Tìm giải pháp chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học

GD&TĐ - Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, kể từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân tới nay, đã có 539 em HS các cấp trên địa bàn tỉnh bỏ học. Số HS này rơi vào ở các địa bàn vùng núi khó khăn và vùng bãi ngang. Trong đó tỉ lệ bỏ học cao nhất là HS khối THPT là 304 em, chiếm tỉ lệ 1,29% HS toàn tỉnh.

Tìm giải pháp chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học

Những con số đáng suy nghĩ

Mặc dù sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn HS bỏ học ở vùng khó khăn, tuy nhiên thực trạng này vẫn tiếp tục diễn ra và gây không ít khó khăn cho ngành GD địa phương.

Thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, các trường có HS nghỉ học nhiều sau Tết tập trung ở những địa bàn vùng cao thuộc huyện Hướng Hóa, Đakrông.

Trong đó, đáng kể nhất có lẽ là Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa). Tại lớp 10B2 của trường này, sau Tết chỉ có 33/43 HS đến trường. Hiện tại đã có 20 em HS nghỉ học giữa chừng và toàn trường đã có 39 HS nghỉ học sau học kỳ một.

Có số lượng HS bỏ học ít hơn một chút là các trường như Trường THPT số 2 Đakrông, có 19 HS bỏ học, chiếm tỉ lệ khoảng 4%; Trường THPT Hướng Phùng có 12 HS bỏ học, chiếm tỉ lệ khoảng 5%; các trường như Trường THPT Nguyễn Công Trứ; THPT Chế Lan Viên; THPT Nguyễn Hữu Thận… có số HS bỏ học từ 14 - 15 em, chiếm tỉ lệ khoảng từ 2,5 - 6,5% HS toàn trường.

Không chỉ ở vùng núi khó khăn mà các HS ở những vùng bãi ngang vẫn có hiện tượng bỏ học, đặc biệt là ở độ tuổi THPT. Phần thì do học yếu, phần do điều kiện kinh tế khó khăn của gia đình, các em phải đi làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình mình. Phần vì mải chơi, học kém nên bỏ học luôn khi được nghỉ Tết. Thậm chí có cả một số trường hợp HS bỏ học để… lập gia đình.

Đi tìm giải pháp…

Trao đổi với chúng tôi, nhiều giáo viên công tác ở vùng khó khăn, nơi mà HS thường hay nghỉ học giữa chừng, cho hay: Mỗi khi HS nghỉ học, các giáo viên đều phải đến tận nhà vận động từng em một, đồng thời vận động gia đình, khuyên nhủ con em mình đến trường.

Hoạt động này có đem lại một số hiệu quả nhất định; nhưng với ý thức và sự lơ là trong sự quan tâm đến việc học của con cái mình ở các hộ gia đình miền núi khó khăn là một trong những cản trở, khó khăn nhất cho việc vận động HS đến trường của các thầy, cô giáo.

Để khắc phục tình trạng HS bỏ học, trong những năm qua Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã có nhiều phương án cụ thể nhằm hạn chế tối đa việc HS bỏ học như việc tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy học; Chống việc HS ngồi nhầm lớp; thành lập các trường PTDT bán trú ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn cách trở…

Thầy Hoàng Đức Thắm – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị - cho biết: Song song với các chủ trương, chế độ chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc luôn luôn được đảm bảo thì ngành GD tỉnh Quảng Trị cũng đã nỗ lực để hạn chế tối đa tình trạng HS bỏ học bằng những hành động cụ thể. Tuy nhiên, muốn đảm bảo được việc HS đến trường, trước hết đó là sự quan tâm, trách nhiệm của mỗi gia đình.

Các gia đình phải ý thức được tầm quan trọng của việc học hành của con cái của mình, để từ đó động viên con em đến trường. Đồng thời, nhà trường cùng đoàn thể mặt trận các cấp vào cuộc chung tay vận động các em đến lớp. Khi đó mới có thể thắp lên hy vọng ngăn chặn nạn bỏ học giữa chừng của HS vùng khó”, ông Thắm tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ