Đi học gần
Trước đây, học sinh tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) phải vượt hàng chục km đường rừng để ra trung tâm xã học tập. Do đó, việc duy trì sĩ số đã khó, việc nâng cao chất lượng giáo dục còn khó muôn phần đối với thầy cô giáo nơi đây.
Tuy nhiên, niềm vui đi học gần đã đến với các hộ dân khu vực các thôn Ea Bar, Ea Lang... vào năm 2016 khi UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk) quyết định thành lập trường Tiểu học Ea Bar.
Đây là trường học nằm ở trung tâm cụm dân cư thuộc các thôn, buôn có phần lớn hộ dân là người dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống.
Chị Lý Thị Thào (SN 1983), thôn Ea Lang vui mừng nói: "Hầu hết các gia đình ở đây đều từ Cao Bằng vào lập nghiệp. Lúc đầu việc tìm trường cho các con rất khó khăn, chúng tôi phải dắt nhau vượt qua rừng, qua suối mới tới trường học ở xã. Việc đi học của các con cũng không thuận lợi do đường sá vừa xa, vừa khó khăn. Nhưng từ ngày được Nhà nước mở trường ở thôn Ea Bar, con cái chúng tôi đi học gần, bố mẹ yên tâm sản xuất".
Chung niềm vui, anh Ma A Sễnh (SN 1991), thôn Ea Bar cho biết, gia đình có 3 đứa con đều được đi học gần nhà nên có thời gian chăm sóc nhiều hơn.
"Nhà gần trường, 3 đứa con có thể tự dắt nhau tới trường mỗi khi bố mẹ bận đi rẫy hay đi công việc sớm. Việc đi thuận lợi cũng giúp các con cũng chăm chỉ học tập, bố mẹ có thời gian để chăm sóc, động viên. Hơn nữa, thầy cô giáo ở đây cũng hết sức yêu thương học trò, mỗi khi bố mẹ đi làm về muộn, đều trông giữ thậm chí cho các con ăn uống giúp. Chúng tôi thực sự cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư trường lớp để con em được đi học thuận lợi", anh Sễnh nói.
Theo thầy Trần Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Bar, ngày đầu thành lập (2016), Nhà trường gặp muôn vàn khó khăn, các lớp học hầu hết tạm bợ, giao thông đi lại khó khăn vì chủ yếu đường đất, đá lởm chởm.
Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thành lập, được sự đầu tư từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo và sự hỗ trợ từ các đơn vị, đến nay trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
"Việc thành lập trường không chỉ mang niềm vui đi học gần cho học sinh, còn tạo điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn. Nhà trường với 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, tận tâm với nghề cùng định hướng từ các cấp quản lý, chúng tôi tự tin hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng cuộc sống trên địa bàn", thầy Ngọc vui mừng cho biết.
Tập trung nguồn lực cho giáo dục
Theo ông Nguyễn Minh Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thời gian qua địa phương đã phối hợp Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp theo hướng đạt chuẩn.
Trường Mẫu giáo Cư Pui được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I từ năm 2020. Để đạt kết quả đó, trường đã nỗ lực vượt khó vì xuất phát điểm rất thấp. Trường có địa bàn rộng với 12 điểm lẻ, đường đi lại gặp nhiều khó khăn, điểm trường xa nhất cách điểm chính gần 20 km. Học sinh đa số là người dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất hầu hết tạm bợ.
"Đầu năm học 2024-2025, xã Cư Pui có 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học và 1 trường THCS với 126 lớp, 4.259 học sinh. Trong đó, đã có 3 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 1 trường đang trong giai đoạn hoàn thiện để công nhận. Các trường đạt chuẩn gồm: Mẫu giáo Cư Pui, Tiểu học Ea Bar và THCS Cư Pui. Hiện nay, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho 3 đơn vị còn lại để hướng tới đạt chuẩn theo quy định", ông Nghiệp nói.
Cũng theo lời ông Nghiệp, ngoài nguồn vốn từ chương trình, các trường học và địa phương tích cực triển khai công tác xã hội hóa để đầu tư thêm. "Để đạt chuẩn, ngoài nguồn vốn được đầu tư, các trường đạt chuẩn đều được hỗ trợ từ vốn xã hội hóa hơn 1 tỷ đồng".
Còn theo thầy Huỳnh Viết Trung, Cư Pui là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tham mưu, đến nay 50% trường học đã đạt chuẩn, đó là tín hiệu vui từ giáo dục vùng khó.
"Hiện nay, Trường Mẫu giáo Cư Pui được đánh giá là một trong 5 trường mầm non tốt nhất của tỉnh về xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đồng thời là đơn vị đứng đầu ngành Giáo dục huyện trong việc xây dựng môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Còn Trường Tiểu học Ea Bar được ghi nhận là lá cờ đầu cấp tiểu học của ngành giáo dục huyện Krông Bông trong việc duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh", thầy Trung nói.
Theo thống kê, toàn ngành GD-ĐT huyện Krông Bông hiện có 25/51 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 49,02%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 612/759 phòng, chiếm 80,63%.