Tính chuyện đường dài

GD&TĐ - Theo phân tích kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình các môn thi cơ bản giữ ổn định.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Riêng Tiếng Anh vẫn được chú ý vì là môn có điểm trung bình thấp nhất. Theo đó, điểm trung bình của 876.102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh là 5,45; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,2; có tới 44,83% (392.784 thí sinh) đạt điểm dưới trung bình.

Đặt trong bức tranh chung với các môn thi khác, rõ ràng yêu cầu phải có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, kéo gần khoảng cách chất lượng môn học này giữa vùng miền được đặt ra cấp thiết. Điều này đúng, tuy nhiên cũng phải nhận định công tâm, chất lượng dạy học tiếng Anh thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT có chuyển biến tích cực với điểm trung bình nhích dần lên qua các năm.

Còn nhớ năm 2021, khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm, môn Tiếng Anh gây chú ý bởi phổ điểm “lạ” - lần đầu tiên xuất hiện 2 đỉnh điểm cho thấy phân hóa rõ trình độ tiếng Anh của 2 nhóm là đại trà và có đầu tư cho môn học, giữa nhóm học tiếng Anh để xét tuyển đại học và nhóm chỉ cần đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đây lại là năm điểm trung bình môn Tiếng Anh đạt 5,84, vượt khỏi mức dưới trung bình của năm 2020 (4,58 điểm), năm 2019 (4,36 điểm), năm 2018 (3,91 điểm)…

Năm 2022, điểm trung bình bài thi Tiếng Anh có giảm (5,15 điểm), nhưng vẫn giữ mức trên trung bình. Năm 2023, với trung bình đạt 5,45, điểm Tiếng Anh có xu hướng tăng trở lại - dù lứa học sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

Phân tích như vậy để thấy rằng, việc dạy - học ngoại ngữ nói chung, Tiếng Anh nói riêng trong các nhà trường đã có chuyển biến. Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào thực tế để thấy chất lượng dạy học môn này ở nhiều địa phương còn hạn chế, đặc biệt vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chưa phải nơi nào, trường học, phụ huynh, học sinh cũng nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của tiếng Anh trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, dạy học ngoại ngữ cần đầu tư mạnh mẽ hơn. Nhưng đây là môn học đường dài, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ không thể lập tức có hiệu quả và cần sự chung tay, nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có gia đình, nhà trường, bản thân người học, chính sách của ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương.

Trên thực tế, chúng ta đã có chiến lược dạy và học ngoại ngữ mang tầm quốc gia. Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Đề án ra đời bước đầu tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Trong giai đoạn tiếp theo, Đề án tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ theo hướng kiến tạo và hội nhập; đảm bảo đến năm 2025, đại đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc. Hiện nay, thực hiện Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc trong trường phổ thông từ lớp 3.

Tuy nhiên, còn nhiều việc chúng ta phải làm để học sinh, sinh viên Việt Nam tự tin sử dụng ngoại ngữ như một công cụ để hội nhập toàn cầu. Trong số đó, cấp thiết cần phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng; bảo đảm chất lượng.

Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy - học; đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy - học ngoại ngữ. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, quy định liên quan đến việc dạy và học ngoại ngữ; trong đó ưu tiên chính sách đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, điều kiện học ngoại ngữ giữa các khu vực…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ