Sử dụng dạy học tích hợp, liên môn nâng cao hiệu quả dạy học thơ

GD&TĐ - Cô Trần Nhật Lan - Giáo viên trường THCS Ninh Xuân (Hoa Lư, Ninh Bình) - đề xuất giải pháp mới nâng cao hiệu quả dạy học thơ hiện đại Việt Nam lớp 9, tăng cường tính tích cực, hướng tới năng lực của người học; trong đó phương pháp tích hợp, liên môn được ưu tiên sử dụng.

Sử dụng dạy học tích hợp, liên môn nâng cao hiệu quả dạy học thơ

Sử dụng liên môn tạo không khí phần khởi động

Trước khi tiếp xúc với văn bản thơ, giáo viên cho học sinh tìm hiểu thông tin, kiến thức ngoài văn bản nhưng có liên quan đến văn bản (có thể vận dụng kiến thức liên môn để tạo tâm lý hứng thú trước khi vào bài).

Về câu hỏi tìm hiểu các yếu tố ngoài văn bản, giáo viên có thể dùng tranh ảnh hoặc bản đồ địa lý giới thiệu địa danh quê quán tác giả (liên môn với Lịch sử, Địa lý), hoặc sử dụng các bài hát có liên quan đến tác phẩm (liên môn với Âm nhạc) để hỏi về cuộc đời, sự nghiệp tác giả hoặc về tác phẩm.

Giáo viên cũng có thể cho học sinh khởi động bằng cách đưa ra những câu hỏi để tìm từ khóa là tên bài dạy hoặc kiến thức có liên quan đến văn bản thơ sẽ học trong giờ.

Ví dụ, khi học văn bản thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương (Ngữ văn 9 tập 2), giáo viên có thể hỏi nhanh như sau:

Ai được coi là cha đẻ của cách mạng Việt Nam? Người đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại đâu? Vào thời gian nào? Tình cảm của Người đối với người dân Việt Nam và tình cảm của nhân dân đối với Người như thế nào? Đọc một bài thơ hoặc hát một bài hát về Người?...

Việc vận dụng kiến thức liên môn có thể trong từng phần của bài giảng sao cho hợp lý và đúng mức.

Đọc sáng tạo

Là phương pháp đặc thù của môn Ngữ văn nên đọc sáng tạo vốn rất được coi trọng khi dạy tác phẩm thơ, nhất là thơ trữ tình.

Đọc sáng tạo có 3 mức độ: Đọc đúng, đọc hay, đọc diễn cảm. Đối với giáo viên, việc đọc diễn cảm của thầy có vai trò quan trọng trong hướng dẫn học sinh thâm nhập vào tác phẩm. 

Thầy cũng phải tập đọc trước từ nhà vì nếu thầy đọc diễn cảm sẽ là chuẩn mực cho học sinh noi theo. Sau đó thầy hướng dẫn học sinh đọc thông qua đọc trước tác phẩm cho học sinh, hoặc vừa đọc vừa bình.

Học sinh cũng cần có nghệ thuật đọc, qua đọc học sinh đã có thể dễ dàng tìm hiểu được giá trị của tác phẩm. Hoạt động đọc diễn cảm của học sinh cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhà, đọc sao cho giản dị tự nhiên không thái quá.

Việc đọc văn bản thơ diễn ra thường xuyên trong giờ học: Đọc cả bài, đọc từng phần, từng khổ, thậm chí đọc 1, 2 câu thơ khi phân tích. 

Phương pháp đọc sáng tạo bước đầu có sự phân loại năng lực cho học sinh. Trên cơ sở đọc, giáo viên nắm bắt năng lực các em và uốn nắn được từng đối tượng học sinh.

Xác định thể loại

Khi tìm hiểu một văn bản, giáo viên cần khắc sâu kiến thức về thể loại đã học, cách tiếp cận, khám phá văn bản để học sinh có thể vận dụng vào khám phá với văn bản khác cùng thể loại.

Tổ chức cho học sinh khám phá tác phẩm theo một thể loại nào đó là giúp học sinh trả lời được câu hỏi: cần dựa vào những yếu tố nào để tìm ra nội dung và ý nghĩa văn bản.

Với thơ, chủ yếu là văn bản trữ tình: Yếu tố quan trọng về nội dung là cảm xúc của nhân vật trữ tình. Cảm xúc ấy được thể hiện theo thể loại cụ thể nào, mỗi thể loại lại phù hợp với mạch cảm xúc riêng của nhân vật.

Xác định bố cục

Việc xác định bố cục cũng cũng chỉ là tương đối, nhưng trên cơ sở xác định được cảm xúc của nhân vật trữ tình học sinh mới dễ dàng xác định bố cục. Khi xác định bố cục sẽ là định hướng cho học sinh khám phá các giá trị của văn bản thơ tốt hơn, mạch lạc hơn.

Không phải bài thơ nào cũng có thể dễ dàng phân chia theo bố cục. Chẳng hạn Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, nếu cứ bắt học sinh tìm bố cục rất khó, vì bài thơ triển khai hai hình tượng: Xe không kính và người lính lái xe. Mà hình tượng xe không kính xuất hiện ở cả khổ đầu, khổ cuối. Vì vậy việc phân chia bố cục văn bản cũng cần linh hoạt.

Tích hợp để khám phá các giá trị văn bản thơ

Để khám phá giá trị của văn bản thơ, việc đầu tiên giáo viên cần cho học sinh tìm kiếm thông tin từ văn bản, như tìm ý chính, hoặc tìm các chi tiết cụ thể.

Sau đó, giải thích, cắt nghĩa, phân loại, so sánh, kết nối... thông tin để tạo nên hiểu biết chung về văn bản.

Giáo viên có thể vận dụng dạy học tích hợp. Trước hết là tích hợp phân môn giữa Văn học với Tiếng Việt và Làm văn trong các bài học.

Khi dạy tác phẩm thơ, bao giờ giáo viên cũng cho học sinh tìm hiểu các giá trị của nghệ thuật ngôn từ (biện pháp nghệ thuật được sử dụng, tác dụng của nó hay giá trị biểu đạt của từ ngữ, hình ảnh thơ...). Đó là tích hợp với phân môn tiếng Việt để từ đó hình thành cho học sinh năng lực sử dụng tiếng Việt trong tiếp nhận văn bản.

Kiến thức từ văn bản, tiếng Việt lại có tác dụng trở lại giúp học sinh tạo lập được các văn bản theo từng thể loại nhất định (tích hợp với phân môn làm văn)...

Việc tích hợp còn được thể hiện với sự liên môn kiến thức Ngữ văn với các môn học thuộc ngành khoa học xã hội nhân văn và các ngành khoa học khác.

Chẳng hạn có thể vận dụng tích hợp kiến thức với các môn có mối liên hệ gần gũi như Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công dân nhằm giúp học sinh có được kiến thức, kỹ năng thực hành toàn diện, góp phần giáo dục đạo đức công dân, kỹ năng sống, hiểu biết xã hội.

Việc giải nghĩa của từ ngữ, phân tích tác dụng của từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, biện pháp tu từ... trong tác phẩm thơ và chỉ ra được mối liên hệ giữa các thông tin trong văn bản (chính là chúng ta đã thực hiện thao tác tích hợp với phân môn tiếng Việt). Phần này, học sinh có thể làm việc cá nhân.

Phản hồi, đánh giá thông tin trong văn bản

Từ việc hiểu biết chung về văn bản, học sinh tiếp tục đánh giá các thông tin là các từ ngữ, hình ảnh hay biện pháp nghệ thuật... dùng trong văn bản như thế nào? Ở mức nào (thành công hay không thành công)?

Đánh giá cảm xúc của người viết như thế nào và nhận ra khuynh hướng của người viết hoặc tư tưởng, quan điểm của người viết. Giáo viên có thể vận dụng phương pháp thảo luận nhóm.

Thảo luận nhóm được tiến hành theo các hình thức: Nhóm nhỏ (cặp đôi hoặc cặp ba), nhóm trung bình (4 đến 6 người) hoặc nhóm lớn (8 đến 10 người trở lên). 

Tùy vào từng mục đích, yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì hay thay đổi từng phần của tiết học, được giao cùng nhiệm vụ hay những nhiệm vụ khác nhau.

Khi thực hiện nhiệm vụ trong thảo luận nhóm, nhóm tự bầu nhóm trưởng nếu thấy cần. Trong nhóm có thể phân công mỗi người một việc, các thành viên đều phải làm việc tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người hiểu biết và năng động hơn.

Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau tìm hiểu vấn đề nêu ra trong không khí thi đua với các nhóm khác. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả học tập chung của cả lớp.

Để tổ chức một hoạt động theo hình thức thảo luận nhóm, giáo viên cần tiến hành các bước như sau:

Bước 1 - Chuẩn bị (giao nhiệm vụ): Chuẩn bị đề tài, mục tiêu bài học thông qua thảo luận nhóm, câu hỏi, hình thức trình bày, vật dụng, thời gian cho thảo luận.

Nội dung thảo luận nhóm là những câu hỏi, bài tập gắn với những tình huống dạy học mang tính phức hợp và có vấn đề, cần huy động sự suy nghĩ, chia sẻ của nhiều học sinh để tìm các giải pháp và phương án giải quyết.

Bước 2 - Thực hiện nhiệm vụ: Chia nhóm theo yêu cầu nhiệm vụ, các nhóm tự phân công vị trí của các thành viên. Trong quá trình thảo luận nhóm, giáo viên quan sát, điều chỉnh chỗ ngồi, nhắc nhở hay hỗ trợ khi nhóm nào cần.

Bước 3 - Trình bày kết quả: Đại diện các nhóm trình bày kết quả, các thành viên của nhóm có thể bổ sung thêm, hoặc các nhóm khác nhận xét, bổ sung. Giáo viên là người đúc kết, bổ sung ý kiến, nhấn mạnh nội dung quan trọng...

Chú ý: Khi các nhóm thảo luận, giáo viên không dừng lâu ở nhóm nào. Khi các nhóm trình bày, nếu là chủ đề giống nhau, không nhất thiết các nhóm đều trình bày, hoặc các nhóm chỉ trình bày các quan điểm mà khác với nhóm trước.

Với các tác phẩm thơ hiện đại lớp 9, có thể áp dụng phương pháp thảo luận nhóm nhưng dưới dạng những bài tập, câu hỏi nhỏ:

Rèn kĩ năng đọc hiểu văn bản

Học sinh vận dụng những hiểu biết về văn bản đã học để đọc các loại văn bản khác nhau, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ học tập, các nhiệm vụ trong đời sống yêu cầu dùng đến hoạt động đọc hiểu.

Đó là việc vận dụng đọc văn bản khác ngoài chương trình, ngoài sách giáo khoa có cùng đề tài, chủ đề hoặc hình thức thể hiện để củng cố những hiểu biết và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu.

Giáo viên cũng có thể yêu cầu học sinh đưa ra giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể từ việc vận dụng những hiểu biết về văn bản đã đọc hiểu; hay cho học sinh tự rút ra bài học cuộc sống từ văn bản.

Ví dụ: Sau khi học xong văn bản Bếp lửa, giáo viên yêu cầu học sinh rút ra bài học cuộc sống: Trong cuộc sống, con người dù có trưởng thành đến đâu cũng không bao giờ được phép quên đi cội nguồn: ở đó có gia đình, có bà, có tuổi thơ, có quê hương... 

Đó chính là những hành trang không thể thiếu trên đường đời của mỗi con người, là chỗ dựa tinh thần, là nơi dù đi đâu ta cũng phải tìm về.

Hoạt động bổ sung: Giáo viên yêu cầu học sinh tìm thêm những văn bản khác ngoài sách giáo khoa có cùng chủ đề với văn bản được học, để tự bổ sung thêm vốn hiểu biết cho bản thân, hoặc có thể vận dụng kiến thức của phần đọc hiểu của văn bản vừa học để đọc hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa đó.

Ví dụ: Sau khi học xong Bài thơ về tiểu đội xe không kính học sinh tìm thêm những bài thơ khác cùng chủ đề người lính trong thời kì đó của tác giả khác hoặc của Phạm Tiến Duật.

Bài tập này có thể giao về nhà cho học sinh tìm hiểu. Giáo viên cũng có thể cung cấp thêm cho học sinh những tác phẩm tương tự ngoài sách giáo khoa, chẳng hạn Trường Sơn đông, Trường Sơn tây...

Từ hoạt động bổ sung đó, giáo viên yêu cầu học sinh về nhà tự tìm hiểu thêm hoặc phải tự làm việc với các văn bản đó: như tìm hiểu chi tiết, hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.