Phương pháp tối ưu dạy thơ trung đại Việt Nam

GD&TĐ - Chương trình Ngữ văn 7 kì I có một số lượng tương đối lớn các văn bản thuộc thể loại thơ trữ tình trung đại.

Phương pháp tối ưu dạy thơ trung đại Việt Nam

Qua thực tế giảng dạy thơ trữ tình trung đại Việt Nam ở trường THCS, cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên Trường THCS Liên Châu (Vĩnh Phúc) -

nhận thấy: Đây là thể loại văn học tương đối khó, hơn nữa các tác phẩm văn học trung đại được tính từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX đã cách chúng ta hơn mười thế kỉ, đến với thế hệ trẻ dưới mái trường phổ thông thế kỉ XXI đã có khoảng cách rất xa về thời gian.

Vì thế, người giảng dạy gặp khó khăn trong soạn giảng, nhiều học sinh (HS) ít hứng thú, không tích cực trong giờ học những bài văn học cổ.

Để có những biện pháp tối ưu giúp giáo viên và HS đạt hiệu quả cao trong giảng dạy và học tập thơ trữ tình trung đại Việt Nam, cô Nguyễn Thu Hương cho rằng, giáo viên cần chuẩn bị chu đáo từ khâu chuẩn bị bài đến các hoạt động trên lớp.

Tìm hiểu bài nhuần nhuyễn

Điều đầu tiên, theo cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên phải tìm hiểu bài kĩ lưỡng, nhuần nhuyễn đến mức thuộc thơ, sống với bài thơ; tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm để hiểu được thấu đáo nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Giáo viên cũng cần hướng dẫn (HS soạn kĩ ở nhà, kiểm tra kĩ bài soạn của HS, có biện pháp nhắc nhở, phê bình hay báo với giáo viên chủ nhiệm nếu HS có biểu hiện soạn chống đối.

Bên cạnh việc hết sức coi trọng khâu kiểm tra sự chuẩn bị của HS, giáo viên cần chú ý khâu vào bài để tạo không khí phù hợp vớibài học. Có thể là một bài hát, một bản nhạc, một bức tranh... mang nội dung tư tưởng tương đồng với tác phẩm chuẩn bị học.

Phần đọc văn bản cũng quan trọng, nhằm tạo tâm thế ban đầu cần thiết cho học sinh, cũng chính là bước đầu tiếp cận hình tượng thơ. Giáo viên lưu ý, cần đọc cả bản phiên âm, dịch nghĩa (nếu có), dịch thơ

Tìm hiểu kĩ tác giả, hoàn cảnh ra đời

Cô Nguyễn Thu Hương cho biết: Dạy thơ trung đại, cần lưu ý xác lập một cái nhìn biện chứng và lịch sử.

Các tác phẩm văn học trung đại được sáng tạo và truyền bá trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Tựu chung những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa của cuộc sống văn hoá, tinh thần của dân tộc đã in đậm dấu ấn trên những tác phẩm này.

Nếu không đặt tác phẩm trong mối liên hệ với hoàn cảnh lịch sử, bản thân tác giả.... nhiều khi chúng ta không thể hiểu, lí giải chính xác và thấu đáo những vấn đề trong tác phẩm.

Chú ý đến đặc trưng thể loại

Mỗi thể loại văn học trung đại nói chung, thơ trung đại nói riêng có dạng thức tồn tại và phương thức biểu đạt nhất định. Phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại là đi vào thi pháp - đi lại con đường của người sáng tác để có thể thâm nhập và hiểu tác phẩm được dễ dàng.

Giáo viên cần cho học sinh nắm được thi pháp của thơ trung đại. Thơ Đường luật gồm có các thể thơ: Tứ tuyệt, Thất ngôn bát cú...

Dạy thơ Đường luật thất ngôn bát cú (thể thơ được học nhiều ở THCS) cần chú ý các đặc điểm về vần, niêm luật, đối và kết cấu, ngôn ngữ.

Suy ngẫm để thấy các tầng ý nghĩa sau ngôn từ

Ngắn gọn, hàm súc vốn là những tiêu chuẩn của cái hay, cái đẹp trong hoạt động nghệ thuật ngôn từ thuở trước.

Bởi vậy, theo cô Hương, nếu chỉ đọc và suy diễn qua loa sẽ không thể hiểu, cảm thụ hết giá trị của tác phẩm. Cần đọc chậm, đi sâu từng bước và thường xuyên đọc đi đọc lại để suy ngẫm.

Khai thác đặc trưng về ngôn từ, hình ảnh

Về ngôn ngữ thơ, đã là thơ thì ngôn ngữ phải cô đọng, hàm súc, giàuhình tượng, cảm xúc... Ngôn ngữ thơ Trung đại ảnh hưởng ngôn ngữ của Đường thi càng như thế. Đặc biệt các bài thơ tuyệt cú, bát cú dùng rất ít chữ.

Cho nên người làm thơ Đường coi trọng từng chữ một. Ngôn ngữ thơ Đường bao giờ cũng súc tích, công phu, điêu luyện.

Khi khai thác bài, giáo viên cần chú ý đến hệ thống từ ngữ được sử dụng, đó là các tính từ, các từ láy gợi hình gợi cảm, các động từ, các hình ảnh thơ... để thể hiện sâu sắc, rõ nét bức tranh cảnh và bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Chú ý phương pháp giảng bình

Cô Nguyễn Thu Hương nhận định: Những lời bình giảng, phân tích của giáo viên trong giờ đọc hiểu văn bản là rất cần thiết, quan trọng góp phần làm nên dư vị ngọt ngào, khơi gợi cảm xúc của học sinh khi tiếp nhận các giá trị văn chương.

Và có một thực tế là những giáo viên có những lời bình hay, độc đáo sẽ được học sinh nhớ mãi, ấn tượng mãi.

Ví dụ: Khi hướng dẫn HS phân tích hết bài thơ “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến, giáo viên có thể cho HS so sánh cụm từ “ta với ta” trong bài thơ này với cụm từ “ta với ta” trong bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan.

Trên cơ sở đó, giáo viên có thể bình về tình cảm của Nguyễn Khuyến đối với bạn: Nếu “ta với ta” trong bài “Qua Đèo Ngang” là mình ta đối diện với chính ta, là sự cực tả nỗi cô đơn đang xâm chiếm toàn bộ cõi lòng người lữ khách thì “ta với ta” trong bài “Bạn đến chơi nhà” ấm áp tình bạn, ta với ta là tôi với bác, tuy hai mà một, là sự gắn bó thắm thiết của một tình bạn chân thành, trong sáng, cao đẹp.

Xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lí

Các câu hỏi đàm thoại ngoài tính chất xác định rõ ràng, phải có màu sắc văn học, có khả năng khêu gợi tình cảm, cảm xúc, xúc động thẩm mỹ cho học sinh.

Câu hỏi phải vừa sức học sinh, thích hợp với khuôn khổ một giờ học trên lớp, vừa phải có khả năng “gợi vấn đề” suy nghĩ tìm tòi sáng tạo cho học sinh.

Câu hỏi không tuỳ tiện, phải được xây dựng thành một hệ thống lôgíc, có tính toán giúp học sinh từng bước đi sâu vào tác phẩm như một chính thể.

Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp cân đối giữa các loại câu hỏi cụ thể và loại câu hỏi tổng hợp gợi vấn đề. Câu hỏi có khi theo lối diễn dịch, có khi theo lối qui nạp nhưng đều nhằm cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức vững chắc.

Khi đặt câu hỏi, theo chia sẻ của cô Nguyễn Thu Hương, có thể thực hiện một số giải pháp: Tham khảo các câu hỏi gợi ý trong SGK, SGV, sách bài soạn, xây dựng hệ thống câu hỏi riêng của mình cho bài soạn;

Cố gắng sử dụng nhiều hình thức diễn đạt khác nhau để hỏi về cùng một nội dung;

Chú ý đón bắt, khơi gợi những ý tưởng mới mẻ của học sinh, từ thực tế trả lời của các em, điều chỉnh lại cách hỏi cho phù hợp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, nâng cao hiệu quả giảng dạy, cần sử dụng phần mềm Power Point vào việc soạn giáo án điện tử.

Có thể khai thác mạng internet để có ảnh các tác giả, tranh minh họa, nhân vật hoặc chitiết, cảnh tượng… trong tác phẩm. Hoặc dùng phần mềm sơ đồ tư duy Mind-map để chia bố cục hoặc tổng kết, khái quát nội dung bài học.

Cần chú ý tính tích hợp

Tích hợp là sự kết hợp biện chứng giữa các yếu tố bộ môn Ngữ văn, bao gồm phần Văn - Tiếng việt - Tập làm văn.

Thực tế chứng minh rằng, bộ môn Ngữ văn rất cần quá trình tích hợp. Vì vậy, trong mỗi giờ ngữ văn, theo cô Hương, giáo viêncần nhấn mạnh yêu cầu này để hiệu quả bộ môn Ngữ văn ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, việc tích hợp sẽ góp phần rèn luyện các kỹ năng cơ bản: Nghe, nói, đọc, viết cho học sinh theo mục tiêu của môn học.

Có thể kể đến các hình thức tích hợp: Tích hợp ngang giữa các phân môn - văn, Tiếng Việt, Tập làm văn; tích hợp dọc nội dung học tập đồng tâm giữa các khối lớp; tích hợp giữa môn Ngữ văn với các môn học khác như: Lịch sử, Địa lý...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ