Đào tạo Tiến sĩ - Học thật, nghiên cứu thật: “Bắt mạch” khó khăn

GD&TĐ - Theo các chuyên gia và lãnh đạo cơ sở đào tạo, công tác tuyển sinh sau đại học ở trình độ đào tạo tiến sĩ đang gặp nhiều khó khăn rất cần giải pháp tháo gỡ.

Quy chế 18 phù hợp với thực tiễn của đất nước. Ảnh minh họa:ITN
Quy chế 18 phù hợp với thực tiễn của đất nước. Ảnh minh họa:ITN

Khó khăn trong tuyển sinh

Theo GS.TS Vũ Đình Lãm – Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao nói riêng là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để khoa học công nghệ phát huy được vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần phải phát triển đồng bộ cả nguồn nhân lực khoa học công nghệ, lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao có ý nghĩa quyết định.

GS.TS Vũ Đình Lãm nhấn mạnh: Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học, đào tạo những nhà nghiên cứu, nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ cao. Vì vậy, phải đạt chuẩn xuyên suốt chất lượng đầu vào, tốt về chất lượng trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng đầu ra. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải dần tương thích với chuẩn đầu ra quốc tế  mới có thể cạnh tranh trên thị trường lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận với chuẩn quốc tế và khu vực là cần thiết và tất yếu.

Lễ trao bằng tiến sĩ của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
Lễ trao bằng tiến sĩ của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Nhắc lại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về khung trình độ quốc gia Việt Nam; trong đó có yêu cầu trình độ, năng lực mà người tốt nghiệp mỗi cấp đào tạo cần đạt được, GS.TS Vũ Đình Lãm trao đổi: Khung trình độ này tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN, tiến sĩ là bậc cao nhất với bậc 8/8. Để đạt được chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của khung trình độ quốc gia Việt Nam, trình độ tiến sĩ ở Việt Nam phải ngang bằng với tiến sĩ được đào tạo tại các nước khu vực ASEAN.

Theo lãnh đạo Học viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc áp dụng Quy chế đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 08/TT-BGDĐT (Quy chế 08) bước đầu thu được một số kết quả khả quan về chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo đã gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh. Hầu hết cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu, hoặc một số mã ngành đào tạo phải ngừng tuyển sinh.

GS.TS Vũ Đình Lãm viện dẫn: Từ năm 2017 trở về trước, mỗi năm Học viện Khoa học và Công nghệ tuyển được gần 300 nghiên cứu sinh cho các chuyên ngành. Nhưng từ năm 2018 đến nay, mỗi năm Học viện tuyển được hơn 100 nghiên cứu sinh cho 54 chuyên ngành đào tạo. “Số lượng nghiên cứu sinh tuyển sinh theo Quy chế 08 giảm hơn 60% so với trước đây” - GS.TS Vũ Đình Lãm cho hay.

Cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, GS.TS Vũ Đình Lãm trao đổi: Yếu tố đầu tiên là điều kiện đầu vào và tiêu chuẩn đầu ra. Nghiên cứu sinh đạt tiêu chuẩn đào vào theo Quy chế 08 sẽ có cơ hội làm luận án tiến sĩ ở các nước phát triển như: Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, những người mong muốn làm tiến sĩ ở nước ta đang giảm xuống do chưa có sự đãi ngộ thỏa đáng khi có bằng tiến sĩ.

Luận án tiến sĩ phải đóng góp tri thức mới cho khoa học. Ảnh minh họa: Internet
Luận án tiến sĩ phải đóng góp tri thức mới cho khoa học. Ảnh minh họa: Internet

Đi tìm nguyên nhân

Theo TS Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội), Quy chế 08 đã bổ sung một số điểm mới có tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc tiến sĩ, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

TS Trương Đại Lượng chia sẻ, do đặc thù chuyên ngành, tỷ lệ giảng viên văn hóa nghệ thuật có trình độ tiến sĩ trở lên tại các cơ sở đào tạo tiến sĩ còn rất thấp, đặc biệt các nhóm ngành nghệ thuật như: Múa, âm nhạc, xiếc... Thực tế cho thấy, nhu cầu nâng cao trình độ giảng viên và những người làm nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng nhiều, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển nghiên cứu sinh thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong năm 2018 và 2019 giảm khoảng 90% so với các năm trước đó. Trong 8 chuyên ngành đang đào tạo tiến sĩ năm 2019, một số chuyên ngành không tuyển được nghiên cứu sinh.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay: Trong vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh sau đại học gặp khó khăn lớn. Sự sụt giảm số lượng tuyển sinh diễn ra ở các bậc đào tạo. Đối với đào tạo tiến sĩ, trong 3 năm trở lại đây, số nghiên cứu sinh giảm từ 142 người (năm 2013) xuống còn 107 (năm 2017). Các đợt tuyển sinh từ năm 2018 đến nay tiếp tục giảm mạnh.

Sự suy giảm số lượng học viên sau đại học bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có sự bão hòa của thị trường lao động đối với nhu cầu lao động có trình độ cao. Ngoài ra, tác động của các quy định, Quy chế 08 về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ tới đầu vào rất lớn. Với những quy định trong quy chế, nhiều ngành trong trường khó thu hút được người học.

Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo sau đại học có hệ thống học liệu lạc hậu, thiếu cập nhật. Nhiều học phần không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội học tập, không đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của toàn bộ chương trình. Thậm chí một số chương trình đào tạo không còn phù hợp với nhu cầu học tập của thị trường lao động.

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh trình độ tiến sĩ. Ảnh minh họa: Internet
Thời gian qua, các cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh trình độ tiến sĩ. Ảnh minh họa: Internet

Không cào bằng tất cả cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Quy chế 08 được ban hành trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) có hiệu lực. Do vậy, có một số quy định trong quy chế không còn phù hợp với quy định của Luật 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết luật này. Bên cạnh đó, sau 4 năm thực hiện Quy chế 08, qua kiểm tra, giám sát và căn cứ vào báo cáo của các cơ sở đào tạo tiến sĩ cho thấy: Một số quy định trong quy chế cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế triển khai, nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Cụ thể như: Quy định về người học, về người hướng dẫn, về thành viên các hội đồng đánh giá, việc tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo… Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (Quy chế 18) là kế thừa những quy định tích cực và khả thi, gắn với thực tế triển khai hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của Quy chế 08 tại các cơ sở trong thời gian qua; đồng thời khắc phục một số hạn chế trong thực tiễn triển khai; nhấn mạnh vào vai trò tự chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học theo Luật 34.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng: Nhiều quy định mang tính hình thức của Quy chế 08 được loại bỏ hoặc điều chỉnh cho hợp lý hơn trong quy định mới này. Đây cũng là chủ trương đúng đắn, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đào tạo, đặc biệt đối với đào tạo các nhà khoa học, nhân lực chất lượng cao của đất nước.

“Ví dụ, thông báo tuyển sinh công khai trước khi tuyển sinh 30 ngày, thay vì 3 tháng như Quy chế 08. Việc thay đổi đề tài, bổ sung người hướng dẫn được thực hiện trong thời gian đào tạo chứ không còn ấn định mốc thời gian. Ngoài ra, thủ tục cấp bằng tiến sĩ cũng đơn giản hơn…” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh viện dẫn, đồng thời ủng hộ việc quy định rõ ràng các thời hạn thực hiện các thủ tục hành chính, trên cơ sở đó, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện đúng và người học có thể giám sát việc thực hiện.

“Với những quy định như vậy, tôi tin rằng, cả hai phía (nhà trường và người học) đều thấy thuận lợi hơn, minh bạch hơn, đỡ mất nhiều thời gian vào các thủ tục hành chính không có nhiều ý nghĩa, tập trung vào chuyên môn hơn” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh bày tỏ.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia, Quy chế 18 phù hợp với thực tiễn của đất nước, không duy ý chí và không cào bằng tất cả các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ. Mặt khác, sẽ phát huy hết năng lực các GS, PGS của nước ta trong công tác đào tạo và tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế, nhưng vẫn phù hợp với thực tiễn của đất nước. Hy vọng rằng, trên cơ sở của quy chế này, các cơ sở giáo duc đại học sẽ có những quy định cụ thể trong đào tạo tiến sĩ, phù hợp với đơn vị mình và thực tiễn khách quan.

Theo GS.TS Hoàng Anh Tuấn, các tiêu chí, điều kiện trong Quy chế 18 là những tiêu chí “sàn”. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục đại học có thể đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra phù hợp với đơn vị mình. Dựa trên các tiêu chí của Thông tư 18, cũng như yêu cầu, chiến lược phát triển, tin rằng ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ của mình một cách hài hòa, phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ