Cần xây dựng đơn vị dẫn dắt về liêm chính khoa học

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, cần xây dựng một số đơn vị tiên phong, đầu ngành để dẫn dắt về liêm chính khoa học và nghiên cứu. 

Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, thực nghiệm trên cây trồng. Ảnh: NTCC
Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, thực nghiệm trên cây trồng. Ảnh: NTCC

Cũng theo các chuyên gia, đã đến lúc cơ quan quản lý vào cuộc trong lĩnh vực này.

Tấm gương trong liêm chính khoa học

Ngoài Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước hoặc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) có tác dụng dẫn dắt, PGS.TS Nguyễn Tài Đông – Viện trưởng Viện Triết học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cùng các viện hàn lâm, trường đại học lớn cần xây dựng một số khoa, viện, tạp chí, nhà xuất bản xuất sắc.

“Không chỉ khoa học mà còn cả vấn đề liêm chính để làm tấm gương. Vì thế, cần xây dựng một số đơn vị tiên phong, đầu ngành để dẫn dắt về liêm chính khoa học và nghiên cứu”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông, nếu nói liêm chính khoa học là đạo đức nghề nghiệp, thì bất cứ đạo đức nào cũng dựa trên nền tảng kinh tế, xã hội, bối cảnh lịch sử văn hóa nhất định. Cần lựa chọn yếu tố, quy định bắt buộc phải thực hiện. Những yếu tố đạo đức mang tính phổ quát và bền vững thì không thể không áp dụng triệt để. Một số vấn đề không thực sự cấp thiết hoặc chưa rõ ràng ở Việt Nam cần có thời gian để kiểm nghiệm.

Hệ thống các tạp chí khoa học ở Việt Nam hiện nay khá phong phú về số lượng, PGS.TS Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước thông tin và cho biết, cả nước có hơn 600 tạp chí khoa học. Hầu hết mỗi bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu… đều có tạp chí khoa học riêng. Hiện, thế giới có nhiều tổ chức được thành lập để định kỳ đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học và bình chọn vào các danh mục.

Các tổ chức này đưa ra những công cụ chất lượng và đầy đủ để đo lường, tìm kiếm, theo dõi chất lượng tạp chí khoa học thuộc các lĩnh vực và bình chọn vào các danh mục trích dẫn trong cơ sở dữ liệu (CSDL) đa ngành như: Web of Science, Scopus, DOAJ, EBSCO, Proquest, ACI, trong CSDL chuyên ngành (như: Pubmed, Embase, IEEexplore, Inspec, Compendex…).

Cũng theo PGS.TS Trần Anh Tuấn, các tạp chí khoa học của Việt Nam thuộc danh mục Scopus hay WoS mới chỉ đạt được ở mức tạp chí mới nổi. Đến nay, về mặt quản lý Nhà nước, chưa có bộ tiêu chuẩn chất lượng tạp chí khoa học của bộ, ngành và quốc gia một cách chính thức.

Năm 2011 và 2018 Bộ GD&ĐT triển khai đề án thí điểm nâng cấp tạp chí của một số trường đại học. Đến nay, có 18 cơ sở giáo dục đại học được thụ hưởng dự án này và cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng.

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Xây dựng công cụ kiểm soát

Từ thực tiễn, PGS.TS Trần Anh Tuấn kiến nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan cần soạn thảo nghị định/quy định khung về liêm chính khoa học cho cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu và người làm khoa học. Đồng thời, bổ sung nội dung quy định về liêm chính khoa học trong các quy định, quy chế liên quan.

Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu thực hiện liêm chính khoa học theo quy định khung đã ban hành. Bên cạnh đó, định hướng các tạp chí nâng cao chất lượng, tuân thủ liêm chính khoa học cho các nhà khoa học Việt Nam công bố quốc tế. Cơ quan quản lý cần xử lý cá nhân/cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học vi phạm các vấn đề liên quan đến liêm chính khoa học theo quy định khung về liêm chính khoa học.

Cho rằng, quy định liêm chính trong nghiên cứu khoa học và học thuật là cần thiết, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, mục đích của liêm chính là hướng tới sự lành mạnh.

Trước hết, con người cần ý thức được liêm chính trong đạo đức, hành vi của mình. Bên cạnh đó, cần tránh việc lợi dụng liêm chính làm tổn thương các nhà khoa học. Cơ quan quản lý có chỉ đạo để các trường chủ động và xây dựng công cụ kiểm soát và tạo cơ chế lành mạnh trong khoa học.

Tại hội thảo liêm chính trong nghiên cứu được tổ chức cuối năm 2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ GD&ĐT cùng nhận thấy, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc để xử lý vấn đề về liêm chính trong nghiên cứu.

Cố gắng tạo môi trường khoa học công nghệ, giáo dục, giảng dạy lành mạnh, để ít phải nghe ý kiến phản hồi tiêu cực từ các phía. Theo đó, việc cần làm ngay là nghiên cứu văn bản hướng dẫn để các đơn vị thực hiện. Đồng thời, đôn đốc kiểm tra thực hiện các quy chế, xây dựng quy chế về liêm chính trong nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.

Về mặt chính sách, ông Trần Hồng Thái cho rằng, hai bộ cần xây dựng CSDL khoa học cấp quốc gia. Cố gắng đến cuối quý I, đầu quý II/2024 có CSDL, đề tài nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tiêu chí giám sát, phát triển tạp chí. Có thể phối hợp với các tạp chí quốc tế, thậm chí có tiêu chí đánh giá góc độ đóng góp của các đề tài nghiên cứu khoa học cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Bộ sẽ cố gắng lồng ý kiến này khi triển khai sửa đổi Luật Khoa học Công nghệ năm 2025 để tháo gỡ vấn đề đang đặt ra. Trước mắt, yêu cầu Quỹ NAFOSTED hỗ trợ các nghiên cứu để làm sao phát triển đồng đều các ngành khoa học; hạn chế tối đa tiêu cực xảy ra, cố gắng nâng cao vấn đề liêm chính”, ông Trần Hồng Thái nói.

Theo ông Trần Hồng Thái, cần hỗ trợ nghiên cứu công bố quốc tế, hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa diễn đàn khoa học các ngành trên quốc tế. Thậm chí, cố gắng đẩy mạnh hội nhập quốc tế để nhà khoa học Việt Nam tham gia với vai trò chủ trì, lãnh đạo các nhóm diễn đàn ở một số lĩnh vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ