1.
Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam. Trên phương diện văn học, đây không chỉ là tác phẩm xuất sắc trong sự nghiệp văn học phong phú, giá trị của tác gia Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập còn là một kiệt tác của dòng văn học chính luận Việt Nam. Một trong những mạch nguồn quan trọng làm nên giá trị cho tác phẩm là tính dân tộc thấm đẫm trong “áng thiên cổ hùng văn” thời hiện đại này.
2.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, tính dân tộc là “khái niệm thuộc phạm trù tư tưởng - thẩm mĩ chỉ mối liên hệ khăng khít giữa văn học và dân tộc, thể hiện qua tổng thể những đặc điểm độc đáo tương đối bền vững chung cho các sáng tác của một dân tộc, được hình thành trong quá trình phát triển lịch sử và phân biệt với văn học của các dân tộc khác” (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.347). Văn học của mỗi dân tộc, đặc biệt với những tác phẩm ưu tú, bao giờ cũng mang tính dân tộc đậm đà. Tính dân tộc ấy thể hiện sống động, sâu sắc, hài hòa trên cả hai phương diện nội dung tư tưởng lẫn hình thức biểu hiện.
Trên phương diện nội dung, tính dân tộc “biểu hiện trong sự phản ánh “màu sắc” dân tộc của thiên nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của xã hội”. Nội dung cơ bản của tính dân tộc trong tác phẩm văn học “là ở tinh thần dân tộc, thể hiện ở tính cách dân tộc và cái nhìn dân tộc đối với cuộc đời. Đó là những yếu tố tương đối bền vững được hình thành và phát triển trong những hoàn cảnh địa lí và con đường phát triển lịch sử riêng của dân tộc”.
Trên phương diện hình thức biểu hiện, tính dân tộc trong văn học thể hiện qua “hệ thống thể loại truyền thống” cùng “các phương tiện miêu tả, biểu hiện riêng, nhất là có ngôn ngữ dân tộc thể hiện bản sắc riêng trong tư duy và tâm hồn dân tộc mình” (Từ điển thuật ngữ văn học, Sđd, tr.347-348). Có thể xem tính dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng kiến tạo nên giá trị của tác phẩm cũng như sự khu biệt với tác phẩm của nền văn học các dân tộc khác. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tiêu biểu cho đặc tính này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. |
3.
Trên phương diện nội dung, tính dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập thể hiện sinh động ở nhiều khía cạnh, trong đó tập trung nhất ở bối cảnh dân tộc và cảm hứng dân tộc của tác phẩm.
Trong bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bối cảnh dân tộc là nước Việt Nam trong thời khắc lịch sử trọng đại: Tuyên bố độc lập và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945. Để có được thời khắc thiêng liêng ấy, dân tộc Việt Nam đã phải “gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm”, “gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm”.
Dấu ấn thời đại với những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc được thể hiện rõ trong tác phẩm của Bác. Đó là: “Hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”. Đó là: “Mùa Thu năm 1940, phát-xít Nhật đến Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn”. Đó là: “Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa”.
Đó còn là những hiện thực khác mang đậm không khí thời đại của dân tộc như “từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói” trong quãng thời gian cuối năm 1944 đến đầu năm 1945; trong 5 năm, thực dân Pháp “đã bán nước ta hai lần cho Nhật”; hành động “nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng” của giặc Pháp trên đường thua chạy; cách ứng xử khoan hồng, nhân đạo của ta khi “giúp nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”; sự kiện “vua Bảo Đại thoái vị”...
Có thể nói, bối cảnh thời đại phong phú, chân thực trước và trong ngày tuyên bố độc lập của dân tộc Việt Nam in dấu đậm nét trong tác phẩm là yếu tố quan trọng làm nên tính dân tộc của Tuyên ngôn độc lập.
Trong bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm hứng dân tộc là cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt. Cảm hứng ấy thể hiện trước hết ở nỗi căm giận trước tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Nỗi căm giận ấy được thể hiện bằng cách vạch trần âm mưu “khai hóa”, “bảo hộ” của giặc Pháp; liệt kê dồn dập các tội ác tày trời của Pháp nhằm đanh thép lên án những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” của chúng (Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảnh. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý… Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn); tố cáo bản chất nhu nhược, hèn hạ của chúng trước phát-xít Nhật cũng như thái độ bất hợp tác, cách hành xử tàn bạo của chúng đối với Việt Minh với những dẫn chứng cụ thể, lập luận chặt chẽ, đầy thuyết phục.
Cảm hứng dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập còn thể hiện qua niềm tự hào sâu xa của tác giả trước tính chính nghĩa và thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”; “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Trong niềm tự hào sâu sắc ấy, lời tuyên ngôn dõng dạc của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vang lên thật hùng tráng, hào sảng trong thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc: “Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập”.
Trong Tuyên ngôn độc lập, cảm hứng dân tộc còn được thể hiện qua niềm tin vào tương lai tươi sáng, quyết tâm sắt đá bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập, tự do non trẻ của nước ta.
Cùng với việc “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”, bản Tuyên ngôn còn khẳng định một cách hùng hồn: “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp” và “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Các đơn vị giải phóng quân tại quảng trường Ba Đình trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 2/9/1945. |
4.
Trên phương diện hình thức biểu hiện, tính dân tộc trong Tuyên ngôn độc lập được thể hiện rõ nét qua các khía cạnh văn tự, ngôn ngữ. Bản Tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết bằng chữ Quốc ngữ, sử dụng tiếng Việt (chứ không phải ngôn ngữ của dân tộc nào khác). Sử dụng tiếng mẹ để, ghi bằng chữ viết của dân tộc là chỉ dấu đầu tiên của tính dân tộc trong tác phẩm văn học. Điều này thể hiện ở Bác niềm tự hào sâu xa mà mãnh liệt về dân tộc Việt Nam.
Trong ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, tính dân tộc biểu hiện ở tư duy ngôn ngữ của người Việt được thể hiện đậm nét trong tác phẩm này. Đó là cách nói giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu và ưa vận dụng ca dao thành ngữ.
Ngôn ngữ Tuyên ngôn độc lập rất giàu tính tạo hình. Là một văn kiện chính trị nhưng Tuyên ngôn độc lập còn là một áng văn chính luận mẫu mực, một tác phẩm văn chương thực thụ. Kiến tạo nên điều này có vai trò rất lớn của lớp ngôn từ giàu hình ảnh và mang tính nghệ thuật cao của tác phẩm. Có thể nêu ra những hình ảnh tiêu biểu được tác giả sử dụng một cách linh hoạt, độc đáo như: Lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái; hai tầng xiềng xích; ách nô lệ; bóc lột dân ta đến tận xương tủy; mở cửa nước ta rước Nhật; Nhật tước khí giới của quân đội Pháp…
Ngôn ngữ Tuyên ngôn độc lập còn mang nhạc tính dồi dào. Tác giả sử dụng nhiều thủ pháp nhằm kiến tạo tính nhạc cho lời văn của tác phẩm như sử dụng hình thức lặp và tăng tiến gây hiệu ứng dồn dập (tiêu biểu là các cấu trúc điệp ngữ chúng + các tội ác của giặc Pháp; sự thật là +…; từ đó +…; Dân ta đã đánh đổ… Dân ta lại đánh đổ…); phối hợp hài hòa các khuôn vần, thanh điệu, nhịp điệu, số lượng âm tiết để gia tăng hiệu ứng âm thanh hô ứng cho lời văn (để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết; khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều; Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị…).
Đặc biệt, trong ngôn ngữ của bản Tuyên ngôn, nhiều câu thành ngữ quen thuộc trong tài sản tiếng nói dân tộc được tác giả vận dụng nhuần nhuyễn, tài tình, hiệu quả: Quỳ gối đầu hàng, yêu nước thương nòi, không ngóc đầu lên, tắm trong bể máu, trên dưới một lòng…
Những yếu tố trên đã kết hợp một cách hài hòa, tương hỗ cho nhau, góp phần quan trọng làm nên tính dân tộc cho tác phẩm. Có thể nói, Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử, chính trị mang đậm tính dân tộc trên mọi phương diện, từ nội dung cho đến các hình thức biểu hiện.
5.
Không chỉ là phẩm tính của tác phẩm, tính dân tộc đậm đà trong Tuyên ngôn độc lập còn mang lại cho áng văn chính luận mẫu mực này những giá trị độc đáo, quan trọng. Trong đó, khắc họa thành công những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc và thời đại, thể hiện niềm tự hào sâu sắc trước thời khắc thiêng liêng, mang đến tính chất gần gũi, thân thuộc bên cạnh tính trang trọng, hào hùng của một bản Tuyên ngôn độc lập là những giá trị tiêu biểu của tính dân tộc trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định, ý thức dân tộc là một trong những mạch nguồn làm nên sự thành công cho các tác phẩm văn học của tác gia Hồ Chí Minh nói chung, bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử nói riêng, bên cạnh tài năng văn học của Người.