Tiếp tục xây dựng và nhân rộng gia đình, dòng họ, xã hội học tập

GD&TĐ - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng gia đình, dòng họ, xã hội học tập.

Quang cảnh Hội thảo quốc gia “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Quang cảnh Hội thảo quốc gia “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Ngày 15/8, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc gia “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức. Hội thảo được tổ chức trực tuyến, kết nối đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội thảo nhằm khẳng định tầm quan trọng, vai trò của gia đình, dòng họ trong tiếp nối truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập. Đồng thời làm sáng tỏ vai trò học tập của mỗi người dân, gia đình, dòng họ và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, xây dựng gia đình văn hóa góp phần phát huy giá trị văn hóa phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chủ trì hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt.

Cùng dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo – Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các đại biểu các ban, bộ, ngành, những người làm công tác tuyên giáo quản lý văn hóa, các cán bộ làm công tác khuyến học dự hội thảo tại hội trường Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo báo cáo đề dẫn hội thảo.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo báo cáo đề dẫn hội thảo.

Báo cáo đề dẫn hội thảo do GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo nhấn mạnh: Nghị quyết 33-NQ/TW 2014 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu rõ mục tiêu: Hoàn thiện những chuẩn mực giá trị văn hoá của con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tao, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Đây là bước phát triển mới của Hội nghị T.Ư 5, khoá VIII về xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của hội thảo góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam, gắn với giữ gìn hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia. Gia đình là tế bào của xã hội, duy trì nòi giống, là môi trường đầu tiên khuyến khích học tập; dòng họ cơ bản giữ được tính bền chặt, tạo nên một xã hội ổn định, thông suốt.

Gia đình là môi trường đầu tiên khuyến khích, tạo điều kiện học tập, thúc đẩy sáng tạo của mỗi thành viên. Xã hội Việt Nam sẽ phát triển từ sự phồn vinh của các gia đình. Dù trong hoàn cảnh nào, dòng họ bền chặt, nền nếp gia phong, trên thuận dưới hoà, có tôn ti trật tự, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, thì sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết.

Văn hoá gia đình quan hệ dòng họ là nét đẹp văn hoá, phát triển, xây dựng dòng học học tập có vai trò cốt lõi trong phát triển quốc gia, đóng góp tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Cần tiếp tục triển khai các mô hình học tập, xây dựng đội ngũ trí thức nhằm chấn hưng nền văn hóa dân tộc. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ phải có trách nhiệm tạo cơ hội học tập cho các thành viên trong gia đình để có tri thức, có lối sống văn hóa, để gia đình là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần tạo nên một xã hội hiếu học trong tương lai”.

Báo cáo tổng quan các tham luận, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, đến ngày 5/8/2023, Ban Tổ chức đã nhận 72 báo cáo tham luận từ một số cơ quan đảng trung ương và địa phương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một số sở văn hóa, thể thao và du lịch, cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, hội khuyến học một số tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều hội khuyến học địa phương, hội đồng dòng họ tiêu biểu cấp trung ương và Hội đồng dòng họ địa phương cùng nhiều chi họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” giai đoạn 2014 - 2020 và một số gia đình học tập tiêu biểu.

Các báo cáo tham luận đã làm rõ nhiều nét chấm phá đặc biệt trong phong trào xây dựng các mô hình học tập, đặc biệt là gia đình học tập, dòng họ học tập và mối quan hệ khăng khít giữa các mô hình này với xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về vai trò của gia đình, dòng họ trong phong trào xây dựng xã hội học tập; vai trò của dòng họ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời của các gia đình thành viên trước những yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò hạt nhân của gia đình Việt Nam trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, những cách làm hay, phương pháp động viên con cháu phát huy tinh thần hiếu học, giữ gìn nền nếp gia phong, gia giáo; đề xuất giải pháp tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò của gia đình, dòng họ trong giáo dục truyền thống hiếu học, hình thành, phát huy những nét đẹp văn hóa và giá trị văn hóa trong tình hình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ