“Tiếp sức mùa thi” bước qua tuổi 20

GD&TĐ - Trải qua hơn hai thập kỷ, “Tiếp sức mùa thi” đã mang lại được những giá trị to lớn cho xã hội qua những câu chuyện lan tỏa đầy nhân văn, giàu tình tương thân tương ái. Từ đó, chương trình đã xây dựng lực lượng

Anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường nhận sự động viên của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội SVVN khi tham gia Tiếp sức mùa thi.
Anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường nhận sự động viên của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội SVVN khi tham gia Tiếp sức mùa thi.

Thêm nhiều đứa con phương xa

Với nhân duyên đặc biệt, anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường - Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM “gặp gỡ” Tiếp sức mùa thi vào năm học lớp 11. Từ “buổi đầu quen biết ấy”, anh ấn tượng và quyết định lựa chọn chương trình để tô vẽ cho bức tranh thanh xuân của mình.

Anh Trường tham gia Tiếp sức mùa thi từ năm 2012. Anh từng là Đội trưởng sinh viên tình nguyện tại ngã tư Thủ Đức và tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho đến nay. Anh cũng là một trong những sinh viên tình nguyện tiêu biểu từ nhiều năm trước của chương trình và hiện tại vẫn là một tình nguyện viên tích cực.

Anh Trường cho biết, trước năm 2014, khoảng thời gian diễn ra kỳ thi đại học, cao đẳng, điểm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - đầu mối giao thông ngã tư Thủ Đức được xem là “điểm nóng” với nạn cướp giật, cò mồi nhà trọ, cò luyện thi...

Giai đoạn ấy, cùng với Bến xe Miền Đông, ngã tư Thủ Đức cũng là điểm nóng của Tiếp sức mùa thi bởi lượng thí sinh và người nhà đổ về cực kỳ lớn. Do đó, công tác hướng dẫn thí sinh, giới thiệu chỗ trọ, hướng dẫn ăn ở, sinh hoạt và nhiều vấn đề liên quan khác cho thí sinh và người nhà luôn phải khẩn trương, hiệu quả. Đội sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã vẽ bản đồ khu vực để thuận lợi trong quá trình hướng dẫn thí sinh. Tất cả các khâu đều được phân chia cụ thể cho từng tình nguyện viên. Mọi người đều có ý thức trách nhiệm cao nhất  bảo đảm hiệu quả trong tiếp sức.

Anh Trường gọi Tiếp sức mùa thi là một kỷ niệm tuyệt đẹp và đáng tự hào. Nơi mà ký ức về thời thanh xuân sôi nổi, được học tập, rèn luyện và cống hiến để trưởng thành mỗi ngày. Nơi cho anh những người anh, người chị, người bạn từ chương trình, mà đến nay, họ vẫn là những người bạn thân thiết như anh em một nhà. Họ gọi đấy là “ngôi nhà tiếp sức mùa thi”.

Đội hình Tiếp sức mùa thi Bến xe Miền Đông, nơi là “điểm nóng” mỗi mùa thi.
Đội hình Tiếp sức mùa thi Bến xe Miền Đông, nơi là “điểm nóng” mỗi mùa thi.

“Tiếp sức mùa thi là môi trường mà ở đó các bạn sinh viên học tập, rèn luyện nhiều kỹ năng. Đặc biệt, các bạn được thổi bùng nhiệt huyết, phát triển phẩm chất tốt đẹp của thế hệ thanh niên sống hết mình và sẵn sàng lăn xả, cống hiến. Từ đó, thế hệ này tiếp nối thế hệ sau, tinh thần, nhiệt huyết ấy được truyền tải, nuôi dưỡng, làm nên một thế hệ thanh niên tràn đầy năng lượng”, anh Trường nói.

Ngoài những tình nguyện viên, câu chuyện của những người dân Sài thành nhường cơm sẻ áo, thu xếp chỗ ở cho thí sinh cũng khiến mùa thi thêm ý nghĩa.

Suốt 16 năm, cô Đỗ Thị Thu (Bà Hom, Quận 6) tất bật dọn dẹp chỗ ở của mình để đón các sĩ tử nghèo về thành phố mỗi dịp thi đại học. Ký ức của cô Thu về những cô cậu học trò hồn nhiên, chân chất, dễ thương lại tăng lên và trở thành một phần không thể nào quên trong cuộc đời.

Cô Thu kể, những sĩ tử năm xưa, thỉnh thoảng vẫn viết thư cho gia đình cô, rồi khi có dịp đến TPHCM, đều dành thời gian đến tận nơi thăm. “Lúc giúp đỡ các cháu có chỗ ăn, chỗ ở tạm thời mấy ngày đi thi, tôi cũng không mong nhận lại được sự quan tâm. Nhưng sau này mới thấy các cháu dành cho tôi nhiều tình cảm xúc động. Có đứa thành đạt, khởi nghiệp, dựng vợ gả chồng cũng đều báo tin cho tôi biết. Cứ vậy, tôi lại có nhiều đứa con phương xa, quý lắm!”, cô Thu kể.

Không chỉ vậy, cô Thu còn vận động cả bà con trong khu phố cùng chia sẻ khó khăn với sĩ tử nghèo và người nhà mỗi đợt mùa thi về. Có người giúp chỗ ở, người giúp bánh mỳ ăn sáng, người gửi rau củ quả để cô nấu bữa cơm cho thí sinh. Rồi nhiều người phụ tiền, sách vở, mỗi người một tay cùng nhau giúp các em có mùa thi thuận lợi và tràn đầy tình thương ấm áp. Tình thương nối tiếp tình thương, nghĩa cử cao đẹp ngày càng phát triển và lan rộng, ngày càng nhiều người cùng với cô tham gia hỗ trợ thí sinh. Tình cảm đó cũng là động lực để các em cố gắng hơn trong mùa thi, rồi phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội.

Tấm lòng thơm thảo của cô Thu còn nối dài khi các bạn thí sinh đã đỗ vào đại học. Nhiều sinh viên sư phạm đi thực tập không có đủ tiền may áo dài, cô đứng ra vận động từ Hội Phụ nữ, đo sửa lại cho phù hợp rồi tặng cho từng bạn.

Mỗi lần kể về đoạn đường đi cùng thí sinh nghèo, cô Thu luôn dạt dào cảm xúc và yêu thương. “Nếu ngày đó tôi không giúp đỡ nhiều cháu, thì nay tôi không có nhiều đứa con ở xa, không có một khoảng ký ức đầy tình cảm, tự hào như thế”.

Cô Đỗ Thị Thu (Bà Hom, Quận 6) cùng các thí sinh tham gia kỳ thi đại học năm xưa.
Cô Đỗ Thị Thu (Bà Hom, Quận 6) cùng các thí sinh tham gia kỳ thi đại học năm xưa.

Tài sản lớn nhất là hành trình tiếp sức

Ông Thạch Ngọc Khanh và bà Võ Thị Nguyệt từng là thành viên Đội xe ôm Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông. Ông cùng vợ mình đã chở thí sinh miễn phí suốt 8 năm tại bến xe này.

Nói về lý do tham gia hoạt động chở thí sinh và người nhà miễn phí, ông Khanh chia sẻ, nhờ việc làm đầy nhiệt tình, trách nhiệm của sinh viên tình nguyện ở bến xe, chính ý chí vượt khó của các sĩ tử đã lay động và thúc giục ông phải làm được việc nghĩa. “Mình kiếm tiền quanh năm, giúp đỡ mấy cháu học trò chỉ vài ngày hay một tháng thì chú không nề hà”, ông Khanh nói.

Và cũng vì thế mà nhiều năm, nơi trọ của ông Khanh, bà Nguyệt ở góc tường Bến xe Miền Đông đã trở thành “đại bản doanh”, điểm tập kết của các thế hệ sinh viên tình nguyện. Các bạn đã xem đây là “mái nhà” của đội sinh viên tình nguyện Bến xe Miền Đông. Họ gọi ông Khanh là bố, bà Nguyệt là má.

Cứ thế, mái nhà này cộng thêm nhiều đứa con mỗi năm. Ông Khanh, bà Nguyệt vẫn nhớ hết những “đứa con” của mình. Họ luôn dành thời gian lắng nghe câu chuyện của từng người, chia sẻ, thương yêu từng đứa con như ruột như thịt. Ngược xuôi cuộc đời, thỉnh thoảng những đứa con thay phiên nhau về thăm ông Khanh, bà Nguyệt. Bởi thế, khi nhắc về “Tiếp sức mùa thi”, ông bà lại hào hứng kể về những chúng với đôi mắt ánh lên đầy tự hào: “Tài sản lớn nhất của tôi đó”.

Hàng năm, cứ mùa thi đến, vợ chồng ông Khanh lại đăng ký chở thí sinh miễn phí. Vài năm gần đây, thí sinh không còn tập trung về thành phố dự thi nữa, ông Khanh cũng dừng việc chạy xe ôm, phần cũng vì lớn tuổi, sức khỏe đã kém dần. Ông bà quyết định mở một quán nước nhỏ, lấy tên là quán Sinh Viên. Cái tên mang niềm tự hào của ông bà, của tấm lòng thơm thảo tỏa hương giữa lòng Sài Gòn tấp nập.

20 năm Tiếp sức mùa thi được nhân rộng toàn quốc, cũng là khoảng thời gian đủ lớn để khẳng định giá trị nhân văn của chương trình. Đó là những câu chuyện thầm lặng của cô bác chủ nhà, của chú xe ôm, của màu áo xanh sinh viên nhiệt huyết. Đó cũng là các nhà hảo tâm hỗ trợ tờ bản đồ, cuốn cẩm nang, từ cây bút, thước kẻ, đến hộp cơm, ổ bánh mỳ hay chai nước suối...

Bên cạnh đó là những câu chuyện về sự nhiệt tình, hăng hái, tinh thần nhiệt huyết giúp đỡ lẫn nhau của bao thế hệ sinh viên. Cứ thế lớp sau kế thừa lớp trước, cùng bắt tay hỗ trợ thí sinh từ các tỉnh về thành phố dự thi.

“Thương người như thể thương thân” các thế hệ “Tiếp sức mùa thi” luôn luôn yêu thương, lắng nghe và giúp đỡ các sĩ tử vào thời khắc đặc biệt quan trọng của cuộc đời. Có lẽ trên con đường vinh quang của các thí sinh, một phần nào đó là bước chân của các thế hệ sinh viên tình nguyện đi cùng. Để rồi khẩu hiệu “hãy tự tin chúng tôi đi cùng bạn” đã trở thành dấu ấn của mùa thi.

20 năm thay đổi cùng với nhịp phát triển của thời đại, phương thức tổ chức thi đại học dần thay đổi từ thi tuyển sinh riêng từng trường, đến kỳ thi 3 chung và hiện là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sự thay đổi đó, ít nhiều bắt nguồn từ những hình ảnh mùa thi với cả xã hội cùng vận động với thí sinh, những áp lực thi cử, những bất cập và nỗi lo thường trực của thí sinh và người nhà với vấn đề ăn ở, đi lại, sinh hoạt... trong thời gian đến các thành phố lớn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều tỉnh thành phía Bắc thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: INT

Những siêu bão năm Giáp Thìn

GD&TĐ - Nhìn vào lịch sử những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng, thật là trùng hợp khi chúng đang lặp lại theo chu kỳ 60 năm.

10 ngày phản công Kursk

10 ngày phản công Kursk

GD&TĐ - Sau gần 10 ngày phản công ở Kursk, quân Nga đã giành lại nhiều làng mạc và thị trấn, bản đồ khu vực kiểm soát của Ukraine đã bị thu hẹp đáng kể.