bảo đảm HS đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt lớp 1 một cách chắc chắn. Không để tình trạng HS không biết đọc, viết tiếng Việt khi lên lớp 2.

Trên thực tế, đây là vấn đề mà hầu hết hiệu trưởng trường tiểu học, GV dạy lớp 1 ở vùng cao khó khăn, nơi 90 - 100% HS là người dân tộc, nhận thức hạn chế… vô cùng trăn trở, lo lắng.

Cô Ma Thị Hường – GV dạy lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ (xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: 100% HS của trường là người dân tộc, nhận thức chậm, thậm chí nhiều em phải cầm tay viết dù đã kết thúc học kỳ I. Ý thức tự giác học tập của HS chưa cao, gia đình người thân thiếu quan tâm thúc đẩy việc học tập.

Sau nghỉ Tết, HS trở lại trường đã học xong phần âm, vần và chuyển sang phần đọc thì lại nghỉ học. Sau thời gian nghỉ dài, và không học trực tuyến, online (bởi thiếu các điều kiện cần thiết), chắc chắn HS sẽ quên cơ bản kiến thức cũ, cách đọc viết.

Theo cô Ma Thị Hường, khi HS quay trở lại học tập nhà trường cần tăng cường thời gian để GV củng cố kiến thức cũ, rèn luyện cách đọc viết. Với HS lớp 1 nếu không đọc thông thì khó viết thạo và càng không thể học tốt khi lên lớp 2. Cô Ma Thị Hường bày tỏ: “Về cơ bản hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT cần thiết để GV có căn cứ thực hiện. Tuy nhiên vẫn phải dựa theo thực tế trình độ năng lực của HS mà có cách bù đắp kiến thức phù hợp nhất. HS không thể chỉ tập trung học 2 môn chính là Toán, Tiếng Việt mà bỏ qua các môn phụ khác bởi như vậy sẽ rơi vào cảm giác nhàm chán, khô cứng, sợ học. Nhưng với hoạt động ngoại khóa, tiết giáo dục lao động… sẽ linh hoạt hình thức thậm chí cắt ngắn để dành thời gian cho luyện đọc viết, làm toán…

Cô Nguyễn Hương Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) cũng khẳng định: HS dân tộc có đặc điểm nhanh nhớ nhưng hay quên. Sau thời gian nghỉ dài, việc học gián đoạn, kiến thức sẽ “rơi rụng” nhiều.

Để khắc phục, theo cô Nguyễn Hương Giang, nhà trường sẽ dựa vào hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT, của sở, phòng GD&ĐT đồng thời kết hợp khảo sát kiến thức HS ngay sau khi đi học để từ đó chỉ đạo thống nhất cách làm, giải pháp hỗ trợ tăng cường kiến thức hợp lý. Tinh thần chung của việc bồi dưỡng kiến thức cho HS lớp 1 sau khi trở lại trường là mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, tăng cường thời gian luyện môn chính như Toán và Tiếng Việt. Hơn thế, để đạt hiệu quả cao nhất, trường sẽ quán triệt trách nhiệm, giao chỉ tiêu chất lượng cụ thể cho từng GV giảng dạy khối lớp 1. Như vậy sẽ phát huy tính chủ động, tích cực, tăng cường nhiệt huyết của GV với nhiệm vụ.

Với hàng loạt giải pháp tháo gỡ đề ra, cô Nguyễn Hương Giang tin rằng 150 HS lớp 1 của trường sẽ “về đích” kiến thức dù không ít khó khăn, thách thức với đội ngũ GV lớp 1 và BGH nhà trường thời gian tới.

Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương – Lào Cai) có 100% HS dân tộc. Thời gian HS nghỉ học phòng chống dịch nhà trường không triển khai dạy học trực tuyến bởi điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng. Cô Vũ Thị Kim Huệ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy nhấn mạnh: Trọng trách để HS lớp 1 “đọc thông viết thạo” thuộc về GV giảng dạy trực tiếp bởi họ là người nắm rõ nhất năng lực của từng HS. Trên cơ sở hướng dẫn tinh giản của Bộ GD&ĐT, GV phải sẵn sàng những phương án dạy và học phù hợp sau khi HS trở lại trường. Nhà trường đặt ra mục tiêu trên 90% HS lớp 1 đọc thông viết thạo để chuyển lớp. Như vậy, đây là thách thức nhưng cũng là động lực để mỗi GV hoàn thành tốt nhiệm vụ.

HS khối 1 chắc chắn sẽ quên mặt chữ, nhiều HS không thể ghép vần, đọc hiểu khi đi học trở lại. Nếu GV khối 1 không dốc hết tâm lực “làm lại từ đầu”, giúp HS nắm lại phần âm, vần, đọc, viết từ học kỳ I, không thể triển khai kiến thức mới. - Cô Vũ Thị Kim Huệ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.