Tìm quy chuẩn chung cho liêm chính khoa học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các chuyên gia kiến nghị phải thống nhất quy định và có “mũ” chung cho liêm chính khoa học...

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh trong phòng Lab. Ảnh: NTCC
Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh trong phòng Lab. Ảnh: NTCC

Trước những hành vi vi phạm trong nghiên cứu khoa học, các chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm, lắng nghe ý kiến của cộng đồng khoa học và dư luận xã hội để hành xử hợp lý. Ngoài ra, phải thống nhất quy định và có “mũ” chung cho liêm chính khoa học.

Vi phạm ngày càng tinh vi

Qua khảo sát các cơ sở giáo dục đại học, nhóm nghiên cứu của Ban Khoa học - Công nghệ - ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ ra rằng, liêm chính học thuật là những nguyên tắc, chuẩn mực liên quan về đạo đức trong giáo dục. Đó cũng là sự trung thực, ngay thẳng, trong sáng, công bằng, minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học Công nghệ, kết quả khảo sát cho thấy, vi phạm liêm chính trong nghiên cứu khoa học là vấn đề toàn cầu. Nghiên cứu của một số nước trên thế giới cũng nêu rõ, 1/16 tác giả tự đạo văn (sao chép cụm từ và câu dài); 1/1.000 tác giả đạo văn (sao chép giá trị 1 đoạn văn từ bài báo của người khác mà không trích nguồn). Các nước phát triển, đang phát triển, nước công bố ít, công bố nhiều đều có tỷ lệ phần trăm nhất định về đạo văn. “Vấn đề ở chỗ, tỷ lệ phần trăm thấp nhưng số lượng không thấp”, PGS.TS Trương Việt Anh nêu vấn đề.

Tiến hành khảo sát cán bộ, giảng viên ở một số trường đại học trong nước, PGS.TS Trương Việt Anh và cộng sự nhận thấy, hành vi vi phạm liêm chính phổ biến nhất trong nghiên cứu khoa học là đưa tên người không tham gia vào quá trình nghiên cứu làm tác giả, đồng tác giả công trình; đạo văn/tự đạo văn; làm hộ/làm thuê các công trình khoa học.

Ngoài ra, sử dụng công trình nghiên cứu của cả nhóm cho mục đích cá nhân mà chưa có sự đồng ý của nhóm; bịa đặt, sử dụng số liệu giả trong nghiên cứu tổng quan, kết quả nghiên cứu… cũng là những hành vi vi phạm liêm chính thường thấy trong nghiên cứu khoa học. “Nguyên nhân những vi phạm này do áp lực về số lượng công bố của cá nhân; tạo cơ hội thăng tiến; cam kết khi nhận các nguồn tài trợ; áp lực từ nhu cầu kinh tế của cá nhân”, PGS.TS Trương Việt Anh trao đổi.

Tại Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức (ngày 19/12/2023), TS Dương Tú – giảng viên Đại học Purdue (Mỹ) trao đổi, hình thức vi phạm liêm chính học thuật ngày càng phức tạp, tinh vi. Chuyện đạo văn, chỉnh sửa số liệu đã cổ điển. Với sự phát triển của công nghệ sinh ra nhiều hình thức gian lận mới như: Thao túng trích dẫn bằng cách lập ra mạng lưới cấu kết từ tác giả, chuyên gia bình duyệt, tổng biên tập, biên tập viên các tạp chí…

Có 2 nhóm vi phạm, TS Dương Tú đúc kết lại: Vô tình không biết, thiếu kiến thức vì không được đào tạo và cố tình gian lận, cấu kết thành mạng lưới. Nếu cơ quan quản lý, các trường, viện không ý thức kịp thời thì hệ thống khoa học quốc gia càng bị lũng đoạn.

Gian lận khoa học không chỉ lãng phí tiền của nhân dân (thông qua tài trợ các đề tài), mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng (nếu dùng kết quả nghiên cứu đó về y tế để trị bệnh hay ban hành chính sách). Nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng niềm tin của người dân vào khoa học.

Nghiên cứu trồng cây không đất của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Nghiên cứu trồng cây không đất của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC

Cần có “mũ” chung

Theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), có nhiều hành vi vi phạm đạo đức cơ bản trong nghiên cứu khoa học như: Ngụy tạo số liệu, làm giả kết quả nghiên cứu, đạo văn, mua bán bài, một số đơn vị chạy theo thành tích ảo… và nhiều hành vi khác ngày càng tinh vi hơn. “Giới khoa học, giáo dục đào tạo, kể cả quản lý chưa có nhận thức đầy đủ thế nào là liêm chính khoa học. Dù quan trọng nhưng chưa có bất cứ nghiên cứu dài hơi, nghiêm túc nào về vấn đề này”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhìn nhận.

Từ thực tiễn, Viện trưởng Viện Triết học cho rằng, cần có “mũ” chung cho liêm chính khoa học. Theo đó, thống nhất về luật và quy định là quan trọng nhất. “Không có quy định pháp luật hỗ trợ thì khó thực hiện liêm chính”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh, đồng thời đề xuất, cần nghiên cứu, xác định, xây dựng các nguyên tắc lớn, quy định phổ quát, bộ chỉ số/tiêu chí chung về liêm chính khoa học. Trên cơ sở đó, các bộ ngành, đơn vị xây dựng bộ quy tắc riêng (tuỳ thuộc vào đặc thù của đơn vị mình).

Ngoài ra, liêm chính nghiên cứu cần đặt trong tổng thể chính sách khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục đào tạo. Liêm chính cần xuyên suốt trong toàn bộ quá trình, các khâu của nghiên cứu khoa học, từ xác định nhiệm vụ, thẩm định chương trình, đề tài, đến xét chọn/đấu thầu, kiểm tra quá trình thực hiện và nghiệm thu, đánh giá hiệu quả đầu ra.

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC

Cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về liêm chính nghiên cứu. Ngược lại, cần định hướng dư luận, tránh tình trạng mang danh bảo vệ liêm chính để “đấu tố” một số nhà khoa học được hoặc bị nêu tên mà chưa có kết luận rõ ràng; biến một công việc liêm chính thành cơ hội để tấn công cá nhân, mạt sát nhà giáo, nhà khoa học - vốn đại đa số là những người có thu nhập thấp nhưng lại có liêm sỉ và cố giữ liêm chính nhất trong số các ngành nghề khác.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liêm chính nghiên cứu theo nguyên tắc tước dần quyền tỷ lệ thuận với phạm vi, mức độ, tính chất sai phạm trong nghiên cứu.

“Ví dụ rút khỏi cơ sở dữ liệu nhà khoa học; chấm dứt hợp đồng thực hiện đề tài; cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn tham gia/chủ trì các đề tài, dự án… thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, như một số vụ việc gần đây”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông viện dẫn; đồng thời cho rằng, muốn thực sự liêm chính, nhà khoa học phải sống được bằng khoa học chân chính.

Sinh viên Trường ĐH CMC (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH CMC (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Hình thành văn hóa tại đơn vị

TS Dương Tú cho rằng, nhà khoa học nên đóng vai trò làm gương về liêm chính và sự minh bạch để tạo cảm hứng cho xã hội. Nếu nhà khoa học từ bỏ trách nhiệm này, tức là quay lưng với những người tài trợ, đóng thuế cho mình làm nghiên cứu. Chuyên gia đến từ Đại học Purdue (Mỹ) đề xuất:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học rõ ràng, phân công trách nhiệm từ trên xuống dưới, cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình mang tính trọn đời của nhà khoa học; có cơ quan chuyên trách về giải quyết vấn đề liêm chính.

Thứ hai, bỏ chạy theo chỉ số như: Số lượng bài báo, số lượng trích dẫn, xếp hạng. Nghiên cứu cần sáng tạo tri thức mới, phục vụ thiết thực cho xã hội. Thứ ba, cần có cơ chế để đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà khoa học. Thứ tư, có cơ quan chuyên trách về liêm chính khoa học, để giải quyết các vấn đề xung quanh như: Tố cáo, hay giải đáp thắc mắc…

Hình thành thiết chế về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và nền tảng pháp luật phải gắn với nền tảng văn hóa, giáo dục, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) gợi mở, đồng thời kiến nghị, cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ Nhà nước giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, cần chỉnh lại quy định, bài báo khoa học là sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc sách vì nếu chỉ quy định trên tạp chí thì các nhà khoa học xã hội bị vướng.

Từ kết quả nghiên cứu, PGS.TS Trương Việt Anh và nhóm tác giả đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học cần thiết xây dựng quy định nội bộ để đảm bảo căn cứ, sự tuân thủ liêm chính học thuật. Chú trọng truyền thông cho cán bộ và người học, nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật; đồng thời thống nhất, sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn.

Cùng đó, cần có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật để làm rõ thái độ và phòng ngừa. Cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp. Mặt khác, có thể sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo. “ĐH Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt...”, PGS.TS Trương Việt Anh thông tin.

Đối với cơ quan quản lý và hệ thống, PGS.TS Trương Việt Anh cùng nhóm tác giả đề xuất, phối hợp, kết nối các cơ quan quản lý Nhà nước về: Quan điểm thống nhất và xây dựng chính sách thực hiện liêm chính học thuật tại cơ sở nghiên cứu, đào tạo; cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo dùng chung cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm soát đạo văn; thống nhất về công cụ kiểm soát đạo văn; các đơn vị trong nghiên cứu và đào tạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học, đào tạo; phối hợp tuyên truyền nhận thức cho cán bộ và người học.

“Làm sao để có tình yêu thực sự trong nghiên cứu, từ đó chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề và nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học nên đẩy mạnh đào tạo cho người học về phương pháp nghiên cứu khoa học. Thực tế các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên hành trình theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế về liêm chính nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì một cán bộ giảng viên phải làm nhiều công việc khác nhau. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đề xuất, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có bộ quy tắc chung. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng quy tắc riêng trong vấn đề liêm chính nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, chúng ta cần có hậu kiểm và chế tài xử lý nếu vi phạm về liêm chính.

GS.TS Phùng Hồ Hải - Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, văn hóa khoa học nằm ở chỗ trò sẽ học thầy. Thầy mà xấu thì kiểu gì trò cũng xấu. Nên phải xây dựng được văn hóa liêm chính khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ