Hà Giang chú trọng thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới

GD&TĐ - Tỉnh Hà Giang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... góp phần thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM.

Trường Mầm non xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn được xây dựng với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Ảnh: My Ly
Trường Mầm non xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn được xây dựng với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Ảnh: My Ly

Xác định rõ các tiêu chí

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục, gồm tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo.

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã tăng cường bố trí các nguồn lực, phối hợp với các địa phương đầu tư xây dựng trường, lớp học. Tuy nhiên với địa hình phức tạp, cơ sở vật chất ngành giáo dục chưa đồng bộ nên dẫn đến chất lượng giáo dục của tỉnh chưa được nâng cao.

Qua gần 4 năm thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên. Đến nay, tỉnh Hà Giang có 51 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng số tiêu chí xã NTM đã hoàn thành đến nay là 2.210 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 12,63 tiêu chí/xã. Trong lĩnh vực giáo dục, 99 xã đáp ứng tiêu chí trường học.

Theo báo cáo của ngành Giáo dục Hà Giang, toàn tỉnh hiện có 814 cơ sở giáo dục với trên 269.600 học sinh, 17.925 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 66,04%; tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ duy trì sỹ số hằng ngày trung bình các cấp học đạt 98%.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên 56,57%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 66,04%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100,18%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vượt chỉ tiêu 6,93%.

Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cũng ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ. Hầu hết trẻ em trong tỉnh đều hoàn thành chương trình mầm non với khả năng sử dụng tiếng Việt thành thạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp theo.

yl.jpg
Học sinh huyện Mèo Vạc được học tập trong lớp học khang trang. Ảnh: Minh Đức

Tuy nhiên, giáo dục Hà Giang cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục. Theo thống kê của ngành Giáo dục Hà Giang, bước vào năm học 2024 -2025, bậc học Mầm non cần đầu tư bổ sung 194 phòng; Tiểu học còn 189 phòng học tạm; THCS còn 5 phòng học tạm...

Tổng nhu cầu cần đầu tư bổ sung của các trường phổ thông là 1.226 phòng học. Bên cạnh đó, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng lưu trú học sinh, hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh (còn thiếu khoảng 500 nhà vệ sinh)...

Tại một số trường, các công trình được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp không đáp ứng nhu cầu, cần cải tạo, thay thế. Diện tích đất của một số trường chưa đáp ứng yêu cầu khi chuyển học sinh từ điểm trường về, có trường không còn quỹ đất để mở rộng nhà lưu trú, bếp ăn, nhà vệ sinh, bể nước…

Nỗ lực vượt khó

Để thực hiện tốt Tiêu chí giáo dục trong xây dựng NTM, thời gian tới, Hà Giang sẽ triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch về phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng miền núi, đề án đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Tập trung kinh phí đầu tư cơ sở vật chất có trọng điểm theo quy hoạch trường chuẩn quốc gia và theo kế hoạch xây dựng NTM của các đơn vị.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh được đầu tư nâng cấp 213 phòng công vụ cho giáo viên; 619 phòng ở cho học sinh bán trú; 59 phòng quản lý học sinh bán trú; 76 phòng nhà ăn, nhà bếp; 82 nhà kho chứa lương thực; 68 công trình vệ sinh, nước sạch; 54 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; 739 phòng học thông thường, phòng học bộ môn; 64 công trình phụ trợ; mở 890 lớp xóa mù chữ cho 26.700 người.

Tổng nguồn vốn thực hiện là trên 740 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 700 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 27.000 đồng.

duong-be-tong-xin-man.jpg
Đường bê tông được xây dựng khang trang tại huyện Xín Mần giúp học sinh đến trường thuận tiện hơn. Ảnh: Văn Long

Mèo Vạc là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang, không chỉ đối mặt với những thách thức về điều kiện tự nhiên và kinh tế mà còn đang dốc sức nỗ lực để cải thiện chất lượng giáo dục.

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2024, huyện đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 50 phòng học, 26 phòng lưu trú cho học sinh, 85 phòng vệ sinh cùng các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm phân bổ thêm 7,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để mua sắm bổ sung các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Huyện cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa giáo dục, thu hút sự hỗ trợ từ các trường, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Dự án Trường phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie – Mèo Vạc với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng đang trong giai đoạn xây dựng, hứa hẹn sẽ mang lại môi trường học tập tốt hơn cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ