Tinh giản biên chế giáo viên: Đừng để tác động ngược

GD&TĐ - Quảng Ninh là địa phương đi đầu trên cả nước về việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong đó có GD-ĐT. Sau gần 3 năm thực hiện, các mục tiêu đối với lĩnh vực GD đã cơ bản hoàn thành, được đánh giá là hiệu quả, tạo động lực thay đổi. 

Tinh giản biên chế giáo viên: Đừng để tác động ngược

Tuy nhiên, vẫn cần có những điều chỉnh để những giải pháp tinh giản không chỉ đem lại hiệu quả tốt hơn nữa cho nhà trường và học sinh, mà phải tránh được những tác động ngược.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, sau 3 năm mạnh dạn chuyển đổi, ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh đã chuyển 4 trường phổ thông dân tộc nội trú, 13 trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên từ trực thuộc Sở GD&ĐT về cấp huyện quản lý. Đã hoàn thành việc thành lập 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cơ sở sát nhập chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị. Có 9 trường được sắp xếp giảm (sáp nhập trường, chuyển trường thành điểm trường), trong đó có: 2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 3 trường THCS.

Đặc biệt, việc chuyển học sinh về học tại điểm trường trung tâm hoặc điểm trường tập trung, đã giúp giảm được 188 điểm trường, trong đó có 89 điểm trường mầm non, 88 điểm trường tiểu học, 11 điểm trường THCS. Toàn ngành đã thực hiện kiêm nhiệm đối với 574 vị trí nhân viên phục vụ kế toán kiêm văn thư, y tế trường học kiêm thủ quỹ, thư viện kiêm thiết bị thí nghiệm... Tính đến tháng 9/2017, các giải pháp tinh giản bộ máy, biên chế trong toàn ngành đã giảm nhu cầu sử dụng 1.444 người làm việc (1.120 cán bộ quản lý, giáo viên; 324 nhân viên).

Từ thực tế việc thí điểm kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp trong đó có ngành GD-ĐT ở tỉnh Quảng Ninh, bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả cao. Việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách Nhà nước mà còn giúp tăng cường năng lực lãnh đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động; riêng đối với ngành GD-ĐT, đó còn là góp phần chăm lo GD cho con em người dân tộc được tốt hơn, chất lượng GD toàn diện được nâng thêm một bước.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là việc quy hoạch, sát nhập các điểm, tinh gọn bộ máy trong GD vẫn cần có những tính toán đúng để thực sự đáp ứng tốt hơn việc dạy - học trong các nhà trường cũng như khuyến khích học sinh người dân tộc khu vực khó khăn ra lớp.

Cần tính đến những đặc thù riêng của GD

Ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên, cho biết: Thực hiện Đề án 25 tinh gọn bộ máy, hiện toàn huyện có 21 nhân viên kế toán trường học (20 biên chế, 1 hợp đồng). Phân công nhiệm vụ các nhân viên kế toán như sau: 7 nhân viên kế toán thực hiện 1 kế toán phụ trách 2 trường học, 13 nhân viên kế toán thực hiện 1 nhân viên kiêm 2 nhiệm vụ gồm kế toán và văn thư - hành chính của 1 trường học. Như vậy mỗi kế toán tại các trường học thực hiện khối lượng công việc tương đối lớn, ngoài các chế độ của cán bộ, giáo viên (tiền lương, thâm niên, công tác phí, thai sản, ốm đau, bảo hiểm xã hội…) là một khối lượng rất lớn về hồ sơ chứng từ chế độ học sinh, đặc biệt các trường có học sinh bán trú ngày và bán trú tuần, đồng thời các kế toán thực hiện nhiều công việc đột xuất do lãnh đạo đơn vị giao.

Hiện nay huyện Tiên Yên đang trong tình trạng thiếu nhiều so với quy mô trường lớp và số lượng huy động. Có đơn vị không triển khai được nội dung dạy học ngoại ngữ cho học sinh tiểu học do không có giáo viên. Phòng phải bố trí giáo viên dạy nhiều trường khác nhau để đảm bảo duy trì tiến độ chương trình, nhiều giáo viên phải dạy thêm giờ, dạy vượt số tiết định mức. Với một huyện miền núi như Tiên Yên, việc giáo viên dạy nhiều trường khác nhau là rất vất vả vì việc di chuyển ở huyện miền núi khác với đồng bằng rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Ty lý giải là để khắc phục khó khăn, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên đã tham mưu với UBND huyện thực hiện hợp đồng thời vụ bù cho các trường hợp nghỉ thai sản, nghỉ hưu, thôi việc; bố trí công tác thuận lợi về đi lại, gần nơi cư trú nhằm “giữ chân” giáo viên hợp đồng. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và thực tế thực hiện cũng đang rất khó khăn, vì không có nguồn để hợp đồng do mức tiền công hợp đồng thời vụ thấp, áp lực công việc lớn, thời gian hợp đồng ngắn nên không thu hút được nhân sự, không có giáo viên để hợp đồng.

Một trong những thành công của việc huy động học sinh ra lớp là việc xây dựng các điểm trường ở vùng dân tộc, những khu vực có điều kiện địa lý đi lại khó khăn là việc xây dựng các điểm trường. Thế nên, việc bỏ điểm trường để học sinh được tiếp cận tốt hơn với điều kiện GD là nên làm, nhưng cũng phải tính đến hệ lụy việc học sinh bỏ học. Như ở Trường Tiểu học Phong Dụ, huyện Tiên Yên, sau khi sát nhập các điểm trường thì nay trường này còn 6 điểm + 1 trường chính.

Ở điểm trường Hồng Phong, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Luận, cho biết việc “dồn” từ 13 điểm trường giảm xuống còn 7 điểm trường đã giúp việc nâng cao chất lượng dạy - học, giáo viên cũng không còn phải di chuyển quá xa tới các điểm trường để dạy. Tuy nhiên thầy Luận cũng tâm sự: “Nhưng giảm điểm trường hơn nữa tôi e là khó vì học sinh đi lại xa; như hiện nay các thầy cô giáo cũng đã phải rất vất vả để thuyết phục học sinh ra lớp vào đầu năm học và ngày mùa”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ