“Đồng đội mất, tôi phải đi tìm”
Cựu chiến binh Nguyễn Như Trinh (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nguyên là lính tình báo thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 74, Tổng cục Quốc phòng, Cục nghiên cứu Bộ Tham mưu.
“Tôi nhập ngũ năm 1974, cùng đi với nhiều bạn bè, đồng chí. Nhưng hòa bình lập lại, nhiều người đã không thể trở về. Xót xa hơn, bố mẹ, vợ, anh em… đến giờ vẫn chưa một lần được thắp hương lên mộ của họ. Điều đó thôi thúc tôi đi tìm đồng đội, xoa dịu phần nào nỗi đau của người ở lại”, ông Trinh chia sẻ.
Sau khi chiến tranh kết thúc, ông Trinh về công tác tại Ban liên lạc tình nghĩa, tình báo quốc phòng Hà Tĩnh. Hàng chục năm qua, nỗi niềm về đồng đội chưa trở về khiến ông canh cánh trong “món nợ” tình cảm, ngày một lớn dần, day dứt.
Năm 2006, ông lên huyện xin thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Tổng cục II và bắt đầu cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Không thể đếm hết những địa danh mà ông đã đi qua trong hơn 10 năm đi tìm kiếm. Ông chỉ nhớ, hành trình của mình đã đi khắp các cánh rừng Trường Sơn, qua khu vực biên giới của nước Lào, Campuchia. Mỗi chuyến đi, ông và những người đồng hành thường bám trụ từ năm đến 10 - 20 ngày, thậm chí có lần gần 2 tháng trời.
Sau chiến tranh, địa hình, tên xóm, tên làng đã bao lần đổi thay. Nhiều phần mộ được dân phát hiện đem quy tập tại nghĩa trang nên công việc tìm hài cốt càng khó khăn hơn. Dẫu không phải chuyến đi nào cũng thành công, nhưng ông không từ bỏ, vẫn đội mưa, đội nắng, đến từng chiến trường. Sau những chuyến đi gian truân ấy, động lực cho người cựu binh là niềm vui khi gia đình các liệt sĩ tìm được phần mộ người thân.
Gia đình bà Đặng Thị Cháu (xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã đi tìm liệt sĩ Nguyễn Đình Thục, hi sinh ở Dốc Miếu, Quảng Trị. Gia đình đi tìm từ năm 2001 đến 2008 không có kết quả. Năm 2009, biết được thông tin, ông Trinh đến gặp gia đình bà Cháu để xin tất cả hồ sơ, giấy tờ và thông tin liệt sĩ.
Đến năm 2010, ông Trinh tìm được một phần mộ có tên là Nguyễn Đình Thục nhưng không có địa chỉ, nên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị không chấp nhận và yêu cầu phải tìm được 2 người làm chứng. Ông lại phải lặn lội ra Bắc để tìm nhân chứng, đồng đội cũ xác nhận. Sau 2 năm kiên trì, ông Trinh mới hoàn tất thủ tục và đưa hài cốt của liệt sĩ Thục về quê an táng.
Không chỉ đi tìm đồng đội, ông Trinh còn tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng… Đến nay, ông đã kết nối với nhiều đơn vị, nhà hảo tâm, xây dựng 14 căn nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ với trị giá từ 80 - 100 triệu đồng/căn. Hàng ngàn suất quà được trao cho những gia đình khó khăn, người nhiễm chất độc da cam.
Ông Nguyễn Đức Tới - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Cựu chiến binh Nguyễn Như Trinh là người nhiệt huyết, nặng lòng với công tác đền ơn đáp nghĩa. Những việc làm của ông đã góp phần làm đẹp hơn phẩm chất người lính cụ Hồ giữa thời bình”.
Miếu thờ ở lòng hồ Kẻ Gỗ
Hồ Kẻ Gỗ, đại công trình thủy nông của Việt Nam thế kỷ XX, nhưng ít ai biết rằng dưới lòng hồ từng có tuyến đường 22 huyền thoại và sân bay Libi chưa kịp sử dụng. Nơi đây còn là nghĩa trang chôn cất hàng trăm liệt sĩ.
Là người con địa phương, ông Nguyễn Chí Công (SN 1964, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, đã chứng kiến những trận mưa bom tàn khốc khiến hàng chục người hy sinh. Bố ông Công từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã Mua bán thời kỳ 1965 - 1975, đã phải đi vay từng chiếc hòm của người dân trong xã để chôn cất liệt sĩ sau mỗi trận bom.
“Xã Cẩm Mỹ và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã di dời hàng chục hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên. Nhưng theo nhận định của nhiều đoàn khảo sát có thể vẫn còn nhiều hài cốt nằm lại dưới lòng hồ”, ông Công cho biết.
Năm 2012, trong một lần tham quan hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã cùng nhau quyên góp được một khoản tiền nhỏ. Họ giao lại cho Ban quản lý Khu bảo tồn Kẻ Gỗ với mong muốn lập một điểm thờ cúng các anh hùng liệt sĩ ngay tại mặt trận năm xưa. Sau khi tiếp nhận khoản tiền này, Ban quản lý đã xây dựng ngôi miếu nhỏ. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định công nhận ngôi miếu này là di tích cấp tỉnh.
Xây miếu rồi nhưng thờ ai, thờ thế nào cần được làm rõ để mọi người đến viếng hiểu được câu chuyện? Trăn trở với những điều này, gần 10 năm trôi qua, ông Nguyễn Chí Công mò mẫm đi tìm các hài cốt liệt sĩ hy sinh trên tuyến đường 22 và trận đánh sân bay LiBi.
“Cơ quan đã tạo điều kiện để tôi tìm danh sách những liệt sĩ đã hy sinh tại đây. 9 năm trôi qua tôi mò mẫm tìm các nhân chứng còn sống cũng như tư liệu để tìm thông tin. Nhiều lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì thông tin hết sức mơ hồ, nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc tôi lại lên đường, đến từng nghĩa trang dò tìm từng bia mộ” - ông Công kể.
Không chỉ phải tìm ở trong tỉnh, ông còn lần ra Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An… dù thông tin chỉ bắt đầu từ một con đường hay tên quận, huyện. Sau những năm tháng dài lặng lẽ kiếm tìm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, ông Công đã có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sĩ (trong đó toàn bộ liệt sĩ đã hy sinh tại trận tập kích ngày 7/1/1973) đã nằm xuống tại mặt trận này.
“Hồ Kẻ Gỗ luôn được nhìn nhận là công trình thủy lợi có vai trò quan trọng với nền nông nghiệp Hà Tĩnh, nhưng những dấu tích chiến tranh, sự hy sinh cũng những liệt sĩ còn ít người biết đến. Tôi chỉ mong, việc làm của mình sẽ góp phần để thế hệ trẻ biết hơn đến những hy sinh của các thế hệ đi trước”, ông Công chia sẻ.