Thấy gì từ phổ điểm môn Tiếng Anh?

GD&TĐ - Phổ điểm “lạ” của môn Tiếng Anh được nhiều thầy cô lý giải là phản ánh của sự khác biệt về điều kiện dạy học ngoại ngữ giữa các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Tự tin với bài mình làm là biểu hiện rõ nét với các thí sinh trong kỳ thi năm nay. Ảnh minh họa
Tự tin với bài mình làm là biểu hiện rõ nét với các thí sinh trong kỳ thi năm nay. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cũng ghi nhận sự quan tâm của phụ huynh, HS đến học ngoại ngữ có chuyển biến rõ rệt và thay đổi của điểm thi năm nay là một minh chứng.

Chuyển biến trong nhận thức về dạy học Tiếng Anh

Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ Trường THPT Võ Thị Sáu, TP Châu Đốc, An Giang nhận định phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay tiến bộ hơn năm trước; cả HS đạt điểm 10 và HS điểm trên trung bình đều tăng. Đặc biệt, phổ điểm lạ vì có hai đỉnh. Đỉnh bên trái của phổ (khoảng 4 - 5 điểm) cao hơn đỉnh của năm 2020 (3 - 3,8 điểm); đỉnh bên phải của phổ điểm (khoảng 8 - 9 điểm).

Cô Thúy cho rằng, phổ điểm năm nay tương đối phù hợp với đề thi, do Bộ GD&ĐT đã cho bám sát đề thi tham khảo; những câu ngữ âm, nhấn âm, speaking và ngữ pháp không quá khó và không gây nhiễu như năm trước.

Lý giải việc điểm Tiếng Anh nhỉnh hơn so với năm 2020, cô Phạm Quỳnh Trang (Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên), nhìn nhận: Nhận thức của HS, phụ huynh về tầm quan trọng của môn học dẫn đến HS chú ý hơn khi học trên lớp. Ngày càng nhiều HS chọn Tiếng Anh trong khối thi chính để xét ĐH. Sự quản lý sát sao của lãnh đạo với môn học; giáo viên bộ môn có nhiều cố gắng trong giảng dạy và làm công tác tư tưởng cho HS để các em nhận thức được tầm quan trọng của môn học. Đề thi sát với chương trình học và việc tiếp cận của HS với môn học hơn, đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp của HS ở mọi vùng miền, cũng như yêu cầu xét tuyển ĐH.

“Nếu môn học tiếp tục được quan tâm và theo chiều hướng ra đề như thế này, kết quả môn học của trường sẽ ngày càng tốt hơn” - cô Trang cho hay.

Phổ điểm Tiếng Anh năm 2021 có 2 đỉnh rõ rệt, phản ánh rõ thực trạng học tiếng Anh ở Việt Nam. Đưa nhận định này, cô Hoàng Thị Bích Huệ, Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ cho rằng: Những HS đầu tư học chuyên sâu để tiếp tục học lên ĐH hoặc đi du học đạt điểm cao; trong khi HS ngay từ đầu chỉ xác định học để đủ điểm tốt nghiệp đa số đạt mức 4 - 5 điểm.

Theo PGS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải, điểm Tiếng Anh năm nay cao hơn năm trước, phổ điểm có 2 hình chuông liên tiếp; trong đó một đỉnh ở ngưỡng 4 điểm và một đỉnh ở ngưỡng 9 điểm. Nếu xét ở mức điểm 8,0 trở lên là 208.736 thí sinh, chiếm 24,07%. Trong khi đó, điểm dưới trung bình có 349.175 thí sinh, chiếm 40,27%. Đây là hiện tượng phản ánh rõ đề thi vừa bảo đảm cho xét tốt nghiệp THPT, các trường xét tuyển ĐH. “Những năm gần đây, khi các trường ĐH có sử dụng kết quả Tiếng Anh để xét tuyển, nhiều gia đình, HS tập trung đầu tư hơn cho môn học này” - PGS Phạm Hồng Chương lý giải thêm.

Thí sinh bước vào môn thi tổ hợp KHXH trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thí sinh bước vào môn thi tổ hợp KHXH trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Phân hóa rõ vùng thuận lợi, khó khăn trong dạy học Tiếng Anh

Cô Lê Phương Lan, giáo viên Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội cho rằng: Từ phổ điểm có thể thấy sự phân hóa vùng miền rõ rệt; điều này hợp lý bởi đặc thù học Tiếng Anh ảnh hưởng nhiều bởi cơ hội tiếp xúc với môi trường học, cơ hội được đầu tư cho học tập, khả năng tài chính của các gia đình…

Phổ điểm này khá giống với phổ điểm thi Tiếng Anh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay, thể hiện trình độ Tiếng Anh khác nhau giữa HS nông thôn và thành thị, nơi khó khăn và nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn. Điểm thi Tiếng Anh tăng có nhiều nguyên nhân, một trong số đó được cô Lan chia sẻ là ý thức học Tiếng Anh, sự đầu tư cho dạy học Tiếng Anh ngày càng được chú trọng.

“Từ Bộ GD&ĐT đến sở GD&ĐT, nhà trường đều tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn. Các gia đình cũng đầu tư nhiều, HS không chỉ học Tiếng Anh ở trường mà học thêm tại các trung tâm, do đó các em học tốt Tiếng Anh hơn là đương nhiên” - cô Lan cho hay.

Theo cô Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc, Hòa Bình, phổ điểm thể hiện việc dạy - học Tiếng Anh có sự phân hoá giữa các vùng miền; việc quy đổi điểm giữa chứng chỉ Anh ngữ quốc tế sang điểm xét tốt nghiệp tốt nghiệp THPT ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH cũng sử dụng phương thức xét tuyển có yêu cầu chứng chỉ Tiếng Anh, nên HS đầu tư nhiều hơn cho môn học này.

Với số lượng điểm 10 Tiếng Anh như năm nay, cô Hiền cho rằng, nếu xây dựng ma trận đề chuẩn, cùng việc dạy học Tiếng Anh được đầu tư, xu hướng lựa chọn môn Anh của thí sinh từ xét tốt nghiệp sang xét ĐH, sự xuất hiện các trung tâm Anh ngữ tại nhiều địa phương… thì tỷ lệ điểm 10 như trên là hoàn toàn hợp lí.

TS Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội - nhận định chung phổ điểm năm nay khá ổn, chứng tỏ đề thi phần lớn vừa sức với thí sinh. Trong đó phổ điểm các môn Toán, Lý, Hóa và Địa lý là những phổ điểm đẹp nhất. Riêng đối với Lý và Hóa là 2 môn có sự phân hóa khá cao. Đa phần các môn trong tổ hợp xét tuyển ĐH có phổ điểm tốt, phân hóa tương đối rõ ràng, tạo điều kiện cho các trường ĐH lựa chọn được sinh viên theo đúng “phân khúc”.

Riêng môn Tiếng Anh, theo Phó Hiệu trưởng Dương Thăng Long, phổ điểm tạo nên biểu đồ 2 đỉnh cho chúng ta phỏng đoán về sự phân hóa rõ nét giữa thí sinh ở khu vực thành thị và nông thôn. Thống kê có 4.345 thí sinh được điểm 10 môn Tiếng Anh. Chắc chắn đây là những thí sinh đầu tư bài bản, công phu và có nền tảng ngoại ngữ tốt.

Ở một khía cạnh tích cực, việc nhiều điểm cao môn Ngoại ngữ cho thấy các trường THPT và phụ huynh cũng như thí sinh đã chú trọng cho môn học này. Động lực thúc đẩy cho kết quả này cũng có thể từ việc HS tập trung ôn thi các chứng chỉ quốc tế để đăng ký học bổng hoặc xét tuyển thẳng vào một số trường.

“Hiện, HS được học đầy đủ 4 kĩ năng. Mong rằng thời gian tới, đề thi không chỉ làm bài trên giấy, đánh giá kĩ năng đọc, viết; mà sẽ có cả phần nghe, nói - đánh giá toàn diện các kĩ năng các em được học ở phổ thông” - cô Huệ kiến nghị từ quan điểm cá nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trách nhiệm của cha mẹ là truyền đạt cho con khái niệm về sự kiên nhẫn. (Ảnh: ITN).

Vì sao bố mẹ nên dạy con tính kiên nhẫn?

GD&TĐ - Ngay cả việc học về tính kiên nhẫn cũng cần một lượng thời gian đáng kể. Bạn cần chuẩn bị sẵn kiến ​​thức cơ bản trước khi dạy con về tính kiên nhẫn.