Tiếp nhận văn học qua đề thi môn Ngữ văn

GD&TĐ - Môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được soạn thảo theo đúng cấu trúc của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh: Quốc Ngữ

Cụ thể, phần Đọc hiểu trích một đoạn văn trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, phần Làm văn lấy ngữ liệu trong đoạn trích “Đất nước” (thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Bàn về một đề văn thông thường người ta thường quan tâm tới việc có bảo đảm kiến thức cơ bản hay không? Phù hợp với năng lực phổ quát của học sinh hay không? Lựa chọn tác phẩm tiêu biểu trong chương trình? Đánh đố học sinh không và quan trọng là có tạo được hứng thú cho học sinh viết bài văn hay không?...

Ngoài những lý do trên, tôi quan tâm một lý do khác nghiêng về góc nhìn của người tiếp nhận văn bản, một vấn đề đáng lưu tâm từ góc độ lý luận văn học. Tiếp nhận văn học có nhiều trường hợp xảy ra trong đó có ba trường hợp tiêu biểu:

Thứ nhất, ý tưởng của tác giả trùng hợp với cách hiểu của người tiếp nhận văn bản (độc giả). Thứ hai, ý tưởng của tác giả nhỏ hơn về phạm vi ý nghĩa đối với người tiếp nhận văn bản; Thứ ba, ý tưởng của tác giả lớn hơn về phạm vi ý nghĩa đối với người tiếp nhận văn bản.

Và tôi thực sự thú vị khi đọc được trên trang vanvn.vn và trên báo Hải Dương những bài viết liên quan tới hai tác giả và hai tác phẩm được đưa vào đề thi môn Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trước hết, tôi quan tâm phần Đọc hiểu văn bản cũng là câu thứ nhất trong đề văn, trích một đoạn văn trong “Dòng sông và những thế hệ của nước” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Khi báo Hải Dương phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

- Phần văn bản đọc hiểu đó được nhiều giáo viên Ngữ văn đánh giá đậm triết lý về sự kế thừa của các thế hệ văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo ra các tác phẩm. Nhà thơ đánh giá như thế nào về nhận định đó?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Sự cảm nhận của các giáo viên đồng nhất với ý tưởng của tôi trong tiểu luận đó.

- Với tư cách là tác giả đoạn trích, để đạt điểm tối đa (3 điểm) trong phần thi này, các em học sinh cần làm rõ những nội dung gì?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Các em chỉ cần xác lập tính biểu tượng: Dòng sông, các thế hệ nước mà tác giả đưa ra. Nói về tính kế thừa trong nghệ thuật cũng như trong dòng chảy của đời sống. Chỉ đơn giản vậy thôi vì tôi cũng viết tiểu luận này với suy nghĩ đơn giản như vậy. Tôi chọn nước vì sự không tách rời và khả năng hòa đồng của nước.

Quan điểm của nhà văn cho rằng chỉ giản dị vậy thôi, chỉ cần bấy nhiêu ý thôi chứ không cần cầu kỳ. Như vậy, đây sẽ là trường hợp thứ nhất của tiếp nhận văn học: Ý tưởng của tác giả tương đồng và trùng hợp với tiếp nhận văn bản của độc giả.

Còn phần Làm văn, sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, trên báo Tuổi trẻ online, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những chia sẻ. Nhà thơ nói rằng sẽ không bình luận gì về chuyện bài thơ được đưa vào đề thi năm nay. Theo ông, mỗi người, đặc biệt là người trẻ sẽ có một cảm nhận, một tình yêu cá nhân dành cho “Đất nước” riêng.

Nhà thơ rất tôn trọng cảm nhận riêng của mỗi người tức là cứ để cho mỗi người tự cảm nhận về đoạn thơ. Bởi vậy, với thơ thì sự tiếp nhận thực sự đa dạng, điều đó còn phụ thuộc vào tâm lý lứa tuổi, sở thích, kinh nghiệm sống... của mỗi người.

Còn nhớ trước đây đã có người từng phỏng vấn Chính Hữu - tác giả của bài thơ “Đồng chí” về câu thơ cuối bài có hình ảnh “Đầu súng trăng treo”; Chính Hữu đã nói đại ý rằng khi sáng tác câu thơ này ông hoàn toàn xuất phát từ hiện thực và câu thơ này có giá trị hiện thực khi mô tả hình ảnh người lính đêm đêm đứng canh gác trên những ngọn núi cao, nếu nhìn từ xa thì đỉnh núi như tiếp giáp với bầu trời và hình ảnh trăng treo đầu súng là một hình ảnh hoàn toàn có thực theo quan sát của tác giả.

Đó chính là trường hợp ý tưởng của tác giả hẹp hơn so với tiếp nhận văn bản của độc giả bởi phần lớn các nhà trường hiện nay vẫn giảng dạy cho học sinh câu thơ Đầu súng trăng treo vừa có ý nghĩa tả thực vừa có giá trị tượng trưng hiện thực và lãng mạn kết hợp, đan xen. Câu thơ vừa miêu tả hiện thực gian khó nơi chiến trường vừa thể hiện khát vọng hòa bình, khát vọng về ngày đất nước độc lập, tự do, vì những đêm trăng thanh bình cho cả dân tộc và nhân loại.

Trở lại đề văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, hai ý kiến phát biểu của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm đều khiến tôi vô cùng tâm đắc. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu chính kiến điều đó phù hợp với một đề văn nghị luận xã hội. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu ý tôn trọng sự tiếp nhận của mọi người điều này cũng thuộc về bản chất của nghị luận văn học; khi tiếp nhận một tác phẩm thơ người ta có thể có nhiều cách hiểu và đánh giá khác nhau.

Việc ra đề thi nói chung và môn Ngữ văn nói riêng chính là công việc “làm dâu trăm họ”. “Họ nhà toán”, họ “nhà các môn khoa học tự nhiên” nhiều khi dễ tính hơn và có đáp án rõ ràng hơn. “Họ nhà văn” thì khó tính hơn, vì vậy đề thi năm nay được khá nhiều người tâm đắc. Về cơ bản, người ta tâm đắc vì đề đúng cấu trúc, trích dẫn cả thơ và văn xuôi, chọn lọc được những ngữ liệu mang tính tiêu biểu nổi bật của các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam.

Với tôi, ngoài những lý do trên tôi yêu thích đề thi này và những vấn đề liên quan. Ngoài ra, hiện nay sự quan tâm của toàn xã hội đến với nhà trường ngày càng nhiều hơn. Một đề văn hoặc đề thi của bộ môn khác trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT thường được cả xã hội quan tâm và bàn luận. Đó cũng là dấu hiệu tốt cho thấy rằng giáo dục là quốc sách hàng đầu, sự học vẫn còn là mối quan tâm sâu rộng của cả xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ