Nữ tác giả 8x viết trường ca đề tài Đi tìm đồng đội

GD&TĐ - Thiết thực kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” của tác giả Lữ Mai như lời tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ với lớp cha ông đã hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc.

Bìa cuốn trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”.
Bìa cuốn trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”.

Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, lấy cảm hứng từ câu chuyện về Trung đoàn mũ sắt - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều đồng chí là người Hà Nội gốc.

Sau thời gian luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó như: mũ sắt của Liên Xô, áo Tô Châu của Trung Quốc… cũng là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41 tại chiến trường.

Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26/3/1968. Trong trận đánh này, gần chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mỹ tại điểm cao 995-996.

Sau khi phát hành, toàn bộ số tiền bán sách được tổng hợp, công khai theo ngày và sẽ gửi tới nhóm Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đi tìm đồng đội, trước 27/7/2021.

Quá nửa thế kỷ trôi qua những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội.

Trong những chuyến đi tìm đồng đội của các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt, có rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cả những bạn trẻ tình nguyện viên trên mọi miền Tổ quốc đồng hành, hỗ trợ cung cấp sử liệu làm căn cứ giúp các bác, các chú tìm đồng đội của mình. Đặc biệt, trong những hành trình thầm lặng ấy, có cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Chư Tan Kra…

Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” ra đời trong nguồn cảm hứng, cảm xúc về thế hệ những người lính thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu cho Tổ quốc và những người lính trở về, dù mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng, có nhiều người là thương binh, gặp nhiều khó khăn do sức khỏe, tuổi tác… nhưng họ vẫn giữ khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động vì nghĩa lớn.

Tác giả Lữ Mai cho biết: Đề tài về những người lính dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu cho Tổ quốc luôn là niềm trăn trở, thôi thúc trong tôi. Trước khi trường ca này ra đời, tôi đã có những truyện ngắn, bài thơ, tập thơ về đề tài người lính, gần nhất là trường ca “Ngang qua bình minh” thể hiện hình ảnh người chiến sĩ Hải quân trên các chuyến tàu làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tôi đã cố gắng tiếp cận vấn đề và thể hiện câu chuyện về Chư Tan Kra qua cái nhìn của một người viết trẻ. Chắc chắn, còn có những điều chưa đầy đủ, sâu sắc hoặc chính xác như thực tế từng diễn ra… Cảm thấy chưa thật hài lòng về tác phẩm chính là động lực để người viết nỗ lực hơn trong sáng tạo, nhìn nhận được thiếu sót, hạn chế của mình và biết lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn với độc giả.

Nhà văn Lữ Mai tiếp đón một cựu chiến binh trận Chư Tan Kra. (Ảnh: NVCC).

Nhà văn Lữ Mai tiếp đón một cựu chiến binh trận Chư Tan Kra. (Ảnh: NVCC).

“Chư Tan Kra mây trắng” có 6 chương, gồm: Chương I - Giấc mơ vụn; Chương II - Đỉnh gió; Chương III - Bên kia đại dương; Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về; Chương V - Gửi hòa bình; Chương VI - MẸ.

Ông Hồ Đại Đồng, Cựu chiến binh Trung đoàn 209, Trưởng ban liên lạc CCB tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 chia sẻ: Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” được viết từ cái tâm sáng, từ cảm xúc xót xa chân thành của một cây bút trẻ đã có cái nhìn sâu sắc, tích cực, không tránh né về chiến tranh, về sự tàn phá, hi sinh - cái giá dân tộc chúng ta phải trả để đất nước được độc lập, thống nhất.

Tác phẩm như một tình yêu dành cho những người lính trẻ đã hi sinh, như lời ru buồn, đau đớn, khắc khoải của người mẹ thương những đứa con ngã xuống vì Tổ quốc chưa được trở về.

Trường ca cũng nêu bật lên được câu chuyện đặc biệt về tình nhân loại - tình người của những người lính, xưa ở hai bên chiến tuyến, nay đã chủ động khép lại hận thù, cùng nhau trở lại chiến trường tìm kiếm hài cốt những người lính đã ngã xuống để làm dịu nỗi đau chiến tranh.

Thông qua trường ca này, tôi hi vọng tình người, sự tử tế, tính cộng đồng sẽ được khơi dậy, việc quy tập liệt sĩ sẽ được quan tâm thiết thực, chủ động để nhiều đồng đội liệt sĩ được trở về.

Lữ Mai, sinh năm 1988 tại Thanh Hóa; Tốt nghiệp Khóa 10, Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (Tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Hiện công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân dân. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Các tác phẩm chính đã xuất bản: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010), Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngắn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, NXB Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, NXB Quân đội Nhân dân), Ngang qua bình minh (Trường ca, NXB Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2021).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ