Một thị trấn ở Nhật đang phân rác thành 45 loại khác nhau trong nỗ lực chinh phục mục tiêu trở thành địa phương “không rác thải” vào năm 2020. Ảnh: YouTube / Seeker Stories
“Thanh lọc” nghiêm ngặt
Năm 2014, tổng số rác thải tại thủ đô Tokyo là 2,7 triệu tấn, giảm 2,2 triệu tấn so với con số kỷ lục năm 1989. Đáng chú ý, chỉ 1/8 rác thải trong số này được tập kết tại các bãi chôn lấp ở vịnh Tokyo. Phần còn lại được thải ra môi trường không khí sau quá trình xử lý nghiêm ngặt. Với một đô thị có đến 13,5 triệu dân như Tokyo, không dễ để giữ cho đường phố sạch sẽ và bầu không khí trong lành.
Kết quả ấn tượng trên có được là nhờ quá trình xử lý rác kỹ lưỡng, gồm 3 giai đoạn: thu thập, xử lý trung gian (thiêu đốt, nghiền vụn…) và đổ ra bãi chôn lấp.
Trước hết, các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Tokyo sẽ phân loại rác thành những loại như chất thải đốt được (rác từ nhà bếp, túi nhựa, giấy, quần áo…), không đốt được (thủy tinh, kim loại, pin, đồ sành sứ, hàng điện tử…) và tái chế được (giấy báo, chai nhựa PET, giấy carton).
Rác đốt được sẽ được vận chuyển đến các nhà máy đốt chất thải và trải qua quá trình xử lý nghiêm ngặt để giảm thiểu chất gây hại như thủy ngân, dioxin thoát ra ngoài môi trường. Theo tờ Japan Times, bộ phận lọc khí sẽ loại bỏ than, bụi, khí hydro clorua, lưu huỳnh dioxit, các chất độc hại có trong khí thải trước khi đưa chúng ra môi trường.
Ngoài ra, tro được tạo ra trong quá trình đốt rác thải còn được sử dụng thay thế đất sét trong sản xuất xi-măng. Tro cũng có thể được sử dụng để tạo ra xỉ, dùng làm nhựa đường và các vật liệu xây dựng khác.
Một sản phẩm phụ khác cũng hình thành trong quá trình đốt rác là nhiệt năng, được sử dụng để cung cấp điện cho nhà máy xử lý rác. Phần nhiệt năng dư thừa sẽ được bán cho Công ty Điện lực Tokyo hoặc những nơi khác.
Với loại rác thải không thể tiêu hủy, chúng sẽ được xử lý tại 2 trung tâm ở vịnh Tokyo. Tại đó, chất thải bị nghiền nát rồi nam châm được sử dụng để tách sắt, nhôm và các chất khác. Khoảng 85% rác thải không thể tiêu hủy được sau quá trình xử lý sẽ được đưa đến các bãi chôn lấp.
Mục tiêu “không rác thải”
Trong khi Tokyo phân rác thành 3 loại chính thì người dân ở thị trấn Kamikatsu, tỉnh Tokushima thậm chí còn phân thành… 45 loại khác nhau, so với con số 34 vào cuối năm 2015. Thị trấn này còn có một hệ thống ủ rác thải hữu cơ.
Tại trạm Hibigaya, địa điểm thu gom rác thải duy nhất của địa phương, hàng chục thùng được sử dụng để chứa những loại rác khác nhau, như can thép, lon nhôm, chai thủy tinh, nắp chai nhựa, bao bì giấy… Trạm còn có một cửa hàng đặc biệt, nơi người dân có thể bỏ lại những thứ mình còn sử dụng hoặc mang về nhà bất kỳ thứ gì họ thích.
Thị trấn Kamikatsu đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở thành địa phương “không rác thải” vào năm 2020. Nơi này đang tái chế hoặc tái sử dụng gần 80% rác thải phi hữu cơ - cao hơn mức trung bình 20% của cả nước.
Một đoạn video mô tả hoạt động phân loại, tái chế rác của thị trấn hơn 2.000 dân này đã thu hút nhiều sự chú ý trên mạng từ khi được đăng tải năm 2015. Đến nay, đại diện nhiều thành phố và tổ chức môi trường ở ít nhất 10 quốc gia đã tới đây tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
“Tôi sẽ rất vui nếu mô hình ở Kamikatsu được phổ biến trên toàn thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu của thị trấn và cùng lúc mở rộng phong trào đến những khu vực khác” - cô Akira Sakano, 28 tuổi, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Zero Waste Academy quản lý trạm Hibigaya, nói với hãng tin AP.
Hốt bạc
Trong tài khóa 2015, 19 nhà máy xử lý rác thuộc Cơ quan Quản lý chất thải Tokyo đã bán ra lượng điện đủ cung cấp cho 200.000 hộ gia đình. Riêng nhà máy đốt rác Shinagawa đã bán được lượng điện trị giá 580 triệu yen (hơn 5,1 triệu USD) năm 2016. Tại Trung tâm Xử lý rác không đốt được Chubo, nơi xử lý khoảng 60.000 tấn rác/năm, doanh thu từ sắt và nhôm thu từ rác thải mỗi năm lần lượt là 220 triệu và 98 triệu yen.