“Tín chấp” lòng tin...!

GD&TĐ - Hồi đầu tháng 4 vừa qua, tại sân bay Tây Sơn Nhất, một người cha quê ở Nghệ An đã được một hành khách mua tặng tấm vé để kịp về đám tang con gái bị tai nạn giao thông.

Trường hợp mới đây nhất là anh N.Q.P, quê ở Kim Động, Hải Dương, khi nhận được tin cha bị tai biến đã vội vã ra sân bay Tân Sơn Nhất để về quê, dù trong người chỉ có vỏn vẹn 350.000 đồng...

“Mẫu số chung” của các trường hợp này là đều nhận được sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần từ những người hoàn toàn xa lạ. Như trường hợp của người cha quê ở Nghệ An, đây là lần đầu tiên anh “được” đi máy bay, được ngồi ghế hạng thương gia nhưng trong hoàn cảnh không ai mong muốn: Con gái bị tai nạn.

Anh xin nghỉ việc và muốn về quê gấp để nhìn mặt con lần cuối nên nhờ người chở lên sân bay Tân Sơn Nhất hỏi mua vé chuyến bay sớm nhất. Khi đó, chuyến bay về Vinh chỉ còn loại vé giá 4,6 triệu đồng, anh lại không đủ tiền nên phải mua vé thường chuyến bay cất cánh lúc 20 giờ 25 phút với giá hơn 2 triệu đồng.

Ngồi chờ, sốt ruột và thương con nên anh khóc. Một người ở Hà Nội hỏi chuyện, rồi nhiều người biết hoàn cảnh đã đến động viên anh. Và rồi một người trong số đó đã mua cho anh tấm vé hạng thương gia cất cánh sớm hơn, lúc 18 giờ 30 phút... để anh kịp về nhìn mặt con lần cuối.

Còn với anh P, vì bị cụt bàn tay, không có vân tay nên không làm được giấy chứng minh nhân dân, chỉ có giấy chứng nhận khuyết tật do ủy ban xã cấp.

Theo quy định, trường hợp này, nhân viên bán vé hoàn toàn có thể từ chối (chưa kể đến việc anh chỉ có chưa đến 400.000 đồng - không đủ để mua vé) nhưng cô nhân viên đã không làm vậy mà đã hỏi trưởng ca, nhờ báo cáo với bộ phận an ninh và cấp trên.

Theo lời của trưởng ca thì dù biết sẽ khó, nhưng anh vẫn hy vọng giúp đỡ được P nên xin các bộ phận khác linh động giải quyết. Rất may, mọi chuyện suôn sẻ cả về thủ tục và chi phí mua vé. Ngoài ra, anh còn kêu gọi nhân viên an ninh và quầy vé ủng hộ để P có chút lộ phí.

Người nhận được những sự giúp đỡ chỉ nói được những lời ngắn gọn như rất vui và xúc động, hoặc đơn giản hơn đó là ánh mắt rưng rưng, một lời chào và lên máy bay. Những người đã giúp đỡ, đương nhiên có điều kiện kinh tế tốt hơn thế nhưng cách mà họ “cho đi” mới thật sự trân quý.

Đó có thể không phải là vật chất đơn thuần, như cô nhân viên bán vé, như anh trưởng ca, đã không cứng nhắc, không câu nệ các quy định mà đã linh hoạt, chủ động “tác động” để giải quyết cho hành khách, dù thực tế nếu họ không làm thì cũng không ai có thể trách họ.

Nhưng họ đã không làm vậy bởi cái tình giữa con người với con người. Là không vì các quy định, không vì eo hẹp về vật chất mà có thể bàng quan với nỗi đau của người khác.

Quan trọng hơn, giá trị vật chất trong các trường hợp có thể không lớn, cái chính là thời điểm. Nếu một chút lăn tăn, do dự, một chút “cân đo, đong đếm” là nên hay không nên, là liệu sự việc có đúng như vậy hay không thì mọi chuyện có thể “đã rất khác”.

Họ đã không làm vậy, họ đã “tín chấp lòng tin” - qua những tấm vé đậm tính nhân văn và thấm đẫm tình người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.