Cô gái Yu Yuan và bạn trai đã thực hiện cuộc sống không rác thải. |
Cô gái Yu Yuan (27 tuổi - sinh ra ở ngoại ô TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc). Hiện cô sống ở Bắc Kinh với bạn trai người Anh tên Joe.
Yu Yuan đã cùng bạn trai ngoại quốc của mình thực hiện lối sống không rác thải.
Theo đó, họ đã cố gắng giảm thiểu lượng rác thải, số rác trong 3 tháng của họ ít đến mức chỉ cần 2 chiếc lọ thủy tinh để đựng.
Cặp đôi Yu Yuan - Joe. |
Được biết, cô đến Bắc Kinh từ năm 17 tuổi và bắt đầu cuộc sống tự lập trong căn hộ có diện tích 15m2.
Nguyên nhân khiến Yu Yuan thay đổi lối sống bắt nguồn từ 2 năm trước. Khi đó, cô tình cờ xem một đoạn video trên mạng về một gia đình người Mỹ có tên Bea Johnson.
Gia đình người Mỹ đã thay đổi cuộc sống của Yu Yuan. |
Gia đình này mỗi năm chỉ thải ra 1 thùng rác nhỏ. Điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của cô gái trẻ.
Cô nói: "Tôi nhìn lại bản thân và nhận ra bao năm qua mình đã lãng phí nhiều đến thế. Mua sắm không suy nghĩ".
Sau đó, vào dịp Tết năm 2016, cô về thăm gia đình. Khi trở lại Bắc Kinh, chủ nhà nơi cô thuê trọ bất ngờ thông báo đã bán nhà và yêu cầu Yu Yuan phải nhanh chóng dọn đi trong vòng 2 tuần.
Quá trình thu xếp đồ đạc, cô thấy dưới gầm giường, tủ, góc nhà... đang để những món đồ cô ít sử dụng hoặc không sử dụng đến nữa. Trong đó có nhiều bộ quần áo cô mua nhưng chưa mặc bao giờ.
"Tôi đã quyết định thay đổi cuộc sống của mình. Khi dọn đến nơi ở mới, rộng khoảng 60 m2, tôi chỉ mang theo những đồ vật cần thiết, bằng khoảng 1/10 đồ dùng ở căn hộ cũ", Yu Yuan nhớ lại.
3 tháng cặp đôi chỉ thải lượng rác đựng vừa 2 chiếc lọ thủy tinh. |
Tháng 6/2017, cô quyết định nghỉ việc tại một công ty nước ngoài lương cao và bắt đầu thực hành cuộc sống tiết kiệm, không lãng phí, không rác thải.
"Tôi không mua quần áo, nước khoáng. Đặc biệt không sử dụng túi nhựa hay mua hàng qua mạng.
Ban đầu, tôi rất bức bối, khó quen với việc tái sử dụng mọi thứ. Dần dần, tôi nhận ra đó chỉ là một rào cản tâm lý nhỏ.
"Không rác thải" không có nghĩa là sống không tạo ra tí rác nào, mà là tránh việc dùng các bao, gói không cần thiết", cô gái 9x chia sẻ.
Cô gái 9x khá thoải mái với cuộc sống "không lãng phí" của mình. |
Mọi đồ đạc trong nhà Yu Yuan đều là đồ cũ, đã qua sử dụng. "Chiếc ghế tựa màu đỏ được tôi lấy từ bãi rác.
Nó còn sạch và chắc chắn, không có dấu hiệu hư hại nào ngoài vết dầu nhỏ trên tấm vải. Lúc nhìn thấy chiếc ghế tôi đã quyết định đưa về nhà", Yu Yuan tâm sự.
Ngoài ra, cô còn sử dụng đôi giày da cô mua ở quê của bạn trai với giá 4 đô la. Trong nhà bếp, cô tái sử dụng nhiều chai, lọ để đựng gia vị và đồ nấu nướng.
Yu Yuan dùng túi vải đi chợ thay cho túi nilon. |
Tháng 8 năm ngoái, cặp đôi đã đặt ra mục tiêu thử kiểm tra xem: Lượng rác 2 người thải ra trong 3 tháng là bao nhiêu để cuộc sống vẫn thoải mái?
Kết quả là trong thời gian đó họ chỉ thải ra lượng rác bằng 2 cái lọ nhỏ. Chúng bao gồm các mác trên chai thủy tinh, logo quần áo, tăm bông ngoáy tai, vỏ thuốc...
"Nhiều người nghĩ rằng điều đó là không thể. Thế nhưng thực tế, tôi nghĩ mình vẫn có thể giảm nhiều hơn nữa. Để làm được điều đó, chúng tôi đã quán triệt quy tắc sau:
- Không mua thức ăn hoặc các đồ có bao gói. Không sử dụng những sản phẩm chỉ dùng một lần (bát đũa, cốc chén, khẩu trang dùng một lần... ).
- Với thức ăn thừa, chúng tôi dùng một phương pháp ủ để biến thành phân bón tốt.
- Khi ra ngoài, cô mang theo cốc, dao không rỉ, bộ đồ ăn riêng và túi vải nhiều cỡ để đựng đồ. Mỗi lần đi siêu thị, cô dùng các túi vải để đựng đồ thay cho túi nilon.
Y Yuan tự làm xà phòng. |
Các vật dụng chăm sóc cá nhân như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, sữa tắm... cặp đôi đều tự làm lấy. Ngay cả băng vệ sinh Yu Yuan cũng không mua, mà dùng cốc nguyệt san có thể tái dùng trong 12 năm.
Yu Yuan tự ủ phân bón trồng cây từ các thức ăn thừa. |
Yu Yuan cho biết thêm: "Cách làm phân bón không hề khó. Tôi tận dụng các thực phẩm thừa, ủ trong thùng sau đó trộn lẫn với đất và lá khô.
Hỗn hợp đó sẽ bị phân hủy thành đất màu mỡ sau khoảng 2 tháng. Phân bón này chúng tôi chia sẻ với hàng xóm của mình, để họ trồng hoa và cây cảnh".
Nhờ lối sống tiết kiệm mà Yu Yuan và bạn trai đã có cuộc sống thoải mái, chi phí sinh hoạt giảm đáng kể mặc dù thu nhập của họ không ổn định.
Tháng 1/2018, cô cùng Joe mở một cửa hàng nhỏ, nơi tất cả sản phẩm bán ra đều không có bao bì bằng nilon.
Cặp đôi mở cửa hàng nhỏ bán đồ tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường. |
"Chúng tôi bán 1 số sản phẩm thủ công, xà phòng hand-made, đồ tái chế như túi xách, ba lô làm từ túi đựng gạo đã qua sửu dụng, vỏ gối, quần áo cũ làm bằng vải cũ... Tôi sử dụng hộp bìa và loại băng dính có thể tự phân hủy để đóng gói cho khách", cô gái Trung Quốc kể.
Hành động của cặp đôi đã tác động tích cực đến mọi người. Bạn bè, người thân của họ lên tiếng ủng hộ và bắt đầu thực hiện lối sống thân thiện với môi trường, giảm các loại bao bì từ nhựa.
"Sức mạnh của một người là rất nhỏ, nhưng nếu bạn thực sự làm, nó sẽ tác động đến nhiều người xung quanh. Lợi ích của việc này sẽ đi xa hơn nữa", cô nói.