Hội thảo đã nhận được hơn 125 tham luận của nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên, sinh viên đến từ các trung tâm nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả, chuyên gia, các nhà quản lý và tất cả mọi người quan tâm trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực Khoa học giáo dục, đặc biệt là vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hướng tới nền giáo dục thực chất.
Trên cơ sở các luận cứ khoa học, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, hội thảo cùng chia sẻ các định hướng giải pháp cho việc thực hiện “học thật, thi thật, nhân tài thật”, từ đó góp phần vào tiến trình hành động vì một nền giáo dục thực chất trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Quan điểm về nền giáo dục thực chất
Từ góc độ nghiên cứu các quan điểm, mô hình giáo dục trên thế giới và ở Việt Nam, PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo đã khái quát lịch sử hình thành nền giáo dục Việt Nam qua các thời đại, truyền thống hiếu học, thành tựu và những rào cản trong quan niệm “khoa cử”, “vinh thân phì gia” của người xưa.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đi sâu nghiên cứu yếu tố hình thành và tác động đến nền giáo dục như: chính sách, hệ thống văn bản quản lý về giáo dục, người thầy, người học, nhà trường, gia đình, xã hội, phương pháp, công nghệ, chương trình, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa nhà trường…
Đặc biệt, một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là giáo dục thực chất ở bậc đại học. Vấn đề này được đề cập đến cả ở góc độ lý luận về chất lượng và quản lý tổng thể giáo dục đại học đến tiêu chí xếp hạng đại học, con đường xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, các mô hình giáo dục đại học tiên tiến ở Nhật, Úc, Mỹ… Các ý kiến đã đóng góp làm phong phú thêm quan điểm và lý luận cho nền giáo dục Việt Nam.
Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, “học thật” hay thực học, về phương diện nội dung là một nền giáo dục hay một nhà trường cần hình thành và phát triển cho người học những phẩm chất, tri thức, kỹ năng, năng lực thực sự để sau khi rời ghế nhà trường, người học hoàn toàn có đủ khả năng, sự tự tin để sử dụng những tri thức này trong hoạt động nghề nghiệp, đảm bảo cho sự phát triển của cá nhân, đóng góp cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Học thực còn có ý nghĩa là học những thứ thực sự mỗi cá nhân cần, mong muốn đạt được để phát triển nghề nghiệp, phát triển nhân cách của bản thân.
“Dạy thật” là dạy những cái thiết thực, cần thiết, đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực của xã hội đối với từng ngành, nghề, ở từng vị trí việc làm. Dạy thật cũng như học thật, gắn liền với toàn bộ quá trình giáo dục trong các nhà trường từ việc xác định mục tiêu thực, thiết yếu, đến việc lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và giáo dục phù hợp với người học và yêu cầu chất lượng nhân lực của xã hội. Đánh giá kết quả học tập của người học là đánh giá đúng sự học, đánh giá đúng với mức độ thực học của người học đạt được, đánh giá một cách khách quan.
“Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá đúng năng lực từng người và có chính sách phù hợp sẽ là một trong những nguyên nhân căn cơ, cốt lõi để người học sẽ học thực, nhà trường sẽ dạy thực, xã hội sẽ có được những nhân tài thực sự, đóng góp và thúc đẩy sự phát triển của xã hội một cách nhanh chóng, bền vững”, Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ.
Định hướng và giải pháp
Các chuyên gia thống nhất quan điểm, để có nền giáo dục thực chất, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp “dạy thật, học thật” từ: Chính sách giáo dục, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng đào, chú trọng hoạt động hướng nghiệp, gắn với quy hoạch, dự báo nhu cầu lao động, đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học…
Với kinh nghiệm giảng dạy của cá nhân trong hơn 30 năm, GS.TSKH. Cao Long Vân - Trường Đại học Tổng hợp Zielona - Gora, Ba Lan đưa ra một số đề xuất để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy đại học ở Việt Nam nhằm hội nhập với các chương trình giảng dạy và nghiên cứu với chuẩn Bologna của Liên minh châu Âu, trong đó, ngành Vật Lý là một trường hợp ví dụ minh họa.
Theo GS.TSKH Cao Long Vân: “Dạy kém một thế hệ sinh viên sẽ làm đất nước tụt hậu 20 năm so với thế giới”. Bởi vậy, trách nhiệm nặng nề nằm trên vai các trường đại học, các nhà giáo chân chính, tâm huyết với nghề.
Nhấn mạnh việc “phải xây dựng được một đội ngũ thầy giỏi về kiến thức và nghiệp vụ”, GS.TSKH. Cao Long Vân đồng thời cho rằng: Để thực hiện được việc này cần có sự quan tâm của “các cấp, các ngành... để trong một tương lai không xa, nền giáo dục nước ta sẽ có một đội ngũ nhân tài góp phần làm phong phú kho tàng trí thức nhân loại và làm rạng danh dân tộc”. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục nước ta vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần được khắc phục một cách triệt để, quyết liệt hơn nữa.
Với vai trò quản lý tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ: Nhà trường đã và đang định hướng xây dựng hoạt động giáo dục, đào tạo thực chất với quan điểm“Lấy giảng viên và sinh viên làm trung tâm, chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu”.
Để thực hiện được điều này, theo TS. Đỗ Hồng Cường: Nhà trường cần kiên trì với định hướng chiến lược của một trường đại học ứng dụng, lựa chọn được một số chuyên ngành đào tạo đặc thù, có bản sắc riêng của trường, những ngành nghề trọng điểm. Tiếp đó, trường cần thực hiện công tác kiểm định nhà trường và chương trình đào tạo, từng bước tiến tới xếp hạng đại học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, cần tăng cường sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Ngoài ra, trường cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục bằng việc liên kết về tài chính và cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ tuyển dụng lao động trực tiếp tham gia giảng dạy.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa, đó là cần xác định vai trò và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học là bước đi tiên phong để nâng cao chất lượng của Nhà trường trong xu thế hội nhập.
“Nhà trường cần cơ cấu, xây dựng các tiêu chuẩn giảng viên đại học dựa trên các chuẩn quốc tế, “nhập khẩu” và “chuyển giao” chương trình đào tạo từ nước ngoài phù hợp với hướng đi và tạo thành đặc thù cho trường. Làm theo hướng này, tin rằng sau một thời gian, trường sẽ có một số ngành đặc thù cho riêng mình, được xã hội nhận diện, qua đó tạo nên thương hiệu của trường”, TS. Đỗ Hồng Cường nhận định.