Giao ban Cụm thi đua số 1: Nâng cao chất lượng dạy và học

GD&TĐ - Chiều 1/3, tại tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị Giao ban Cụm thi đua số 1 lần thứ nhất, năm học 2016 – 2017.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng (giữa) phát biểu tại Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 1
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng (giữa) phát biểu tại Hội nghị giao ban Cụm thi đua số 1

Tham dự còn có ông Hồ Tiến Thiệu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, lãnh đạo Công đoàn GD Việt Nam, các Cục, Vụ chức năng Bộ GD&ĐT, cùng đại biểu các Sở GD&ĐT trong Cụm thi đua.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng mong muốn thông qua Hội nghị này các Sở, các địa phương đánh giá kết quả học kỳ 1, phản ánh những thành tựu, nêu sáng kiến kinh nghiệm để chia sẻ với nhau, học cách làm hay của nhau.

Đặc biệt là những giải pháp hay của các Sở GD&ĐT khi giải quyết những khó khăn tại địa phương mình. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn, thẳng thắn trao đổi những vướng mắc, khó khăn, những bất cập đang tồn tại hiện nay ở địa phương.

Với tư cách Trưởng Cụm thi đua số 1, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn Trần Quốc Tuấn cho biết: Thực hiện Kết luận số 338/TB-BGDĐT, các tỉnh trong Cụm thi đua đã triển khai và thực hiện tốt 9 nhiệm vụ.

Đồng thời, rà soát, qui hoạch mạng lưới trường lớp; Nâng cao chất lượng đội ngũ; Phân luồng và định hướng nghề cho HS; Nâng cao chất lượng dạy và học; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT;

Tăng cường tự chủ cho các cơ sở GD; Hội nhập quốc tế; Tăng cường CSVC; Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; Tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập GD tiểu học và THCS.

Theo báo cáo của Cụm, tỷ lệ trẻ em đi học trong độ tuổi đạt chỉ tiêu theo kế hoạch và đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Thành quả công tác xóa mù chữ - phổ cập GD được giữ vững cả về số lượng và chất lượng.

Chất lượng GD toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên. Toàn cụm có 102 HS đạt giải trong kỳ thi HSG quốc gia lớp 12 năm 2017, trong đó có 2 giải nhất, 17 giải nhi, 36 giải ba.

Các Sở đã rà soát, qui hoạch lại mạng lưới trường, lớp cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Lạng Sơn: giảm 13 điểm trường mầm non; 28 điểm trường tiểu học; sáp nhập trường TCKTKT với CĐSP.

Sơn La giảm 32 điểm trường cấp tiểu học với 109 lớp. Lào Cai: giảm 20 trường, 65 điểm trường, 302 lớp. Hà Giang: giảm 61 điểm trường tiểu học.

Điện Biên hoàn thành dự thảo Quy hoạch phát triển sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, hiện đang trình HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt.

Công tác xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo hướng đạt chuẩn và trên chuẩn được chú trọng.

Chủ động tham mưu với UBND tỉnh cơ chế thực hiện chuẩn hóa đội ngũ; Xây dựng lộ trình tinh giản biên chế giáo viên, cán bộ quản lý GD giai đoạn 2016 - 2021.

Một số trường trung học ở các địa phương triển khai mô hình nhà trường gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, như: “Trường học gắn với thực tiễn”, trường học “Nông trường, nông trại”, trường học “Du lịch, sinh thái”, trường học “Đa văn hóa”, đặc biệt là mô hình “Nội trú, bán trú” đã phát huy ưu thế, đạt được kết quả.

Là 7 tỉnh biên giới, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, đầu tư cho GD còn nhiều hạn chế nhưng đến nay, trong cụm một số tỉnh có tỉ lệ trường chuẩn tăng cao (Lào Cai: đạt 46,0%).

Tuy nhiên, việc công nhận còn hạn chế. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của một số tỉnh còn thấp, chủ yếu do thiếu CSVC: Lạng Sơn đạt 22,1%; Sơn La: 23%; Hà Giang 25,1%; Lai Châu: 25,6%,.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất ý kiến như: Đề nghị Bộ GD&ĐT đề xuất với Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên mầm non, bổ sung biên chế cho ngành GD;

Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các Sở trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; Đầu tư bổ sung, hoàn thiện CSVC trường, lớp học; thiết bị, nhà bán trú cho trường thuộc xã đặc biệt khó khăn, nâng mức hỗ trợ bữa ăn trưa cho trẻ mẫu giáo.

Có chế độ ăn trưa cho trẻ em nhà trẻ 2 tuổi vùng khó khăn, dân tộc thiểu số như chế độ đối với trẻ em mẫu giáo; Ưu tiên vốn trái phiếu Chính phủ cho kiên cố hóa trường, lớp; Đề nghị có chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ các Phòng và Sở GD&ĐT. Cần có hướng dẫn chuẩn, chi tiết về chương trình khởi nghiệp.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao những thành tựu và chia sẻ những khó khăn của 7 Sở GD&ĐT, đồng thời ghi nhận Cụm thi đua số 1 thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của ngành, làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu, đề xuất cho các cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây chính là mấu chốt đem lại thành công, tác động lớn tới sự phát triển của ngành.

Giải đáp một số kiến nghị của các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng chia sẻ: Vấn đề tinh giản biên chế, với ngành GD, Bộ đang có ý kiến, kiến nghị với Bộ Nội vụ và Chính phủ bởi ngành GD&ĐT là ngành đặc thù.

Hà Giang là một trong 3 tỉnh khó khăn nhất nên rất cần chính sách đặc thù cho địa phương phát triển là rất khó mà chỉ là ưu tiên dự án. Vấn đề có chính sách phụ cấp thâm niên cho cán bộ cấp Phòng, Sở hiện hết sức khó khăn, dù Bộ đã nhiều lần đề nghị.

Thứ trưởng rất tâm đắc với ý kiến của Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai trong việc đánh giá thi đua. Vùng 1 là vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, dân cư thưa thớt...nên khi đánh giá thi đua vùng này đánh giá trên cơ sở vượt lên chính mình của từng địa phương chứ không theo tiêu chí chung được.

Hiện Bộ đang rà soát các cuộc thi vì thời gian qua một số cuộc thi không thật sự hiệu quả, thiết thực, gây mất thời gian, công sức và tạo áp lực cho giáo viên, học sinh.

Học kỳ 2, Thứ trưởng đề nghị các Sở cập nhật thường xuyên các văn bản, chỉ đạo của Bộ để nắm bắt kịp thời; Đề nghị các Sở tham mưu với UBND tỉnh, cấp ủy, địa phương về chế độ chính sách cho GD, tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia.

Các Sở có trách nhiệm trong việc phát hiện, đề xuất các điển hình của ngành để tuyên truyền rộng rãi trong xã hội. Lãnh đạo Sở báo cáo tình hình GD của địa phương trước các kỳ họp Quốc hội để xã hội có cái nhìn đúng về giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ