(GD&TĐ) - Có thể thấy, tình trạng bạo lực học đường không còn là hiện tượng cá biệt mà nó có xu hướng gia tăng về số vụ việc lẫn mức độ nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay bạo lực học đường đang có chiều hướng tấn công vào học sinh nữ khiến các nhà trường vô cùng băn khoăn, trăn trở trong việc xây dựng mô hình trường học an toàn và thân thiện với học sinh nữ.
Bạo lực ở học sinh nữ là thực trạng nhức nhối |
Những hành động thiếu kiểm soát
Vấn đề bạo lực học đường, đặc biệt là nữ học sinh ngày càng được phát tán nhiều trên mạng khiến xã hội và dư luận không khỏi ngần ngại lo lắng trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Vấn đề bạo lực đối với học sinh nữ không chỉ dừng lại ở việc các em bị xâm phạm, bị bạo lực mà còn ở khía cạnh chính các em là những người trực tiếp xâm phạm thân thể, hành hung người khác. Nguyên nhân chính bởi do nhận thức của các em chưa đầy đủ, chưa được quan tâm giáo dục cẩn thận khiến các em có những suy nghĩ lệch lạc và hành động thiếu kiểm soát.
Tại Trường Trung học phổ thông Kim Anh (Hà Nội), một vài năm trước đã có 2 tốp học sinh nữ hẹn nhau ra một địa điểm cách xa trường đánh nhau tập thể. Hai bên xông vào đánh vật, đấm đá nhau như những học sinh nam. Vì vị trí xảy ra “cuộc chiến” ngay cạnh tiểu đoàn bộ đội nên đã được báo về nhà trường và can thiệp ngăn chặn kịp thời. Điều tra cho thấy, vụ đánh nhau xuất phát từ cá nhân 2 học sinh nữ, sau đó hai em này lôi bạn đến đánh em kia và xảy ra việc hai tốp học sinh đánh lộn.
Cũng tại trường này, hai học sinh nữ do ghen tuông đánh nhau, dùng kẹp tóc đâm vào người bạn. Gần đây nhất là vụ một học sinh nữ của trường thất tình mang rượu và dao vào sau nhà thể chất...
Năm học 2010 - 2011, tại Trường THCS Dương Quang (Gia Lâm), một học sinh nữ lớp 9 đã rủ thêm một người bạn thân của mình đánh và ép học sinh nữ lớp 7 uống thuốc ngủ trong nhà vệ sinh. Nguyên nhân là học sinh nữ lớp 9 hiểu lầm học sinh nữ lớp 7 cướp người yêu của mình. Được tin báo về vụ việc nghiêm trọng này, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên, nhân viên bảo vệ đã xuống ngay nơi sự việc xảy ra để can ngăn, khống chế hành động quá khích của hai học sinh lớp 9...
Cô giáo Nguyễn Thị Bạch Loan – đại diện cho Trường THCS Kiến Hưng cho biết: Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Trường THCS Kiến Hưng cũng không tránh khỏi những khó khăn về giáo dục đạo đức cho học sinh, trong môi trường học đường vẫn còn xảy ra hiện tượng bạo lực học đường. Một số học sinh trường do ảnh hưởng từ gia đình, xã hội và để tự khẳng định cái tôi của mình đã mắc vào các hình thức bạo lực như: đánh đập, hành hạ bạn chỉ vì bạn ấy xinh hơn, học giỏi hơn, có đồ dùng cá nhân đẹp hơn, có lời nói cử chỉ không theo suy nghĩ của mình. Không những thế, các em còn rủ nhau bài xích, bắt nạt bạn cả trên lớp lẫn trên đường đi học về vì những lời nói, bình luận vu vơ. Có một số em gái bị các bạn nam hoặc các anh lớp lớn hơn dồn vào phòng vệ sinh giờ ra chơi, giữa giờ hoặc cuối buổi học để giở trò sàm sỡ...
Theo cô Loan, để thỏa mãn cho những suy nghĩ ích kỉ, hẹp hòi, các em nghĩ rằng việc đánh nhau, cô lập, mắng chửi các bạn mình là đúng. Thậm chí các em còn lôi kéo, khuyến khích, cổ vũ cho những việc làm sai. Một số em biết hành vi đó là sai trái nhưng lại không dám lên tiếng vì sợ trả thù. Chỉ có một số em tỏ hẳn thái độ không đồng tình, ngăn cản và báo cho thầy cô, nhân viên bảo vệ và bố mẹ biết...
Có thể nói, những vụ việc bạo lực học đường giữa học sinh nữ với học sinh nữ không chỉ gia tăng về số lượng mà mức độ cũng khiến người làm công tác giáo dục không khỏi lo lắng, trăn trở.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống để ngăn chặn bạo lực học đường (Ảnh: Lê Văn) |
Giải pháp từ các trường
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, trong năm học 2012 - 2013, ngành Giáo dục Thủ đô đã triển khai nhiều chương trình giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ em gái. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trẻ em gái vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ bạo lực rất đa dạng, vẫn bị xâm hại thân thể, bạo hành... Chính vì vậy, việc tìm ra những giải pháp ngăn chặn hữu hiệu đang là đòi hỏi cấp bách.
Theo kinh nghiệm của Trường THCS Thăng Long thì ở cuối cấp THCS, một số học sinh nữ đã biết đến tình bạn khác giới và ghen tuông. Trước thực trạng này, nhà trường cần nêu cao khẩu hiệu “Giáo viên chủ nhiệm là người mẹ thứ hai của học sinh”. Các cô thường xuyên gần gũi, chuyện trò để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như các khúc mắc hoặc các vấn đề mâu thuẫn nảy sinh trong và ngoài giờ học của học sinh để phối hợp cùng gia đình và các tổ chức trong và ngoài nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh để ngăn chặn hay giải quyết từ rất sớm các biểu hiện bạo lực học đường. Mặt khác, giáo viên chủ nhiệm của trường còn có những buổi sinh hoạt chủ nhiệm theo chuyên đề “tình yêu, tình bạn tuổi mới lớn” và các cô giáo chủ nhiệm tổ chức những buổi nói chuyện với các học sinh nữ trong lớp về vấn đề giới tính, tình bạn khác giới tuổi mới lớn... nhằm giáo dục nữ tính, nâng cao hiểu biết về giới cho học sinh, tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
Tại Trường THCS Tô Hoàng, song song với việc giáo dục đạo đức học sinh qua nhiều hoạt động khác nhau, trường còn chủ động trang bị cho học sinh nữ những kỹ năng, biện pháp tự vệ cần thiết để có thể tự bảo vệ mình trước vấn nạn bạo lực học đường. Nhà trường phối hợp với các cơ quan tổ chức tốt các chương trình giáo dục kỹ năng sống như giao lưu chia sẻ kinh nghiệm “Tôi tài giỏi”, “Tình bạn - Tình yêu tuổi học trò”; “Phát huy năng lực bản thân”... Các em học sinh nữ được rèn luyên kỹ năng làm chủ công nghệ thông tin, kỹ năng làm chủ và xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn... để tỉnh táo, bình tĩnh hơn trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày...
Đến nay, công tác phòng chống bạo lực giới đã được các nhà trường quan tâm chú trọng và tìm ra giải pháp riêng khác nhau. Tuy nhiên, theo nhận định của các trường, nhiều bố mẹ, gia đình và người thân còn vì mải lo toan cuộc sống mà thiếu sự quan tâm, giáo dục đối với con cái. Chính vì vậy, giữa nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Làm sao để nắm bắt được các mối quan hệ của các em gái, giúp các em giải tỏa những bế tắc trong cách ứng xử với bạn bè hoặc các mâu thuẫn. Gia đình là nơi gần gũi nhất với các em nên khi phát hiện thấy sự bất thường hay suy nghĩ, hành động lệch lạc của con em, các bậc cha mẹ cần có định hướng lại ngay. Bên cạnh đó, cần thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để cùng có biện pháp giúp đỡ...
Mặt khác, như bà Lê Mai Anh – Hiệu phó Trường THPT Chu Văn An đề xuất thì giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực với học sinh nữ là cần nâng cao nhận thức của học sinh về những hậu quả của bạo lực học đường. Ngoài chương trình giáo dục chính thống cần có kế hoạch và kiểm soát kế hoạch ngoài giờ, tăng cường giáo dục kĩ năng sống, những hiểu biết xã hội cho học sinh.
Theo thống kê của Sở GD - ĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có gần 322 nghìn học sinh (HS) nữ ở cấp THCS, chiếm 48% tổng số HS toàn cấp; tỷ lệ này ở cấp THPT là gần 53%. Bạo lực học đường tấn công vào HS nữ đang có chiều hướng gia tăng, để lại những hậu quả nghiêm trọng, nặng nề về tâm lý cho các em gái ở lứa tuổi vị thành niên.
Trung Thành