Học thật, thi thật: Từ định hướng tới quyết tâm hành động

GD&TĐ - Học thật, thi thật với nhiều nhà trường không còn là vấn đề lớn lao, xa vời. Tất cả được chuyển hóa trong hoạt động để có chất lượng giáo dục thực sự...

GV và HS Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) luôn phấn đấu để việc học và thi đạt hiệu quả, kết quả thật. Ảnh: Đức Trí
GV và HS Trường THCS Lương Yên (Hà Nội) luôn phấn đấu để việc học và thi đạt hiệu quả, kết quả thật. Ảnh: Đức Trí

Đưa học thật, thi thật vào thực tiễn

Thầy Nguyễn Minh Thuận - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) khẳng định: Vấn đề học thật, thi thật được nhà trường triển khai nghiêm túc nhiều năm qua. Điều này giúp chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, tạo ra thế hệ HS biết cách tự học, có ý thức, tự giác chinh phục kiến thức…

Minh chứng cụ thể về học thật tại Trường THPT chuyên Lào Cai, được thầy Thuận chia sẻ đó là: Nhà trường xây dựng chương trình tự chủ, chú tâm cập nhật kiến thức mới, loại bỏ kiến thức cũ… để đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

Ví như SGK dạy thí điểm nội dung “Kinh doanh trong trường học” nhà trường đã thay thế bằng trồng trọt, chăn nuôi để phù hợp đặc thù, đào tạo nghề sau này cho HS của trường.

Trong phương pháp dạy học, trường tập trung dạy HS cách tự học, dạy điều HS cần chứ không phải dạy cho HS thứ GV biết. HS được học theo định hướng của GV và kết hợp ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại. Mô hình “Lớp học đảo ngược” triển khai nhiều năm qua là phương pháp dạy học mang lại hiệu quả giáo dục cao cho trường. Ban giám hiệu cũng quán triệt và nâng cao nhận thức cho đội ngũ GV luôn nghiêm túc trong khâu kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS.

Về phía HS phải tuân thủ nghiêm quy chế thi. Nếu HS vi phạm hình thức kiểm tra, thi cử… nhà trường không khoan nhượng trong việc xử lý. Không chỉ ghi sổ học bạ còn yêu cầu chuyển trường...

Đặc biệt, để bảo đảm kết quả thực chất các kỳ thi, trường quản lý việc ra đề thi bằng nhiều phương pháp. Ra đề theo ma trận, đưa cấu trúc đề thi trước sau đó phân công GV ra đề. Cả GV ra đề và GV chỉnh đề đều được cách ly tại trường và thu điện thoại. Bộ phận giáo vụ photo đề thi nhanh chóng trong buổi trưa để đầu giờ chiều HS thi. Cách làm này đã hạn chế tối đa việc GV cung cấp định hướng trước cho HS ôn tập đúng phần kiến thức trọng tâm thi…

Tại Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội), việc học thật, thi thật được cô Đinh Thị Phương Anh – Hiệu trưởng chia sẻ: 4 kỳ thi trong năm học (thi cuối kỳ 1, 2 và 2 kỳ giữa năm) của HS 4 khối 6, 7, 8, 9 ở ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ được tổ chức nghiêm như thi tuyển sinh lớp 10. 24 HS/phòng, HS các lớp ngồi theo số báo danh a, b, c chung toàn trường; Công tác coi thi chặt chẽ, bài thi dọc phách, chấm chéo…

Tại Trường THCS Lương Yên, việc HS lưu ban không còn xa lạ để tạo nên chất lượng giáo dục thật. HS có kết quả học tập và thi cuối năm không đạt yêu cầu được tổ chức ôn tập và thi lại trong hè miễn phí. Nếu tiếp tục không vượt qua sẽ lưu ban theo quy định.

“Ba năm trở lại đây, mỗi năm trường có 20 - 30 HS/22 lớp của cả 4 khối lưu ban. Nhiều phụ huynh trách móc, không đồng tình, nhiều người dè bỉu “trường giữa Thủ đô mà lắm HS lưu ban”… nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm nâng chất giáo dục từ học thật, thi thật...” – cô Đinh Thị Phương Anh khẳng định.

Trường THPT chuyên Lào Cai quán triệt tinh thần học thật, thi thật đến từng GV, HS. Ảnh: Đức Trí
Trường THPT chuyên Lào Cai quán triệt tinh thần học thật, thi thật đến từng GV, HS. Ảnh: Đức Trí

Điểm tựa của chất lượng, kỷ cương

Cô Vũ Trinh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) bày tỏ: Khái niệm học thật cần hiểu rộng và áp dụng linh hoạt theo từng trường. Ví như với HS chậm phát triển trí tuệ, nếu cũng yêu cầu các em đạt chuẩn chung của chương trình mới xếp lên lớp chắc chắn sẽ lưu ban hết năm này sang năm khác.

Ở Trường Tiểu học Hồng Hà, HS đặc biệt luôn được tạo điều kiện để lên lớp, được học tập hòa nhập trong môi trường giáo dục quen thuộc. Mặt khác, GV cố gắng phát huy tối đa thế mạnh học trò, giúp các em tiến bộ ở mặt nào đó dù nhỏ nhất.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh – phụ huynh HS Trường Tiểu học Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng – Hà Nội) chia sẻ: Tôi chấp nhận điểm số của con ở trường dù cao hay thấp miễn đó là điểm thật. Tôi nghĩ việc học hiện nay của trẻ không quá quan trọng giấy khen, giải thưởng, huy chương... Phải chấp nhận cả việc lưu ban và xem đó như cơ hội để trẻ không chủ quan và củng cố kiến thức.

Cô Đinh Thị Phương Anh thẳng thắn bày tỏ: Vấn đề HS lưu ban cần được phân tích để bố mẹ HS hiểu đúng. Đây không phải là điều gì kinh khủng, đáng xấu hổ. Cần coi đây là thời điểm các em phải rèn luyện, bổ sung lại kiến thức còn rỗng. Phía gia đình, cha mẹ cần quan tâm, hỗ trợ trẻ nhiều hơn trong học tập…

“Trước đây nhiều phụ huynh cho rằng, nhà trường, thầy cô khắt khe khi để trẻ lưu ban. Tuy nhiên sau nhiều năm làm tốt công tác giải thích, đa số phụ huynh đã hiểu và đồng thuận với việc làm này của trường. Chỉ học thật, thi thật mới tạo nên chất lượng thật cho nhà trường và HS chứ không phải là những điểm số, tỉ lệ “ảo”, đẹp như mơ…” – cô Phương Anh khẳng định.

Việc gian dối trong giáo dục có thể được “việc” trước mắt về thành tích nhưng sẽ làm hỏng một môi trường giáo dục và chất lượng giáo dục nhiều thế hệ học trò. Không có con đường nào khác, chỉ học thật, thi thật mới giúp các trường có kết quả giáo dục thật, từ đó đánh giá, đưa ra chiến lược phù hợp, nâng cao chất lượng chung. - Thầy Nguyễn Minh Thuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.

Cán bộ Trung đội 11 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 3-Sao Vàng, Quân khu 1) hướng dẫn chiến sĩ mới cách đặt mũ. Ảnh: Lê Quang Hội

Màu xanh áo lính

GD&TĐ - Ngày còn trong quân ngũ, tôi thường nhận được những cánh thư tay của bạn bè, người thân gửi đến.