Đôi điều về thơ trữ tình
Thơ trữ tình là sự thể hiện sâu sắc tâm trạng, là tiếng vọng của tâm hồn, là người thư kí trung thành của trái tim. Mặt khác, trên trang giấy, trang in, thơ có nhiều khoảng trắng, khoảng trống hơn trang văn xuôi. Hình thức này mang nhiều ý nghĩa.
Đó trước hết là những khoảng trắng đậm chất thơ, nơi chất thơ lan tỏa. Hơn thế, nó còn có ý nghĩa: thơ là văn bản không liên tục, thơ có nhiều chữ lặng - cái lặng tràn ngập cảm xúc và tư duy.
Thơ là sự trùng điệp, là một “kiến trúc đầy âm vang”. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa: Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này.
Định nghĩa mang tính hình thức này giúp người ta nhận diện được thể loại thơ và văn bản là điểm xuất phát mọi nghiên cứu về thơ. Kiểu tổ chức hình thức của thơ trữ tình là sự lựa chọn hình thức tuyệt đối phù hợp, giúp thơ trữ tình bộc lộ tốt nhất dưới dạng trực tiếp những xúc cảm, cảm nhận của nhân vật trữ tình trước mọi hiện tượng của đời sống, đặc biệt là những xúc cảm nồng cháy ở giai đoạn cao trào - những xúc cảm mà cách biểu đạt bình thường của văn xuôi không thể đáp ứng được.
Đến với thơ trữ tình, người đọc có một tâm thế tiếp nhận đặc biệt: xem tiếng nói trữ tình trong thơ cũng là tiếng nói trữ tình của mình. Khi sự đồng nhất giữa nhân vật trữ tình và người đọc thơ đã được thực hiện thì ý nghĩa của chúng không còn bị đóng khuôn trong những hình thái cá biệt, cụ thể nữa.
Đó chính là sự lạ lùng trong hoạt động tiếp nhận thơ trữ tình để có hành trình từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả. Bởi “thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại. Đó là cây cầu nối, dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này”.
Kết cấu thơ trữ tình
Kết cấu là một phạm trù phổ quát cả trong đời sống lẫn trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong các ngành xây dựng, kiến trúc, điêu khắc, hội họa..., vai trò kết cấu càng nổi bật. Không một sự vật nào tồn tại mà không có kết cấu, sự tồn tại của bản thân sự vật khẳng định sự tồn tại kết cấu của nó.
Trong văn học, kết cấu là thuật ngữ chỉ sự sắp xếp phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật, tức là sự cấu tạo tác phẩm tùy theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố của hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng.
Các qui luật của kết cấu là kết quả của nhận thức thẩm mĩ, phản ánh những liên hệ bề sâu của thực tại. Kết cấu có tính nội dung độc lập. Kết cấu khiến tác phẩm trở nên mạch lạc. Sự sáng rõ và hoàn chỉnh của kết cấu là đặc biệt quan trọng đối với những tác phẩm được tiếp nhận một lần (kịch, truyện ngắn, thơ...).
Ở tác phẩm thơ, nhất là thơ trữ tình, kết cấu còn bộc lộ ở tính cân đối của các đơn vị: ngữ điệu, cú pháp, nhịp điệu. Phạm vi của kết cấu còn bao gồm cả sự tương ứng giữa các bình diện khác nhau (các khía cạnh, các tầng nấc, các cấp độ) của hình thức văn học mà nhờ đó tạo ra được hệ thống, các mô típ đặc trưng cho từng tác phẩm, từng nhà văn, từng thể tài, từng khuynh hướng văn học.
Mặt quan trọng nhất của kết cấu là trình tự của việc đưa cái được miêu tả vào trong văn bản phải khiến cho nội dung nghệ thuật luôn được khai triển. Nếu trước khi văn bản chấm dứt mà hàm nghĩa đã cạn kiệt hoặc hàm nghĩa còn chưa được bộc lộ thì đó là thiếu sót của kết cấu. Ở các tác phẩm cỡ nhỏ (thơ trữ tình), kết thúc bao giờ cũng đột ngột, bất ngờ làm thay đổi, thậm chí lật trái ý nghĩa của những điều đã nói trước đó”. (Từ điển văn học, Bộ mới, trang 716, NXB Thế giới, 2004).
Tiếp nhận văn bản thơ trữ tình từ bình diện kết cấu, người đọc sẽ bắt gặp những “bất ngờ” chỉ có trong tư duy nghệ thuật. Từ một số bài thơ trữ tình cụ thể, ta sẽ thấy được những điều thú vị này.
Những bất ngờ khi tiếp nhận thơ trữ tình từ bình diện kết cấu
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, từng có một bài ca dao quen thuộc:
Trời mưa, trời gió
Vác đó đi đơm
Chạy về ăn cơm
Chạy ra mất đó
Kể từ ngày mất đó đó ơi
Đó không qua lại một lời cho đây hay.
Bốn câu đầu của bài ca như khúc hát đồng dao hồn nhiên, tự nhiên, không có một ý tứ nào được “cài đặt”, chỉ thuật lại một sự việc: Mất đó - mất phương tiện đánh bắt cá của nhân vật trữ tình.
Bỗng nhiên, từ thể thơ bốn chữ, bài ca dao chuyển sang thể lục bát biến thể với âm điệu trầm buồn, day dứt. Nhờ một mối liên tưởng bất ngờ như một sự tình cờ, ngẫu nhiên mà tạo nên một sự kết nối lạ lùng giữa những chi tiết mang tính chất khác biệt nhất.
Sự chuyển loại danh từ (cái đó) sang đại từ (người đó) không phải với chủ đích dùng nghệ thuật chơi chữ thường gặp, mà đó là khoảnh khắc một vùng đau thường trực trong tâm hồn chàng trai đã bị tổn thương, rỉ máu.
Bi kịch tình yêu tan vỡ khiến cho tâm hồn chàng trai căng như một sợi dây đàn, chỉ một va chạm nhỏ cũng rung lên thành âm thanh, giai điệu: buồn thương, day dứt, trách móc, thở than, đợi chờ trong vô vọng... Tiếng lòng của chàng trai vượt ra khỏi câu chữ, đi kiếm tìm, gặp gỡ biết bao tri âm, tri kỉ trên cõi đời này.
Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, Nguyễn Khuyến là nhà thơ viết hay nhất về đề tài tình bạn. Một trong những bài tiêu biểu là bài Bạn đến chơi nhà.
“Bất ngờ” mà kết cấu của thi phẩm mang lại là khi người đọc đã đi trọn vẹn từ dòng đầu đến chữ cuối của văn bản thơ. Đây là bài thất ngôn bát cú Đường luật giản dị, tự nhiên trong phép sử dụng hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu mà lại có sức tung phá mạnh mẽ cái khuôn khổ chật hẹp của Đường thi.
Đường biên phân định khá rạch ròi trong cấu trúc thơ Đường luật như: Đề - Thực - Luận - Kết bị xóa nhòa. Câu phá đề thực hiện nhiệm vụ khai mở một sự việc: Bạn đến chơi nhà. Sáu câu thơ tiếp theo đều thực hiện chức năng nhiệm vụ của phần thực:
Liệt kê theo chiều tăng tiến để tô đậm sự thiếu thốn, ngặt nghèo, trớ trêu về vật chất - hoàn cảnh khi bạn đến chơi nhà. Nào là thiếu người đỡ đần giúp việc, mà chợ búa thì xa xôi (Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa); Đãi khách bằng “cây nhà lá vườn” thì có mà cũng như không:
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra cây cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
Đến cả những thứ làm nghi lễ giao tiếp thông thường cũng không có nốt: Đầu trò tiếp khách trầu không có... Cứ thấp thoáng một nụ cười hóm hỉnh mà đôn hậu, một sự phân bua, cầu xin sự cảm thông. Bởi tất cả, hết thảy đều là “không”.
Bất ngờ, vụt hiện lên một cái “có” ở nửa sau của câu kết duy nhất, nó lật trái ý nghĩa những điều nói trước đó:
Bạn đến chơi đây ta với ta.
Ba chữ “ta với ta” làm cho đòn cân ý nghĩa nghiêng lệch về cái “có”. “Ta với ta” là sự gắn kết, giao hòa của tình bạn, là ríu rít sum vầy, là hình với bóng, là tri âm tri kỉ, là duyên trời sắp đặt. “Ta với ta” là nhân đôi niềm vui, nỗi buồn chia nửa.
Khi “ta với ta” không còn vẹn nguyên - một cánh hạc bay xa, thì còn lại nửa đơn côi, chỉ là thân xác, còn hồn thì hình như đã theo bạn lên cõi tiên...
Thế mới biết niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ chất chứa trong cụm từ “ta với ta” vượt ra khỏi câu chữ để thức dậy những vô hình bao la (chữ của Nguyễn Tuân), vượt ra khỏi cái hữu hạn để đến với cõi vô cùng... Kiểu kết cấu bài thơ tạo ra sự bùng nổ từ tâm điểm, đã phá vỡ qui phạm chặt chẽ, gò bó của thơ Đường luật để sáng tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo.
Ý kiến cho rằng, làm thơ Đường luật phải bắt đầu từ câu kết là cách nói nghịch lí. Nhưng từ góc độ kết cấu mà nhìn nhận thì đó là một “thuận lí” có sức thuyết phục nhất định!
Đến với một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ mới - bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên chúng ta cũng tìm gặp những “bất ngờ” tương tự.
Bài thơ như một trường đoạn điện ảnh quay chậm về hình ảnh ông đồ, trong đó đồng hiện hai sự biến dịch vận động: Sự vận động của thời gian vũ trụ và sự biến dịch của đời người.
Trong khi dòng thời gian vũ trụ cứ luân chuyển một cách vô tình: Mỗi năm hoa đào nở, rồi lại Năm nay đào lại nở - sự tuần hoàn theo chu kì khép kín, bất biến - thì dòng thời gian của đời người một đi không trở lại.
Từ hình ảnh một ông đồ trên nền hoa đào, mực tàu, giấy đỏ, náo nức, rộn ràng khi xuân về, đến một ông đồ vẫn ngồi đấy, Qua đường không ai hay, Lá vàng rơi trên giấy, Ngoài đường mưa bụi bay là một cơn dâu bể của một đời người. Ông đồ đã trở thành cái bóng mờ nhạt, tàn tạ. Ông đã bị lãng quên ngay khi còn hiện hữu và bi kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm:
Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Để rồi kết thúc bài thơ - cũng là từ tâm điểm hạt nhân của thi phẩm nổ ra tiếng sét đánh vào lòng người:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Một thông điệp vô ngôn chạm vào nỗi ám ảnh ghê gớm của những tâm hồn Việt, là lời ai điếu, là tiếng gọi hồn đâu chỉ giành riêng cho một cá thể ông đồ mà là cả một thế hệ, một lớp người, cả một nền văn hóa từng vang bóng hàng chục thế kỉ, là tiếng gọi hồn sông núi, hồn của nước Nam.
Chuyện về ông đồ già trở thành chuyện của “người muôn năm cũ” và nỗi buồn về thân thế chuyển thành nỗi hoài cảm về thời thế. Quả thực: Thơ là sự lên tiếng của thân phận! Cũng cần phải nói thêm rằng: sự lên tiếng đúng lúc, đúng thời điểm là nhờ sự tiếp sức, dẫn dắt của kết cấu, để làm rung chuyển biết bao tâm hồn các thế hệ người đọc từ khi bài thơ ra đời. Tình ý thăng hoa, hóa thân thành vĩnh cửu từ bệ phóng của kết cấu bài thơ.
Với kết cấu vừa mang dáng dấp cổ điển vừa kết tinh tinh hoa của Thơ mới, bài thơ Tràng giang của Huy Cận đem lại những “bất ngờ” thú vị.
Tràng giang có bốn khổ thơ. Từ góc nhìn của hội họa thì mỗi khổ là một bức tranh thiên nhiên in đậm dấu ấn phong cách hội họa phương Đông. Bốn bức tranh liên hoàn tạo nên bộ tứ bình cân xứng, đăng đối.
Từ góc nhìn của thi ca thì mỗi khổ là một bài thơ tứ tuyệt và Tràng giang là một chùm tứ tuyệt xinh xắn. Mỗi bài tứ tuyệt đọng lại một nét buồn riêng. Tất cả hợp thành, tiếp nối “cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”.
Ba câu thơ của khổ mở đầu trải ra một không gian Đường thi với những nét chấm phá thần tình. Dòng sông, mặt nước, con thuyền... Bất ngờ, một hình ảnh chưa từng xuất hiện trong không gian Đường thi bỗng vụt hiện:
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Lập tức, một liên tưởng được xác lập. Củi một cành khô - một ẩn dụ về kiếp người lênh đênh, trôi dạt giữa dòng đời vô định. Hình ảnh là sự vật chất hóa những ám ảnh vô thức, là nơi kí thác những nỗi niềm nhân thế.
Bức tranh tiếp theo trong bộ tứ bình: Sừng sững một không gian ba chiều mở rộng đến tận vô biên thì hun hút một không gian tâm trạng thăm thẳm: Nắng xuống trời lên, Sông dài trời rộng. Lấy cái vô biên của đất trời để đo cái buồn, sầu của lòng người; lấy cái chót vót của vũ trụ để đối nghịch với thăm thẳm của hồn người..., để rồi “bến cô liêu” càng nhỏ bé trơ trọi trở thành một điểm nhấn giữa đất trời hoang sơ.
Nó hiện ra mà không báo trước, đột nhiên mà không phải ngẫu nhiên. Nó trơ trọi, cô đơn như thân phận lạc loài của khách tha hương, để thức dậy “những vô hình bao la”, khuấy động biết bao nỗi niềm sâu thẳm.
Cứ triền miên theo mạch sầu tuôn chảy cho đến bài thơ cuối cùng của chùm tứ tuyệt thì cõi lòng trĩu nặng ưu tư của nhà thơ đã nghiêng cả bóng chiều trong dáng bay đơn lẻ của một cánh chim côi cút giữa đất trời cao rộng. Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa và thêm một lần nữa, ta sửng sốt, ngỡ ngàng trước nỗi “tư hương”:
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Vừa kế thừa lại vừa đối chọi với tứ thơ của Thôi Hiệu, giây phút xuất thần để Tràng giang tâm hồn hòa nhập vào Tràng giang của đất trời cũng là lúc sự thoát xác, hóa thân của ngôn từ cho thơ ngân lên, đồng vọng trong cõi vô ngôn...
Mạch ngầm văn bản tích tụ thành các tâm điểm hạt nhân cùng tỏa ánh hào quang, phô bày những vẻ đẹp rực rỡ của một kiệt tác nghệ thuật.