Nhiều dấu hỏi về sách 'Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển'

GD&TĐ - Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm 'Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển' của tác giả Nguyễn Quốc Định đã thu hút sự chú ý.

Cuốn sách 'Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển' của tác giả Nguyễn Quốc Định.
Cuốn sách 'Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển' của tác giả Nguyễn Quốc Định.

Dù đã có những đóng góp nhất định trong việc khái quát nền mỹ thuật của thời kỳ này, song tác phẩm “Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển” được cho là còn bộc lộ một số hạn chế. Không ít độc giả đặt dấu chấm hỏi về chiều sâu học thuật và tư duy phê bình.

Triển vọng nhưng… thiếu trọn vẹn

Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm “Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển” của tác giả Nguyễn Quốc Định đã thu hút sự chú ý không chỉ bởi sự táo bạo trong việc khám phá những “góc khuất” của lịch sử mỹ thuật Đông Dương, mà còn bởi những ý kiến trái chiều xoay quanh nội dung và cách tiếp cận của tác giả.

Không mở buổi giới thiệu ra mắt sách và là một cái tên “thiếu bóng dáng” trong giới nghệ thuật, tác giả Nguyễn Quốc Định gần như đã thành công trong việc “ẩn mình” để mang cái đam mê riêng thổi hồn vào mỹ diệu.

Không thể phủ nhận điểm nổi bật của cuốn sách là việc tác giả đã dành nhiều tâm huyết để phân tích sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Điều này không chỉ giúp các độc giả hiểu rõ hơn về sự biến đổi, mà còn có cái nhìn toàn diện hơn về cách nền “nghệ thuật thị giác” phát triển mạnh mẽ trong một niên thời đầy biến động.

Qua mô tả về các họa sĩ nổi tiếng, các tác phẩm tiêu biểu và những phong cách nghệ thuật độc đáo, tác giả đã khéo léo phác họa nên một bức tranh đa dạng, phần nào thể hiện rõ nét sự độc bản và đặc trưng của mỹ thuật Đông Dương.

Thực tế, lịch sử hình thành và phát triển của mỹ thuật Đông Dương có diễn biến rất phức tạp. Sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã định nghĩa được hai từ “nghệ sĩ” và sản sinh ra những cây đại thụ nghệ thuật to lớn; đưa nền mỹ thuật nước ta phát triển vượt bậc so với các nước láng giềng. Chưa kể thành quả mỹ thuật của thời kỳ này vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến các thế hệ họa sĩ trẻ ngày nay.

Do vậy khi nhìn thấy sự “méo mó” trong đa số các bức tranh minh họa của cuốn “Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển” đã gây nên “làn sóng” bất bình không hề nhỏ. Nhìn vào các tác phẩm được in trong sách, một vài nhà nghiên cứu nghệ thuật ngay lập tức nhận thấy rằng các bức tranh không đúng kích thước, tỷ lệ gốc bị biến dạng một cách khó hiểu.

Là một nhà sưu tập tranh, ông Phùng Kim Thạch (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: Việc in ấn cẩu thả không chỉ làm giảm giá trị thẩm mỹ của cuốn sách, mà còn khiến nó trở nên khó chịu đối với những độc giả nghiêm túc.

Một tác phẩm viết về nghệ thuật đòi hỏi sự chính xác và tinh tế trong việc truyền tải hình ảnh, nhưng cuốn sách đã hoàn toàn bỏ qua yêu cầu cơ bản này. Những lỗi sơ đẳng đấy đã khiến người đọc có cảm giác như cuốn sách được biên soạn một cách vội vàng và thiếu đi sự chăm chút cần thiết.

Điều chỉnh và hoàn thiện

Trên nhiều phương diện, lịch sử đã có nhiều thay đổi, luôn luôn là như thế và ở vô vàn khía cạnh nên cách tiếp cận của công chúng với nghệ thuật đương nhiên cũng vì thế mà thay đổi theo. Thế nhưng, việc sử dụng phương pháp luận “thiếu chính xác” và bị “ẩn” rất nhiều về nguồn tranh cũng đã làm cho tác giả Nguyễn Quốc Định gặp phải nhiều tranh cãi khi bị nói là làm giảm độ “tin cậy” của tác phẩm.

Là một nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật, ông Quang Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thẳng thắn cho rằng: “Cuốn Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển gặp phải nhiều lỗi dịch thuật từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Một số tác phẩm trong sách cũng không rõ về nguồn gốc khi thiếu thông tin đầy đủ về tác giả và những người sở hữu cụ thể. Điều này không chỉ khiến người đọc khó khăn trong việc hiểu đúng nội dung, mà còn mất đi sự kết nối với bối cảnh lịch sử mà nghệ thuật muốn truyền tải.

Thậm chí, có những phần nội dung dường như chỉ dừng lại ở cảm nhận cá nhân của người viết, chưa phản ánh trọn vẹn ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Với một chủ đề như mỹ thuật Đông Dương, nơi giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây là yếu tố cốt lõi, thì những sai lầm này là rất đáng tiếc”.

Chia sẻ về những ý kiến trái chiều gặp phải, tác giả Nguyễn Quốc Định tự nhận việc viết sách của anh là một cái duyên tự nhiên và là một hành trình khởi nguồn từ niềm đam mê sâu sắc với nền mỹ thuật Đông Dương.

Anh không đặt ra tham vọng tạo nên một tác phẩm học thuật toàn diện, mà chỉ đơn giản là sưu tập và biên soạn lại từ những tư liệu quý giá, khó tiếp cận; giúp độc giả dễ hiểu hơn về câu chuyện lịch sử và ngữ cảnh nghệ thuật của thời kỳ này. Anh hy vọng cuốn sách sẽ là bước đệm cho những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong tương lai.

Không chỉ thừa nhận còn nhiều thiếu sót trong việc dàn tranh không đúng kích thước và dịch thuật sai chính tả. Tác giả luôn trân trọng ý kiến đóng góp từ các nhà phê bình và chắc chắn sẽ hoàn thiện trong lần tái bản tiếp theo.

“Để bảo vệ quyền riêng tư của các chủ sở hữu nên một vài tác phẩm chỉ đề cập chung về nguồn gốc thuộc bộ sưu tập tư nhân cũng như sự cẩn trọng khi không tiết lộ chi tiết về kích thước, nhằm tránh nguy cơ bị làm giả”, anh Nguyễn Quốc Định chia sẻ thêm.

Là một công trình đáng chú ý, cuốn sách “Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển” không chỉ là nơi tổng hợp kiến thức, mà còn là lời mời gọi mỗi độc giả hãy tự mình khám phá và tìm ra góc nhìn riêng về nghệ thuật.

Đừng chỉ vin vào những đánh giá “có thể hoàn thiện” mà phủ nhận đi những đóng góp mới mẻ mà cuốn sách mang lại. Hãy coi đây là điểm khởi đầu hơn là một đích đến trong hành trình khám phá nền mỹ thuật Đông Dương. Đây là một góc nhìn, để từ đó những bức tranh có thể khơi dậy sự tìm tòi và suy ngẫm sâu sắc theo bề dày lịch sử văn hóa đã kéo dài gần một thế kỷ này.

Với một khối lượng dịch thuật đồ sộ được thực hiện trong khoảng thời gian kéo dài 5 năm, chưa kể thời gian 15 năm sưu tập tư liệu và phân loại, cuốn “Mỹ thuật Đông Dương - sự hình thành và phát triển” của tác giả Nguyễn Quốc Định được biên dịch và xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh cụ thể và nguồn gốc tên gọi của Oreshnik vẫn còn là điều bí ẩn.

Điều ông Putin không biết về Oreshnik

GD&TĐ - Dù Oreshnik của Nga đã được biết đến trong cuộc tấn công cơ sở quân sự Ukraine hồi tháng trước nhưng đến nay, nguồn gốc tên gọi vẫn là bí ẩn.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.