Đánh giá thế nào về vai trò, tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng: Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục. Trong lộ trình đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, những năm qua chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm 2 mục đích: xét tốt nghiệp và làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Luật sửa đổi một số điều của luật giáo dục đại học đã có hiệu lực, Nghị định 99 NQ-CP đã quy định rõ về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và tính chất đặc biệt của năm học này, thì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chung đề là cần thiết để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông toàn quốc, tạo động lực học tập tích cực cho học sinh và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong nhà trường. Kết quả thi có thể sử dụng để xét tuyển sinh đại học và cao đẳng trên tinh thần tự chủ đại học.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Văn, Ngoại ngữ và thí sinh chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Bài thi tổ hợp lấy chung 1 đầu điểm. Như vậy đủ cơ sở để đánh giá học sinh toàn diện và tránh học lệch. Số buổi thi dự kiến giảm có thể giảm tải cho thí sinh. Theo chúng tôi phương án như vậy là hợp lý, không gây xáo trộn lớn vì việc chuẩn bị của thí sinh là cả quá trình học, không chỉ học kỳ cuối cấp” – GS Đinh Xuân Khoa cho hay.
Cũng theo GS Đinh Xuân Khoa, học sinh hoàn toàn yên tâm với cách thức tổ chức thi hiện nay. Hầu hết các trường đại học vẫn lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT. Một số trường có thể tổ chức thi riêng nhưng vẫn dành chỉ tiêu lấy từ kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bậc THPT. Thêm vào đó, nếu thí sinh có tham gia cả hai kỳ thi thì việc học cũng không nặng thêm vì phạm vi kiến thức là không thay đổi.
“Trường ĐH Vinh hoàn toàn tin tưởng và sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học năm 2020. Năm nay, ngoài lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Vinh còn xét tuyển dựa vào kết quả 5 học kỳ THPT (2 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12), và tuyển thẳng theo quy định” – GS Đinh Xuân Khoa chia sẻ.
Bình luận