Ông Kiều Công Thược - Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục HappySpace.Edu; Giám đốc chiến lược Hệ thống giáo dục BachkhoaAptech đã trao đổi xung quanh vấn đề trên.
Giáo dục Việt Nam sẽ bứt tốc.
+ Dưới góc độ chuyên môn về công nghệ thông tin, ông có nhìn nhận gì về sự cần thiết triển khai dạy tin học bắt buộc từ lớp 3?
- Tôi thấy việc Bộ GD&ĐT triển khai dạy học bắt buộc môn Tin học đối với HS từ lớp 3 rất cần thiết.
Chúng ta biết rằng, sự bùng nổ mạnh mẽ của KHCN thời kỳ 4.0 không chỉ thay đổi bộ mặt nền kinh tế toàn cầu, làm thay đổi cuộc sống của con người mà nó đã và đang len lỏi đến mọi tầng lớp, thế hệ trong xã hội bằng nhiều cách khác nhau và biểu hiện rõ rệt nhất ở thế hệ trẻ - chủ nhân đất nước trong tương lai.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của những thiết bị công nghệ bắt mắt, sinh động… thì công nghệ đã len lỏi vào bài học của trẻ một cách tự nhiên, biến việc học tập của trẻ trở thành quá trình khám phá, trải nghiệm trong thế giới khoa học. Ở đó những đứa trẻ vốn dĩ luôn tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh trở thành một nhà khoa học thực thụ.
Từ năm học 2022- 2023, Bộ GD&ĐT triển khai dạy học bắt buộc môn Tin học đối với HS từ lớp 3 xuyên suốt tới lớp 9 là một sự lựa chọn đúng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thực tế vừa qua cho thấy việc HS sớm tiếp cận với các nền tảng công nghệ, biết sử dụng máy tính, các phần mềm khi học online, và thi qua mạng đã làm phong phú cách tiếp cận học tập trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, làm gián đoạn việc học tập của HS.
Thực tiễn cũng chỉ ra, hiện nay máy tính cá nhân, laptop, smartphone liên tục thay đổi. Các ứng dụng của công nghệ tin học phát triển nhanh chóng len lỏi vào từng gia đình, Internet phủ kín từng người dân… như vậy đòi hỏi thế hệ trẻ cần trang bị cho mình kiến thức để tận dụng nguồn công cụ này.
HS cũng cần có đủ kỹ năng công nghệ để tìm kiếm tài nguyên trên mạng phục vụ cho học tập và sự tự tin để hội nhập vào không gian học tập quốc tế.
+ Từ nghiên cứu thực tiễn, ông có thể chia sẻ thực tế các nước trên thế giới đối với vấn đề dạy học tin học bắt buộc ở tiểu học?
Tại Singapore, học tin học và lập trình đang là xu hướng phổ biến được nhiều phụ huynh Singapore quan tâm bởi chúng cung cấp cho con trẻ những kỹ năng sống cần thiết phải chuẩn bị cho tương lai con trẻ.
Học piano, múa ballet, học làm giàu… giờ đây đã là những chủ đề lỗi thời ở Singapore. Càng ngày càng có nhiều trẻ em ở Đảo quốc Sư tử được phụ huynh đăng ký tham gia vào các lớp học lập trình và toán tư duy.
Nguyên do là vì các phụ huynh nhìn thấy giá trị của việc cho trẻ làm quen với ngôn ngữ lập trình từ nhỏ, qua đó rèn luyện tư duy logic và thấu hiểu thế giới công nghệ.
Còn tại Nhật Bản, dạy tin học và lập trình cho trẻ em đã trở thành môn học bắt buộc tại trường tiểu học Nhật Bản từ 4/2020 khi quốc gia này tìm cách đào tạo một thế hệ mới với trình độ công nghệ thông tin cao.
Việc dạy lập trình cơ bản cho HS sẽ được dạy bắt đầu từ lớp 5. Trong SGK mới được Bộ giáo dục Nhật Bản phê duyệt, các bài tập cho HS được đưa ra theo lộ trình nhằm giúp cho trẻ làm quen với mã code trong lập trình…
Nhìn từ các quốc gia trên, chúng ta thấy việc học tin học, đặc biệt là lập trình đã được chú trọng trong quá trình đào tạo trẻ bởi những kiến thức này giúp trẻ phát triển toàn diện và có thể thành công trong bất kể con đường nghề nghiệp nào mà các em sẽ chọn lựa sau này.
Nhiều công việc trong tương lai sẽ yêu cầu những hiểu biết cơ bản về toán học, các môn khoa học và phần mềm,vì vậy, học tin học và lập trình sẽ giúp trẻ em sáng tạo.
Sau khi học tin học, học lập trình, các em sẽ biết đọc, biết viết mã code. Những điều này không chỉ mang lại cho các em nhiều điều thú vị, thúc đẩy phát triển tư duy mà còn trở thành tờ thông hành giúp các em có được những công việc ưng ý sau này.
Dạy học tin học bắt buộc thành công
+ Để việc triển khai dạy học tin học bắt buộc từ lớp 3 thành công, ông có khuyến nghị gì trong việc triển khai ở điều kiện hiện nay?
Theo quan điểm cá nhân tôi, có thể để các trường tự chủ về mô hình và chương trình đào tạo kết hợp xã hội hóa việc đào tạo tin học cho HS.
Xã hội hóa việc đào tạo tin học sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm đào tạo. Hơn ai hết chính địa phương nơi các khóa đào tạo tin học được yêu cầu triển khai bắt buộc hiểu được địa phương mình cần gì, thiếu gì…
Việc để các trường chủ động trong việc quyết định nội dung đào tạo cũng sẽ tận dụng được nguồn lực của đội ngũ GV của trường, phát huy thế mạnh của trường bởi trường cũng sẽ phải nỗ lực đào tạo tốt, tạo uy tín thu hút HS vào học.
Hơn nữa, để các trường chủ động nội dung đào tạo sẽ giúp các trường phối hợp với các công ty chuyên về đào tạo tin học cùng đội ngũ kỹ sư chuyên sâu về tin học, lập trình khác nhau đưa ra nhiều sản phẩm đào tạo tin học khác nhau sát với thực tiễn.
Cần truyền thông thay đổi nhận thực về việc dạy tin học trong nhà trường. Hiện nay nhiều trường vẫn đang coi tin học là môn phụ, nên việc đầu tư sức lực, kinh phí trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tin học chưa được chú trọng một cách thỏa đáng.
Chừng nào mà các trường chưa thay đổi được nhận thức về tầm quan trọng của việc đào tạo tin học thì vẫn còn nhiều phụ huynh chưa chú trọng tới việc đào tạo cho con em kỹ năng công nghệ ngay từ nhỏ.
Cần cập nhật những chương trình giảng dạy, mô hình đào tạo về công nghệ mới, hiện đại trên thế giới về học tin học, lập trình, Robotics vào học tập và giảng dạy…
Cần dạy học theo hướng thực hành, kết hợp với trải nghiệm công nghệ, cũng như đào tạo kỹ năng nghề thay vì lý thuyết. Nội dung đào tạo cần gắn với thực tế, nhằm giải quyết những hiện tượng, những vấn đề xung quanh trong đời sống hàng ngày để HS dễ dàng hiểu được vấn đề và áp dụng với thực tế ngoài đời.
Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy phải gắn với việc thực hành “làm trước học sau” “học qua hành”, trải nghiệm công nghệ thay vì chỉ đào tạo lý thuyết.
Một trong 4 kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21 là kỹ năng hợp tác. Do đó trong quá trình đào tạo tin học, người thầy cần tạo môi trường đào tạo có sự tương tác để HS có cơ hội trao đổi hợp tác với GV và bạn học.
Việc tạo ra môi trường mở để các HS trao đổi, hợp tác và hoàn thành dự án tin học cũng là một trong những phương pháp đào tạo hiệu quả nên được áp dụng trong việc đào tạo tin học.
Phương pháp này cũng giúp phát triển tư duy đa trí tuệ ở HS, giúp các em có hứng thú trong việc học tin học và đem lại hiệu quả cao hơn trong đào tạo...
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!