Kết nối khuyến học, khuyến tài tạo động lực cho học sinh vượt khó

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem đến nhiều thuận lợi cho công tác khuyến học, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập nhận hỗ trợ từ dự án “Đi học trên núi”.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập nhận hỗ trợ từ dự án “Đi học trên núi”.

Trong khi đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần sự đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất.

Trao niềm tin, nhận thành quả

Mức học bổng Chi hội Khuyến học Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) duy trì thường niên là 2 triệu đồng/học sinh và 5 triệu đồng/ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chi hội Khuyến học đề ra mục tiêu bảo đảm 100% học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường được nhận học bổng trong năm học. Ngoài ra, Chi hội Khuyến học trường phối hợp với cựu học sinh niên khóa 1988 - 1991 duy trì việc trao học bổng cho những em có hoàn cảnh khó khăn đậu đại học điểm cao hằng năm, mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng.

Bắt đầu từ năm 2010 cho đến nay, Chi hội Khuyến học Trường THPT Phan Châu Trinh đã duy trì được việc trao học bổng cho những học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp thành phố, khu vực và quốc gia, thủ khoa đại học với mức thưởng cao nhất lên đến 15 triệu đồng/em và thấp nhất 2 triệu đồng/em.

Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm có 6 học sinh hoàn cảnh đặt biệt khó khăn được nhận mức học bổng cao. Những món quà này đã tiếp thêm động lực, giúp các em vượt khó vươn lên trong cuộc sống và học tập. Nhiều học sinh đã đậu vào những trường đại học uy tín tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.

Thầy Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Nguồn quỹ khuyến học chủ yếu là sự đóng góp của các hội viên là giáo viên nhà trường, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh, các đơn vị, tổ chức... Quan điểm của Chi hội Khuyến học là chỉ dùng số tiền này khi gặp trường hợp cần sự giúp đỡ ngay tại chỗ.

Do đó, để có nguồn hỗ trợ cho công tác khuyến học, khuyến tài của nhà trường, Chi hội đã kết nối cựu học sinh các khóa và đây cũng là nguồn hỗ trợ chính. Về phía nhà trường, chúng tôi luôn hỗ trợ tối đa khi có cựu học sinh của trường liên lạc nhờ xác minh thông tin, hoàn cảnh của từng em để cấp xét học bổng. Sự chủ động, minh bạch thông tin cũng là một cách để vận động nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài”.

Vận động sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm để xây dựng quỹ học bổng hỗ trợ những học sinh có khó khăn về kinh tế là hoạt động thường xuyên của hội khuyến học trong các trường học. Nhưng cũng có những tập thể giáo viên, đã thầm lặng trích những đồng lương của mình, góp thêm một phần bé nhỏ như là một cách để nhen lên trong các em niềm tin và hy vọng vào những điều tốt đẹp ở đời để học sinh vững vàng đi tiếp trong cuộc hành trình chữ nghĩa.

Trong suốt 5 năm vừa qua, Chi bộ Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đều đặn hỗ trợ sinh hoạt phí dao động ở mức 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng cho em T.L. Mức hỗ trợ này L. được nhận từ khi đang là học sinh lớp 2 của trường và vẫn được duy trì khi em lên học THCS.

Cô Ông Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Mẹ em L. bị bệnh hiểm nghèo và mất sớm. Em sống nương tựa vào ông bà cố cũng đã già, chỉ có nguồn thu nhập duy nhất là tiền trợ cấp hàng tháng cho người cao tuổi.

Chi bộ nhà trường đã đồng thuận sẽ bảo trợ cho em trong quá trình học tập. Dù em đã chuyển bậc học nhưng thầy cô vẫn luôn đồng hành, chia sẻ để em có chỗ dựa tinh thần, bớt đi sự chông chênh, trống trải vì sớm mồ côi mẹ. Chúng tôi rất vui là L. chăm học và rất sáng dạ”.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tham gia chương trình Học bổng Học tập trải nghiệm do ông Nguyễn Thành Trung, cựu học sinh niên khóa 1970 - 1977 trài trợ.

Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tham gia chương trình Học bổng Học tập trải nghiệm do ông Nguyễn Thành Trung, cựu học sinh niên khóa 1970 - 1977 trài trợ.

Những người vận động đặc biệt

Thầy giáo Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cùng với em Đinh Văn Kỳ, học sinh lớp 12 của trường đang cân nhắc để đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Kỳ là học sinh mồ côi trong đợt sạt lở đất đầy đau thương, mất mát tại xã Trà Vân vào năm 2020.

Thầy Luận cho biết: “Kỳ là một trong những học sinh được hỗ trợ học bổng lên đến đại học hoặc học nghề. Mỗi tháng, các em sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng chi phí sinh hoạt. Sau biến cố đau thương ở Trà Leng và Trà Vân, nhà trường đã kết nối với một số mạnh thường quân để nhận đỡ đầu cho 4 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 2022, đã có 2 học sinh mồ côi ở xã Trà Leng của nhà trường bắt đầu nhận hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng trong suốt thời gian học đại học. Đây đều là những học sinh có học lực khá, giỏi”.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Phước Sơn (Quảng Nam) cũng xây dựng Quỹ Hỗ trợ học sinh mồ côi với khoảng 200 triệu đồng. Ban giám hiệu nhà trường đã dựa vào các mối quan hệ cá nhân, tổ chức và các cựu học sinh để vận động, duy trì quỹ.

Cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với mỗi học sinh, thầy cô đều cố gắng thu xếp làm sao để nếu các em đỗ đại học hay đi học nghề thì sẽ có đủ kinh phí trong ít nhất là học kỳ đầu tiên. Hoặc nếu các em không học lên, cũng có chút ít vốn liếng để có thể tính đến chuyện mưu sinh. Vì vậy, gần 50 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ của Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn đều được thầy cô giáo nhận đỡ đầu, quan tâm.

Học sinh của Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn đều được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn ở, sinh hoạt với mức khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng tập thể hội đồng sư phạm nhà trường thống nhất rằng khoản này sẽ dành cho các em lúc ra trường.

Mỗi em được mở một tài khoản ở ngân hàng. Hàng tháng, khi nhận được tiền hỗ trợ theo chính sách thì gửi vào đó. Tiền ăn ở, sinh hoạt của các em sẽ được các thầy cô giáo lo. Cô Thứ chia sẻ, chính tấm lòng của các thầy cô giáo, lặng thầm lo lắng, thu xếp cho học sinh của mình để các em có một tương lai tươi sáng, rộng mở đã khiến cho nhiều mạnh thường quân tin tưởng về sự minh bạch của quỹ, giúp quỹ duy trì ổn định.

Thầy Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) cho rằng, với vùng khó, việc ban giám hiệu và từng giáo viên có sự chủ động kết nối thông tin với các tổ chức, cá nhân để tranh thủ sự đóng góp nguồn lực là rất quan trọng.

Thường thì khi nhận sự ủng hộ của các mạnh thường quân, nhà trường bao giờ cũng có sự phản hồi cụ thể địa chỉ, hoàn cảnh cụ thể, có báo cáo bằng hình ảnh… Như với chương trình “Đi học trên núi”, học sinh mồ côi của chúng tôi được hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng.

Thầy cô giáo sẽ trao cho từng học sinh cụ thể, hỗ trợ mua sắm lương thực, nhu yếu phẩm… theo nhu cầu của từng em và đều báo cáo với phía nhà tài trợ. Cuối mỗi học kỳ, các em được nhắc nhở viết thư gửi cho người đỡ đầu báo cáo kết quả học tập, thăm hỏi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.