(GD&TĐ) - Từ xa xưa, con người ta đã nhận thấy rằng Mặt trăng chuyển vần theo một chu kỳ thời gian gần như cố định quay xung quanh trái đất và thay đổi từ lúc bắt đầu tuần trăng mới đến trăng rằm, tròn, rồi khuyết dần cho đến mất hẳn để lại bắt đầu tuần trăng mới kế tiếp. Bởi thế nên từ rất sớm, người ta đã biết dựa theo chu kỳ của mặt trăng để làm lịch. Chữ Nguyệt, theo nghĩa Hán Việt, vừa có nghĩa là mặt trăng vừa có nghĩa là tháng. Người Việt Nam và Trung Quốc vẫn quen gọi lịch dựa trên chu kỳ tuần hoàn của mặt trăng là âm lịch.
Truyền thuyết kể rằng, các Hoàng đế của Trung hoa đã lập nên âm lịch từ thế kỷ 26 trước Công nguyên, tức là cách đây hơn 4.600 năm. Dựa trên những di tích khảo cổ tìm được, các nhà khoa học thậm chí còn cho rằng âm lịch đã được khắc trên xương, trên các khúc gỗ từ 27.000 năm trước Công nguyên (nghĩa là 29 ngàn năm trước đây). Và âm lịch đã được sử dụng trong nhiều nền văn hóa khác nhau như thổ dân ở Australia vẫn dùng giây thắt gút để tính ngày tháng theo âm lịch. Âm lịch đã được dùng ở Babylon và đến năm 1.000 trước Công nguyên đã được sửa chữa cho lịch tương ứng với mùa màng.
12 con giáp |
Năm âm lịch thường có 12 tháng (trừ năm nhuận), mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày. Một năm âm lịch thường, có từ 353 đến 355 ngày. Trái đất quay quanh mặt trời và quay trọn một vòng trong 365 ngày (chính xác là 365, 242199 ngày). Tùy theo vị trí tương ứng giữa trái đất và mặt trời mà thời tiết trên trái đất thay đổi và sinh ra các mùa trong năm. Ðể mùa màng vẫn xảy ra đúng với ngày tháng âm lịch, nên cứ hai hoặc ba năm lại có một năm nhuận. Trong 19 năm sẽ có 7 năm nhuận. Năm nhuận có 13 tháng, có hai tháng trùng tên, tháng thứ nhì là tháng nhuận. Tùy theo tháng nhuận, năm nhuận có từ 382 đến 385 ngày.
Hiện nay, âm lịch được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam và Trung quốc. Người Việt nam và người Trung quốc dùng âm lịch để tính lễ tiết và chọn ngày lành tháng tốt cho các công việc quan trọng như cưới hỏi, xây nhà, khai trương mở cửa hiệu làm ăn ... Âm lịch của Việt Nam và Trung quốc dựa trên chu kỳ của mặt trăng và phối hợp với sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời. Mỗi năm có 12 tháng, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu, 29 ngày. Cứ 19 năm thì nhuận 7 lần, mỗi lần nhuận một tháng. Tháng đầu năm là tháng giêng và tháng cuối năm là tháng chạp không bao giờ được lấy làm tháng nhuận. Ngày đầu năm, ngày mùng một Tết, là ngày đầu tuần trăng thứ nhì sau ngày tiết Ðông chí thường xem như là ngày mà đêm dài nhất trong năm. Ngày mùng một Tết chỉ có thể nằm trong khoảng 20 tháng 1 đến 21 tháng 2 dương lịch.
Năm âm lịch không tính theo số như dương lịch, mà dùng tên ghép gồm hai chữ. Chữ đầu là một trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Chữ thứ hai là một trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão hay Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Mười hai địa chi là tên của 12 con vật. Âm lịch Việt nam khác âm lịch Trung quốc ở chỗ, nếu như năm Sữu theo lịch Việt nam là năm con trâu, thì ở Trung quốc lại là con bò, còn năm Mão hay Mẹo ở Việt nam là năm con mèo, thì trong lịch Trung quốc lại là năm con thỏ. Vì bội số chung của 10 (thiên can) và 12 (địa chi) là 60, nên cứ 60 năm, tên các năm lại được lặp đúng trở lại. Và cũng vì thế mà mỗi can chỉ đi chung với sáu năm trong 12 địa chi, hay mỗi năm theo địa chi chỉ có thể đi chung với 5 can mà thôi. Thí dụ như can Giáp chỉ đi chung với các năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân và Tuất, còn can Ất chỉ đi chung với các năm Sữu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu và Hợi.
Cứ mười hai năm âm lịch được gọi là một giáp, 60 năm làm một vận niên lục giáp và 3600 năm làm một kỷ nguyên. Vì các năm dương lịch được đánh số theo hệ đếm thập phân, từ 0 đến 9, nên số hàng đơn vị mỗi năm dương lịch luôn tương ứng chính xác với một thiên can, không thay đổi. Ví dụ, năm có can Canh luôn luôn ứng với năm dương lịch có số cuối là 0 (như Canh Thìn là 1940, 2000; Canh Ngọ là 1990, Canh Thân là 1980 ...), Tân ứng với số cuối là 1 (Tân Tỵ là 1941, 2001; Tân Mùi là 1991, Tân Dậu là 1981 ...), Nhâm ứng với số cuối là 2 (Nhâm Ngọ là 1942, 2002, Nhâm Thân là 1992, Nhâm Tuất là 1982 ...), Quý, với số cuối là 3 (Quý Mùi là 1943, 2003; Quý Hợi là 1983, Quý Dậu là 1993 ...), Giáp ứng với số cuối là 4 (Giáp Thân là 1944, 2004; Giáp Tuất là 1994, Giáp Dần là 1974 ...). Còn những năm dương lịch có số cuối là 6 luôn ứng với các năm âm lịch có can là Bính, (như năm Bính Dần là 1986, Bính Tý là 1996, năm Bính Tuất năm nay là 2006, năm Bính Thân tới là 2016…) vân vân.
Ngoài Việt nam và Trung quốc, người Nhật bản cũng áp dụng hệ thống âm lịch như trên. Người Nhật gọi tiết Xuân phân là Shunbun, Hạ chí là Geshi, Thu phân là Shuubun và Ðông chí là Touji.
Cho đến nay, người Việt nam, người Trung quốc, và người Nhật bản, vẫn dựa vào âm lịch để tính toán và giải quyết các công việc quan trọng trong đời sống, và âm lịch đã thật sự có một ảnh hưởng sâu đậm trong truyền thống văn hóa, lễ hội của người dân ba nước này.
Vũ Anh Tuấn (Tổng hợp)