Hồi hương kỷ vật vua Hàm Nghi

GD&TĐ - Hiện vật được hồi hương gồm khay trà, tẩu thuốc và bộ sách chữ Hán đã được hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi giao cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Hồi hương kỷ vật vua Hàm Nghi

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, đơn vị đã bàn giao các hiện vật của vua Hàm Nghi cho đoàn công tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Trước đó, bà Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi đã trực tiếp giao các kỷ vật cho Đại sứ quán Việt Nam tại Paris và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong chuyến công tác cuối tháng 9/2024.

Chiếc khay gỗ bằng khảm xà cừ có kích thước 31,4cm x 18,4cm x 10cm. Bộ sách bằng chữ Hán gồm các cuốn: “Ngự chế canh chức đồ” (2 chương), “Đan đồ huyện chí” (25 chương), “Tăng đính thi kinh thể chú diễn nghĩa” (5 chương)… Chiếc tẩu thuốc được trao tặng cho huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nơi vua Hàm Nghi chọn làm căn cứ kháng chiến và ban chiếu Cần Vương.

ham-nghi-1-2737-9585.jpg
Chiếc khay trà làm bằng chất liệu gỗ khảm ốc xà cừ của vua Hàm Nghi.

Đoàn công tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã có buổi làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để tiếp nhận các kỷ vật.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trao lại các hiện vật còn nguyên kiện cho ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và ông Nguyễn Thanh Bắc - Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ.

ham-nhi-2-4238-6434.jpg
Bộ sách của vua Hàm Nghi.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hoạt động tiếp nhận kỷ vật của Vua Hàm Nghi có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với công tác bảo tồn di sản mà còn khơi gợi, tôn vinh các giá trị lịch sử của dân tộc.

Vào ngày 5/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức tọa đàm ra mắt cuốn sách “Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - Nghệ sĩ ở Alger”, với sự tham gia của tác giả, diễn giả Tiến sĩ Amandine Dabat.

ham-nghi-5-2676-1953.jpg

Sử gia nghệ thuật Amandine Dabat là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi - chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của vua Hàm Nghi).

Bà là Tiến sĩ Lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris 7-Diderot). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp (tại Paris) với đề tài về vua Hàm Nghi: “Hàm Nghi-Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”.

Cuốn sách do TS. Amandine Dabat biên soạn là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger.

Cuốn sách khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ