Tuy nhiên, cách lý giải khá trực diện trong bản diễn của Đoàn Thể nghiệm (Nhà hát Cải lương Việt Nam) khó tránh khỏi những băn khoăn cần cân nhắc.
Ai là cha đẻ của vua Lý Thái Tổ?
“Chúng tôi mong muốn đưa vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp” về biểu diễn ngay trên quê hương của bà Phạm Thị Ngà - tỉnh Bắc Ninh cũng như một vài tỉnh lân cận. Việc biểu diễn lưu động này gặp không ít khó khăn về cảnh trí - nhất là hình tượng gò Rồng Ấp được họa sĩ Doãn Bằng thiết kế kỳ công, cần một không gian sân khấu lớn thì mới đạt được hiệu quả cao nhất về mặt thẩm mỹ cũng như sự cộng hưởng trong quá trình sáng tạo với những chuyển động, khép mở, biến đổi liên tục để phù hợp với từng phân cảnh. Trong lần đầu công diễn tại rạp Đại Nam, vì sân khấu quá nhỏ, hình tượng ấy chiếm gần như gần hết không gian biểu diễn nên giảm bớt sự gợi mở để khán giả đồng sáng tạo. Vì vậy, khi đi diễn lưu động, chúng tôi sẽ phải tối giản về đạo cụ, trang trí để phục vụ nhân dân ở những không gian nhỏ hơn và phù hợp với các điều kiện khác nhau”, đạo diễn, TS.NSND Triệu Trung Kiên tâm huyết chia sẻ.
Cuối năm 2017, Đoàn Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) công diễn vở “Huyền thoại Thánh mẫu” (tác giả: Nguyễn Khoa Linh, chuyển thể cải lương: NSƯT Ngọc Chi, đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai), có lẽ là vở cải lương đầu tiên lấy hình tượng trung tâm là thân mẫu vua Lý Thái Tổ - bà Phạm Thị Ngà.
Sau 5 năm, hình tượng trung tâm này tiếp tục được Đoàn Thể nghiệm (Nhà hát Cải lương Việt Nam) tái hiện trong vở “Huyền thoại gò Rồng Ấp” (tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: TS.NSND Triệu Trung Kiên) để tiếp tục ngợi ca công sinh thành người con kiệt xuất mở ra vương triều nhà Lý gìn giữ, dựng xây nước Đại Cồ Việt thịnh vượng của Thánh mẫu Phạm Thị Ngà.
Vì cùng dựa vào những huyền tích dân gian lý giải về nguồn gốc của vua Lý Thái Tổ nên cả 2 vở diễn đều mang nhiều yếu tố kỳ ảo, nhất là với chi tiết bà Phạm Thị Ngà đã gặp gỡ thần linh ra sao và hạ sinh Lý Công Uẩn thế nào.
Chỉ có điều, “Huyền thoại Thánh mẫu” thì tập trung nhiều hơn vào khoảng thời gian một mình mẹ Ngà vượt qua muôn vàn khó khăn, từ định kiến khắc nghiệt của xã hội cũng như sự truy sát của quan quân đến những vất vả cháo rau sớm hôm để nuôi con khôn lớn.
Trong khi đó, “Huyền thoại gò Rồng Ấp” lại dành toàn bộ thời gian, của vở diễn để tập trung khai thác thời điểm bà Ngà thụ thai như thế nào cũng như việc bà chiến đấu với bọn tà đạo, thậm chí đã hy sinh cả mạng sống của mình ra sao để quyết bảo vệ sự sống cho con mình.
Ở vở diễn này có phân cảnh đáng chú ý khi tái hiện cảnh nam thanh nữ tú làng Diên Uẩn tham gia lễ hội Trò Trám (hay còn gọi là lễ hội linh tinh tình phộc) - một lễ hội dân gian đề cao tín ngưỡng phồn thực nõ - nường (hiện nay vẫn được thực hành ở Phú Thọ).
Đến giờ lễ hội tháo khoán có sự xuất hiện của cô Nhài - con gái ông Phú Hộ và sau đó là cô Ngà - người con gái mồ côi cha mẹ, đang là thủ hộ ở chùa Tiêu. Nếu như cô Nhài lẳng lơ theo chúng bạn thì cô Ngà cô độc vì thân phận côi cút, đành tạm ngả lưng ngơi nghỉ. Cùng lúc này thiền sư Vạn Hạnh đi ngang qua và ngài bay lên cao trong sương khói mờ ảo. Sau đêm ấy, cô Ngà thấy trong người có phần khác lạ…
Gắn liền với sự việc này, “Huyền thoại gò Rồng Ấp” còn xây dựng một nhân vật kỳ ảo trong giấc mơ - hình tượng Lý Công Uẩn lúc còn nhỏ hiện hữu gọi Phạm Thị Ngà là mẹ và gọi thiền sư Vạn Hạnh là cha với câu nói mơ hồ: “Con có là con của cha hay không thì mai này cha vẫn sẽ dạy dỗ con nên người để rồi làm nên nghiệp lớn!”.
Có thể thấy, nếu như từ vở cải lương “Huyền thoại Thánh mẫu” khán giả chưa thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Ai là cha của vua Lý Thái Tổ?” thì đến vở “Huyền thoại gò Rồng Ấp” khán giả có thể đưa ra đáp án từ những chi tiết mang đầy tính gợi mở của vở diễn.
Còn việc tán đồng hay không với cách lý giải này tùy theo quan điểm, cách tiếp cận vấn đề của mỗi người. Tuy nhiên, liệu rằng việc vận dụng một lễ hội dân gian đề cao tín ngưỡng phồn thực như lễ hội linh tinh tình phộc cùng lúc với việc cô Ngà gặp thần nhân và thụ thai có bị “vênh” và làm giảm đi sự tôn nghiêm của việc mong muốn lý giải về sự ra đời của Lý Công Uẩn là sự kết tinh của khí thiêng sông núi hay chưa?
Theo đạo diễn, TS.NSND Triệu Trung Kiên – Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, trong vở diễn “Huyền thoại gò Rồng Ấp” có một vấn đề không ít người thắc mắc: Thiền sư Vạn Hạnh có phải là cha của Lý Công Uẩn hay không? Vở diễn không trực tiếp nói thiền sư Vạn Hạnh là cha của đứa bé, nhưng lại khắc họa rõ nét hình ảnh nhà sư gặp Thị Ngà ở lễ hội linh tinh tình phộc…
“Cô Ngà đến lễ trong một tâm thức khác - như một người phụ nữ cô đơn, cô lẻ khao khát hạnh phúc. Khi nhìn trai gái yêu nhau, cô tủi thân cho phận mình. Vô tình nhà sư Vạn Hạnh đi qua, đất trời xui khiến 2 con người đó gặp nhau. Thiền sư Vạn Hạnh bay lên như là một sự sai phái của thế lực siêu nhiên đó là linh khí của đất trời. Vì thế, bà Phạm Thị Ngà và thiền sư Vạn Hạnh là những nhân tố tạo nên Lý Công Uẩn”, đạo diễn, TS.NSND Triệu Trung Kiên nói.
Tin tưởng nghệ sĩ trẻ
Hình tượng Lý Công Uẩn lúc nhỏ gặp gỡ thiền sư Vạn Hạnh trong vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp”. Ảnh: Bình Thanh. |
Bên cạnh việc vén màn huyền tích ấy, vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp” còn tập trung xây dựng tuyến nhân vật đối lập mà đại diện là gia đình nhà Phú Hộ độc ác, mang âm mưu tìm cách thay đổi thiên mệnh, đoạt lại vận thiên tử.
Tuy là tuyến thứ chính nhưng bằng việc có nhiều lớp diễn (có phần lấn át cả tuyến chính) và cài đặt các chi tiết thể hiện những thói hiểm ác, đạp bằng và bất chấp mọi thứ để có thể đạt tới tham vọng, song cuối cùng phải chịu quả báo hoặc như hủ tục trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”… dễ liên hệ với thời nay nên dễ dàng được khán giả tán thưởng, hả hê.
Đó là một Thị Nhài không chỉ lẳng lơ mà còn gian ngoa. Đó là vợ chồng Phú Hộ bị cuốn vào huyền tích mả táng hàm rồng – truyền rằng đây là nơi phát mệnh đế vương có mả táng gia tiên họ Phạm, để rồi dùng mọi thủ đoạn để xoay chuyển quy luật tự nhiên, dám táng trộm mồ mả cha mẹ vào gò Rồng Ấp, truy sát mẹ con Thị Ngà và bất chấp cả việc cả dòng họ đổi sang họ Lý để tranh đoạt vận thiên tử.
Ngoài ra, trong “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, đạo diễn đưa ra khá nhiều mảng trò gần gũi, quen thuộc. Trong đó có thể kể đến những lớp diễn khi thì phảng phất hương vị chèo cổ như nhân vật Thị Nhài mang dáng dấp của Thị Màu trong vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”; khi thì khiến khán giả gợi nhớ đến câu chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” của Andersen lúc bà Phú Hộ - Hồng Đào đóng giả mụ già tìm đến tận rừng sâu đưa táo tẩm độc mồi chài Thị Ngà ăn, hòng hại chết hai mẹ con vì mụ cho rằng con gái mụ sinh con không ra con, hóa điên thì Thị Ngà cũng phải gánh chịu như thế…
Thiền sư Vạn Hạnh bay lên cao gặp Thị Ngà trong giây phút tháo khoán của lễ hội linh tinh tình phộc trong vở cải lương 'Huyền thoại gò Rồng Ấp'. Ảnh: Bình Thanh. |
Riêng với trò diễn thiền sư Vạn Hạnh bay lên cao khi đi qua và gặp Thị Ngà ở lễ hội linh tinh tình phộc dù ban đầu đem lại cho khán giả những ồ, à nhất định nhưng có lẽ diễn viên không dễ để diễn xuất lơ lửng trên cao cùng một sợi dây buộc ngang lưng lộ rõ.
Trò diễn này vốn đã được sử dụng trong một số vở cải lương như “Cây gậy thần”, “Thượng thiên Thánh Mẫu”, “Truyền tích Nàng Thơm” nên không có gì mới lạ, thiếu đi sự duyên dáng, ý nhị và trở nên bị gượng ép, không tạo được hiệu ứng cần thiết.
Vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp” chỉ có một gương mặt quen thuộc là NSƯT Quang Khải (vai thiền sư Vạn Hạnh) còn lại phần lớn là gương mặt mới như: Minh Nguyệt (vai Phạm Thị Ngà), Ngọc Linh (vai Thị Nhài), Tuấn Thịnh (vai cậu ấm Hồng Tâm), Việt Anh (vai thiền sư Khánh Văn), Thiên Kiều (vai bà Phú Hộ - Hồng Đào), Lệ Hằng (vai bà cố).
Có thể thấy, đây là một quyết định mạnh dạn và khá mạo hiểm của Nhà hát Cải lương Việt Nam, song đã đem lại cho nghệ sĩ trẻ cơ hội được cọ xát, thể hiện khả năng của bản thân.
Những nghệ sĩ ấy tuy chưa có nhiều kinh nghiệm sân khấu, ca hát chưa thật sự mùi mẫn, diễn xuất còn có phần kém tự nhiên nhưng họ vẫn mang đến một luồng gió mới cùng niềm hy vọng về một thế hệ kế cận tiếp tục yêu nghề, say nghề, gắn bó với kịch hát dân tộc giữa thời buổi mấy ai còn quan tâm đến cải lương?
Điển hình như diễn viên Minh Nguyệt có gương mặt của một đào thương cùng giọng hát ngọt nhưng còn cần trau dồi nhiều hơn nữa về kỹ năng diễn xuất; diễn viên Ngọc Linh có lối diễn xuất khá tự nhiên của một đào lẳng nhưng cần tập luyện về ca hát; diễn viên Việt Anh có dáng vẻ là một kép chính nhưng diễn xuất cần cải thiện nhiều hơn nữa…
Vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp” đã được công diễn tại Hà Nội và Long An (tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2022). Được biết, vở diễn sẽ tiếp tục được công diễn đến khán giả vào dịp đón năm mới 2023 và lễ hội du xuân.