Quảng Trị tăng cường đầu tư giáo dục, hoàn thiện tiêu chí về nông thôn mới

GD&TĐ - Giáo dục là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Trị đã tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất giáo dục ở các địa phương.

Cơ sở vật chất trường học các địa bàn miền núi Quảng Trị ngày càng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục.
Cơ sở vật chất trường học các địa bàn miền núi Quảng Trị ngày càng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu giáo dục.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học

Xác định giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới, Sở GD&ĐT Quảng Trị ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ duy trì ổn định. Ngành giáo dục tích cực huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.

Những năm qua, nhiều chương trình, dự án liên quan đến giáo dục được triển khai tại các địa phương. Qua đó, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa.

Tỉ lệ phòng học kiên cố các cấp tăng. Cụ thể, bậc Mầm non đạt 59,18% (tăng 4,68%), tiểu học đạt 82,61% (tăng 2,99%), trung học cơ sở đạt 96,85% (tăng 0,11%) và THPT đạt 100%.

459121481-507144568935487-8697978939048288014-n.jpg
Trường lớp khang trang, sạch đẹp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo hàng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2024 - 2026;... giao chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh cho các trường trực thuộc phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ và thực hiện phổ cập giáo dục và phân luồng học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường lớp; tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng để xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới và huyện Cam Lộ đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Các địa phương đã đẩy mạnh triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình để đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông.

Triển khai hiệu quả các chương trình MTQG

Trong những năm qua, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình đã khởi công. Các địa phương đã quan tâm phân bổ nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn vốn đầu tư công để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học.

106d1183252t5062l4-truong-mam-non-a-tuc.jpg
Công trình Trường Mầm non A Túc (huyện Hướng Hóa) có tổng mức đầu tư 10 tỉ đồng.

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Sở GD&ĐT cùng với UBND huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đã tích cực tham mưu phân bổ, huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình đề ra.

Đến cuối tháng 12/2024, đã huy động được hơn 118 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và tổ chức các lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương khoảng 105 tỉ đồng; nguồn ngân sách địa phương khoảng 12,5 tỉ đồng; vốn đóng góp của người dân, cộng đồng gần 50 triệu đồng.

Giai đoạn từ 2013 đến nay, đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng 30 phòng học, 10 phòng học bộ môn, 60 phòng công vụ giáo viên, 12 phòng ở học sinh, 7 nhà bếp, 4 nhà ăn, 4 nhà vệ sinh, 4 công trình nước sạch và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Hiện đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện 31 phòng công vụ giáo viên, 24 phòng ở học sinh,...

Cơ sở vật chất trường học không ngừng được quan tâm đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố đã đáp ứng tốt hơn điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục các cấp học, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.