Tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

GD&TĐ - Hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi - Tiến sĩ Amandine Dabat đã hiến tặng bức tranh phong cảnh của nhà vua cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi

Ngày 12/11, đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết đã tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi: “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)”.

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, là hoàng đế thứ 8 của vương triều Nguyễn. Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành và ban chiếu Cần Vương, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

ham-nghi-1.jpg
TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ.

Năm 1888, vua bị thực dân Pháp bắt và đưa đi lưu đày ở Algiers (thủ đô Algeria) năm 1889. Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Algiers khoảng 12 km, vẫn giữ theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời tháng 1/1944.

ham-nghi-2.jpg
TS. Amandine Dabat phát biểu tại sự kiện.

Trong thời gian bị lưu đày, nhà vua theo học hội họa và điêu khắc, theo đuổi trường phái Ấn tượng và hậu Ấn tượng. Trước khi tạ thế, ông đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác.

Nhiều tác phẩm của ông được giới nghệ thuật biết đến qua các cuộc đấu giá và triển lãm tại Pháp.

ham-nghi-3.jpg
TS. Amandine Dabat trao bức thư hiến tặng tác phẩm "Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)" và Giấy chứng nhận tác phẩm gốc cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh sơn dầu “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” do vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Algiers. Phong cảnh hoàng hôn dưới góc nhìn ngược sáng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông.

ham-nghi-4.jpg

Sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sĩ Pháp vào cuối thế kỷ 19, tác giả đã làm cho màu sắc rực rỡ của buổi chiều tà trở nên rung động.

Năm 1926, bức tranh được triển lãm tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris, với tựa đề “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” và ký tên Tử Xuân.

ham-nghi-5.jpg

Bức tranh được Tiến sĩ Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, đại diện gia đình vua Hàm Nghi trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với mong muốn công chúng Việt Nam và du khách quốc tế có cơ hội được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của vị hoàng đế bị lưu đày, người nghệ sĩ ở Algiers ngay tại chính quê hương của ông.

ham-nghi-8.jpg
Bức họa từng ở phòng tranh Mantelet-Colette Weil, Paris vào năm 1926.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, việc tiếp nhận và trưng bày bức tranh có ý nghĩa rất lớn đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng và ghi nhận nghĩa cử của gia đình vua Hàm Nghi hồi hương tác phẩm hội họa của nhà vua yêu nước, đồng thời tôn vinh những tấm lòng hảo tâm hiến tặng tác phẩm nghệ thuật cho bảo tàng.

Tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” không chỉ bổ sung, làm giàu thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.