Cải lương tái hiện vụ án Lệ Chi Viên

GD&TĐ - Dù 5 thế kỉ đã trôi qua, nhưng vụ án Lệ Chi Viên vẫn còn đau đáu nỗi oan Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ.

Hình ảnh chiếc chiếu xuất hiện xuyên suốt vở cải lương.
Hình ảnh chiếc chiếu xuất hiện xuyên suốt vở cải lương.

Vở cải lương “Bên ánh sao Khuê” của Nhà hát Cải lương Trung ương tái hiện vụ án tày đình ấy, giải oan cho người thiếp yêu của Nguyễn Trãi là bà Nguyễn Thị Lộ.

Duyên tình lấp lánh

“Bên ánh sao Khuê” thu hút đông đảo khán giả Thủ đô đến Nhà hát Lớn Hà Nội với sân khấu lộng lẫy, đúng nghĩa cải lương. Trước đó, khán giả một số tỉnh, thành cũng may mắn thưởng thức vở cải lương đặc sắc này để lan tỏa một câu chuyện lịch sử còn nhiều bí ẩn.

“Bên ánh sao Khuê” (kịch bản Nguyễn Văn Thịnh, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn). Đúng như tên gọi của vở diễn, nếu như dân gian thường ví Nguyễn Trãi như vì sao Khuê, thì bên cạnh ông - người thiếp yêu là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cũng tỏa sáng không kém.

Theo Nhà hát Cải lương Trung ương, vẻ đẹp của bà Nguyễn Thị Lộ là sự lấp lánh về tài năng, trí tuệ, nhân cách và trái tim ấm áp vị tha. Một vở diễn hoàn toàn lấy Nguyễn Thị Lộ làm tâm điểm, dù bà chỉ là “nhân vật phụ” trong trang sử cuộc đời đầy bi tráng của danh nhân Nguyễn Trãi.

Trước đây, từng có rất nhiều vở diễn từ kịch đến cải lương, chèo, dân ca… nhắc đến nhân vật Nguyễn Thị Lộ. Tuy nhiên, gần như chưa có một kịch bản nào lột tả đầy đủ và trọn vẹn về tài năng, nhân cách của bà như “Bên ánh sao Khuê” đã và đang tái hiện.

Vở cải lương mở ra không gian với những cô gái gánh chiếu đi bán. Để rồi từ đó những đối đáp bằng thơ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được bắt đầu – khởi đầu một mối duyên tình đầy lãng mạn nhưng cũng không kém chất hàn lâm kinh viện.

Nguyễn Trãi (NSƯT Trọng Hùng) hỏi: “Ả ở đâu ta bán chiếu gon/ Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/ Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi/ Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Đáp lại, Nguyễn Thị Lộ (nghệ sĩ Thùy Dung) cũng làm thơ: “Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Can chi ông hỏi hết hay còn?/ Xuân thu phỏng độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có, có chi con!”.

Bài thơ được hát đi hát lại nhiều lần, khi họ gặp nhau lần đầu, lúc tâm tình dưới ánh trăng để nhớ lại những năm tháng cũ. Cũng có khi bài thơ vang lên khi hai người tạm chia xa, như một nốt trầm nhung nhớ. Bài thơ đối đáp nhân duyên ấy, khiến công chúng hình dung thêm những khoảnh khắc đẹp mà ngay cả vở cải lương cũng không chuyển tải hết.

“Bên ánh sao Khuê” tái hiện một Nguyễn Thị Lộ vừa tài năng khiêm tốn, lại sang trọng đằm thắm và gần gũi thủy chung đến mức cao thượng. Tất cả các lớp diễn trong vở diễn tả cách hoàn hảo về một con người tài hoa kiêu hãnh, nhưng lại phải nhận những oan khiên đau đớn. 

“Bên ánh sao Khuê” đưa ra một góc nhìn khác về oan khuất của nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

“Bên ánh sao Khuê” đưa ra một góc nhìn khác về oan khuất của nữ học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Chiếc chiếu cuộn lại oan khiên

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Thị Lộ bị buộc tội giết vua Lê Thái Tông ở Lệ Chi Viên, khiến vua đột ngột băng hà. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú viết: “Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua”. Tuy nhiên, vụ án không rõ ràng nên hậu thế sáng tạo nhiều giai thoại liên quan.

Theo đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, chọn Nguyễn Thị Lộ là nhân vật trung tâm bởi Nguyễn Trãi đã là một ngôi sao Khuê, thì bà Nguyễn Thị Lộ cũng lấp lánh chẳng kém người chồng.

Khán giả cũng hiểu thêm lịch sử qua những việc mà bà Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi cùng nhau thực hiện, như nhạc lễ cho triều đình. Khi có kẻ đòi đưa nhạc vui, nhạc Trung Hoa về làm nhạc lễ triều Lê, thì ông bà cùng từ chối để những thanh âm của đất nước được cất lên.

Ngoài việc khắc họa rõ nét nhân vật lịch sử, tác giả kịch bản và đạo diễn cũng xây dựng một giả thiết mới về vụ án Lệ Chi Viên. Nếu như nhiều vở diễn khác khai thác giả thuyết vua Lê Thái Tông “ép” Thị Lộ quan hệ tình ái tại Lệ Chi Viên. Sau đó vua đột tử, dẫn đến nỗi oan khiên cho gia tộc Nguyễn Trãi.

“Bên ánh sao Khuê” tái hiện Lệ Chi Viên theo mạch kể nhân văn, tạo cho khán giả sự ngạc nhiên thích thú và logic với tính cách diễn biến của câu chuyện.

Khi những cuộc vui do thái giám Lương Đăng bày ra để mua vui cho vua, bà Nguyễn Thị Lộ là người duy nhất có thể can gián để Lê Thái Tông giữ trọn đạo quân vương. Quan hệ giữa bà với hoàng hậu đương triều cũng cho thấy bà không màng danh lợi, chẳng sợ quyền uy.

Những lời nhiếc móc của hoàng hậu với bà Nguyễn Thị Lộ về việc không có con giúp hình dung về một nữ học sĩ trung nghĩa: “Dù không thể yêu con mình, nhưng ta trọn nghĩa với con dân”.

Ở Lệ Chi Viên, vua Lê Thái Tông quỳ xuống nhận lỗi với bà - cũng là người thầy dạy dỗ mình nhiều điều, rồi qua đời. Không có ý đồ giết vua, cũng không có một chút mưu trá đen tối, chỉ có những âm mưu từ những kẻ gian trá trong triều, mà vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ là nạn nhân.

Một trong những hình ảnh chủ đạo xuyên suốt vở diễn chính là hình chiếc chiếu gon – một tín vật khi đôi trai tài Nguyễn Trãi và gái sắc Nguyễn Thị Lộ gặp nhau. Để rồi chiếc chiếu ấy xuất hiện trong Lệ Chi Viên thơ mộng.

Chiếu cũng là “nhân chứng” khi gia tộc Nguyễn Trãi bị án tru di. Cuối cùng, chiếu cũng phủ cuộn những thân xác oan uổng và để mở ra những gương mặt hắc ám quyền lực.

Bỏ đi những rườm rà trong không gian sân khấu, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai dùng một chút dải lụa và một vài bậc thềm để tăng điểm nhấn. Không kéo rèm, không đổi bục, cách chuyển cảnh từ khu chợ tới hoàng cung hay Lệ Chi Viên được thay bằng nghệ thuật thị giác ánh sáng… khiến câu chuyện liền mạch, không còn cảm giác “diễn”.

“Bên ánh sao Khuê” được đánh giá là vở diễn hấp dẫn, sau thành công của các vở cải lương: Vua Thánh triều Lê, Trọn nghĩa non sông… Nhưng trên hết, tái hiện một câu chuyện lịch sử cách ngày nay đã 5 thế kỉ, vở cải lương đem đến cho công chúng một góc nhìn khác – về quan niệm nhân sinh, về những bất trắc của người trung nghĩa giữa thời “chỗ triều đình gỗ mục làm quan, nơi cung cấm cầm thú ăn lộc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.