Tiết giảm quyền quyết giá xăng dầu của doanh nghiệp

Tiết giảm quyền quyết giá xăng dầu của doanh nghiệp

(GD&TĐ) - Sẽ là quá nhàm khi bây giờ lại tiếp tục nói về những bất cập trong điều hành thị trường xăng dầu bán lẻ trong nước hiện nay. Điều người dân quan tâm là bao giờ thị trường thiết yếu này sẽ minh bạch như nhiều lần hứa của các cấp lãnh đạo, khi mà tình trạng độc quyền của doanh nghiệp đầu mối độc tôn vẫn “cầm cương” thị trường như thời gian qua…

Giá xăng dầu vô can với CPI?

Ba lần tăng giá “khủng” chỉ trong tháng 7, một lần giảm nhỏ giọt cuối tháng 8 nhưng ngay lập tức, các doanh nghiệp than lỗ, dự báo khả năng giá bán lẻ trong nước lại sẽ tăng. Tuy vậy, theo  ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), những lần điều chỉnh vừa qua (tháng 7 và tháng 8) của giá xăng dầu trong nước ảnh hưởng không đáng kể đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). 

Theo ông này, nguyên nhân chủ yếu của đà tăng CPI trong tháng 8 là do giá dịch vụ y tế tăng và việc bước vào năm học mới, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập tăng cao, nhiều loại học phí ở một số tỉnh, thành phố cũng tăng theo đã đẩy chỉ số giá nhóm giáo dục cả nước tăng 0,9% so với tháng trước, góp phần đưa CPI tháng 8 cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Không thừa nhận tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đối với CPI trong tháng, nhưng trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng lưu ý các bên liên quan có trách nhiệm theo sát tình hình thị trường, tư vấn với lãnh đạo Bộ, có kế hoạch phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều hành giá xăng dầu, giá điện, than bán cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Thêm một lần nữa, Bộ Công Thương đưa ra lời hứa minh bạch trong điều hành thị trường xăng dầu
Thêm một lần nữa, Bộ Công Thương đưa ra lời hứa minh bạch trong điều hành thị trường xăng dầu
 

Tiết giảm quyền quyết giá của doanh nghiệp là cần thiết

Công tác điều hành giá xăng dầu hiện nay về mặt quản lý nhà nước được giao trực tiếp cho liên bộ Tài chính và Công Thương, căn cứ trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; trong đó Bộ Công Thương có vai trò tư vấn, đề xuất.

Trao đổi với báo chí xung quanh công tác điều hành thị trường nhạy cảm và luôn gây tranh cãi này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết việc điều chỉnh giá phải căn cứ theo giá thị trường thế giới. Tuy nhiên việc tăng hoặc giảm không thể tức thì mà phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, phụ thuộc vào việc đánh giá tác động của việc tăng giá lên đời sống xã hội. “Việc tính giá xăng dầu căn cứ trong vòng 30 ngày, chứ không tính 10 ngày, hoặc 20 ngày để điều chỉnh khiến nhiều người hiểu nhầm”, ông Quyền nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí về tiến trình xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, ông Võ Văn Quyền cho biết dự thảo mới nhất đang được Bộ Tư Pháp thẩm định trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ. Tuy nhiên, tư tưởng nhất quán của Ban soạn thảo là kiên định theo thị trường và đảm bảo nguyên tắc tính giá do Nhà nước kiểm soát, không trao hoàn toàn việc điều hành giá cho doanh nghiệp. Việc điều hành xăng dầu sẽ tiệm cận với thị trường hơn nhưng ở mức nào, thời điểm điều chỉnh ra sao sẽ do Liên bộ quyết định. 

“Câu chuyện không phải là giá hôm nay bao nhiêu mà quan trọng là tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo ra những doanh nghiệp có sức sống, có năng lực để họ tự cạnh tranh và sau đó Nhà nước sẽ rút dần sự can thiệp của mình để cho thị trường tự điều hành. Quan điểm của Nhà nước trong vấn đề này là kiên định theo cơ chế thị trường”, ông Quyền cho biết.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ