Được giao trách nhiệm trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT, địa phương sẽ làm tốt hơn

Được giao trách nhiệm trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT, địa phương sẽ làm tốt hơn

- Ông nghĩ sao khi năm nay chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT quốc gia?

Trước hết để phù hợp với nội dung của điều 34 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1-7-2020, đó là học sinh sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phải qua một kỳ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT. Bằng tốt nghiệp là điều kiện bắt buộc cho thi sinh muốn dự thi tuyển sinh vào các trường đại học. Xét về bản chất không có sự thay đổi giữa hai kỳ thi này.

- Dự kiến phương án thi đã được công bố. Ông nhận định thế nào về những thay đổi trong phương án dự kiến này?

Những thay đổi trong dự kiến phương án thi nếu được chính thức hoá thành quy chế là tiệm cận với xu thế của lộ trình thi cho học sinh học hết chương trình trung học phổ thông. Đề cao vai trò của các địa phương, không chỉ lo về khía cạnh cơ sở vật chất tổ chức thi mà còn đánh giá việc coi thi, chấm thi và chất lượng dạy học một cách khép kín của cả quá trình giáo dục. 

Được giao trách nhiệm trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT, địa phương sẽ làm tốt hơn ảnh 1
Ông Đặng Tự Ân

Bộ GD&ĐT vẫn giữ quyền quản lý nhà nước, quyền giám sát kỳ thi thông qua ban hành quy chế thi. Ngoài ra các tỉnh phải công khai phổ điểm và học bạ của học sinh giúp xã hội thuận tiện trong việc đối chiếu với kết quả chấm thi của tỉnh, thành phố.

Cấu trúc các môn thi giúp các trường đại học có thêm dữ liệu để dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ tuyển sinh. Ngoài ra, cấu trúc đề thi như vậy sẽ tạo cho thí sinh không quá xa lạ giữa ôn thi THPT quốc gia và dự thi thi tốt nghiệp THPT.

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến băn khoăn về độ tin cậy khi giao quyền tổ chức kỳ thi cho địa phương?

Tôi nghĩ, một khi giao trách nhiệm các khâu tổ chức thi, coi thi, chấm thi cho địa phương thì chính họ lại phải làm tốt hơn, không thể đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT. 

Nếu kết quả thi phản ánh không đúng và đồng bộ với quá trình học của học sinh, chắc chắn dư luận sẽ không chấp nhận và các trường đại học cũng khó xét tuyển sinh những học sinh ở các địa phương đó.

- Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Vậy phải chăng như vậy cũng sẽ không có nhiều xáo trộn như nhiều ý kiến lo lắng?

Như trên tôi đã nói, bản chất của hai kỳ thi này là như nhau, còn phương thức tuyển sinh của các trường đại học vẫn là được tự chủ tuyển sinh như nhiều năm và ngay cả kỳ thi năm 2020 này. 

Học sinh nếu có kết quả thi tốt sẽ vẫn được các trường đại học nhận vào học. 

Tất nhiên, một bộ phận học sinh muốn thi đỗ vào các trường đại học thuộc nhóm tốp đầu, hoặc các trướng đặc thù sẽ phải qua các bước đánh giá khác nữa, kể cả phải dự thêm một kỳ thi nữa. Điều nay là tất yếu khi trường đại học được tự chủ tuyển sinh.

Với học sinh, các em từng chuẩn bị thi ngay từ đầu năm, nhất là đang ôn tập bám sát các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT thì việc làm bài đạt điểm cao sẽ là không quá khó khăn với nhiều học sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ