Nghệ thuật khơi dậy sức sống và niềm tin của Hà Nội xưa

GD&TĐ - Ngày 8/10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra lễ khai mạc triển lãm 'Hà Nội sức sống và niềm tin' nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

'“Thủ đô kháng chiến', chất liệu sơn mài của họa sĩ Nguyễn Quang Phòng.
'“Thủ đô kháng chiến', chất liệu sơn mài của họa sĩ Nguyễn Quang Phòng.

Hà Nội một thời đạn bom

Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú, mang phong cách và dấu ấn riêng biệt cùng tình cảm chân thành của các nghệ sĩ dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến, làm nổi bật một Hà Nội kháng chiến tràn đầy sức sống và niềm tin.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm mỹ thuật mang giá trị, đậm chất hiện thực khắc họa những hình ảnh sinh động, thể hiện được sức sống, sức vươn lên của Thủ đô, thể hiện niềm tin của nhân dân cả nước dành cho mảnh đất thân yêu này.

Nghệ sĩ cách mạng cũng hòa mình vào cuộc đấu tranh, bằng cây bút, nét cọ đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử và trở thành những “thư ký thời đại”. Trong những tác phẩm được tuyển lựa để trưng bày trong dịp 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đều là những tác phẩm đã đi qua năm tháng, chứng kiến những đổi thay của lịch sử.

Hà Nội sục sôi tinh thần cách mạng trước 1945 được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Đánh chiếm Bắc Bộ phủ” của họa sĩ Trần Đình Thọ. Hà Nội anh dũng những ngày đầu kháng chiến được tái hiện qua các tác phẩm “Chiến lũy Ngã Tư Sở” và “Chợ Mơ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, “Hà Nội năm 1947” của họa sĩ Công Văn Trung, “Thủ đô kháng chiến” của họa sĩ Nguyễn Quang Phòng… Những ký ức hào hùng về một thời kháng chiến của quân và dân Thủ đô kiên cường luôn mang đến những cảm xúc đầy tự hào cho người xem.

Sau 9 năm kháng chiến, hình ảnh Hà Nội được diễn tả trong không khí rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân về giải phóng Thủ đô. Những tác phẩm như: “Hà Nội đêm giải phóng” của họa sĩ Lê Thanh Đức, “Phố Hàng Đường” của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, “Niềm vui giải phóng” của họa sĩ Trần Khánh Chương… là những hình ảnh tuyệt đẹp được khắc ghi, được nhắc nhớ luôn sống mãi trong lòng mỗi người dân Hà Nội.

Hà Nội cũng là mảnh đất gắn bó lâu nhất trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ, công nhân và cả thế hệ mầm non tương lai của Thủ đô. Hình ảnh gần gũi thân thương đó được ghi lại qua các tác phẩm “Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm” của họa sĩ Phạm Văn Lung, “Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng” của họa sĩ Đỗ Hữu Huề…

Nét trầm lắng, cổ kính qua các tác phẩm của họa sĩ Trần Bình Lộc, Bùi Xuân Phái… đan xen sắc màu mạnh mẽ của công cuộc xây dựng kiến thiết Thủ đô như tác phẩm của họa sĩ Phạm Văn Đôn, Vũ Duy Nghĩa, Kim Thái, Nguyệt Nga… cũng mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc đặc biệt trong những ngày mùa Thu.

nghe-thuat-khoi-day-suc-song-va-niem-tin-cua-ha-noi-xua-1-6243.jpeg
'Hà Nội đêm giải phóng' của họa sĩ Lê Thanh Đức.

Quy tụ những kiệt tác hội họa

Trong số các tác phẩm triển lãm, “Đánh chiếm Bắc Bộ phủ” của họa sĩ Trần Đình Thọ được đặc biệt chú ý. Trần Đình Thọ (1919 - 2011) tốt nghiệp khóa cuối cùng của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1939 - 1944).

Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nghệ thuật, quyền Viện trưởng Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1969 - 1972)... Năm 2001, họa sĩ Trần Đình Thọ nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Bên cạnh đó là họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (1917 - 1992), Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, mặc dù thiếu thốn đủ thứ nhưng ông vẫn liên tục có nhiều sáng tác mới về đề tài nông dân, bộ đội, về dân tộc Thái… với chất liệu in đá, sơn mài, lụa, mà “Chiến lũy Ngã Tư Sở” được trưng bày lần này chính là một trong những tác phẩm để đời của ông.

nghe-thuat-khoi-day-suc-song-va-niem-tin-cua-ha-noi-xua-2-8057.jpeg
Tác phẩm điêu khắc 'Tự vệ Thủ đô' của nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim.

Đặc biệt, triển lãm có tác phẩm “Hà Nội năm 1947” của họa sĩ Công Văn Trung - một tên tuổi lớn của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Công Văn Trung (1907 - 2003), người gốc Hà Nội, là sinh viên khóa đầu tiên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tác phẩm của ông đậm gam màu nâu, thô mộc, thôn dã rất đặc thù dân tộc.

Ngoài sáng tác, ông được biết đến trong vai trò một người thầy tận tụy, có nhiều học trò trở thành họa sĩ danh tiếng như: Đường Ngọc Cảnh, Kim Bạch, Lê Thiệp, Vũ Giáng Hương, Trần Khánh Chương... Ông cũng để lại cho nền mỹ thuật Việt Nam công trình “Truyền thống nghệ thuật dân tộc Việt Nam” trong suốt hơn 30 năm nghiên cứu, được hoàn tất trước khi ông qua đời.

Cố họa sĩ Nguyễn Quang Phòng với tác phẩm “Thủ đô kháng chiến” giúp người xem thấy được những hào hùng, oanh liệt của Hà Nội xưa. Cùng với rất nhiều họa sĩ, nghệ sĩ khác cùng thời, họa sĩ Quang Phòng tham gia kháng chiến với niềm say mê, rạo rực. Ông đi theo Ðoàn kịch Giải phóng, mở triển lãm lưu động khắp các tỉnh Việt Bắc, rồi tham gia quân đội, vẫn vẽ không ngừng để làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng.

Có thể nói, “Hà Nội sức sống và niềm tin” là triển lãm hội tụ được nhiều kiệt tác của những họa sĩ gạo cội và danh tiếng nhất từ Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng như thời kỳ kháng chiến. Mỗi tác phẩm đều là những chứng tích hào hùng về Hà Nội một thời đạn bom, một thời hòa bình.

Triển lãm “Hà Nội sức sống và niềm tin” kết hợp giữa trưng bày truyền thống và ứng dụng công nghệ trình chiếu hiện đại, sẽ làm tăng khả năng tương tác cũng như cảm nhận của người thưởng lãm. Đồng thời, triển lãm cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm in tranh khắc gỗ, như một món quà quý và ý nghĩa trong dịp Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng.

Trong khuôn khổ triển lãm, Ban tổ chức cũng tổ chức buổi trò chuyện chủ đề “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại”, để công chúng hiểu sâu hơn về một họa sĩ tài hoa trong “bộ tứ” Sáng - Liên - Nghiêm - Phái của mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Israel trưng bày mảnh vỡ của tên lửa Iran.

Tên lửa 18 tấn đã được phóng vào Israel

GD&TĐ - Cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 1 tháng 10 đã sử dụng tên lửa đạn đạo hiện đại hạng nặng có khả năng phá hủy hoàn toàn một tòa cao ốc.

Học sinh trường PT DTNT THPT huyện Mường Ảng thu hoạch rau xanh.

Rèn kỹ năng từ mô hình vườn rau sạch

GD&TĐ - Ngoài giúp làm đẹp cảnh quan, mô hình vườn rau sạch của học sinh PT DTNT THPT huyện Mường Ảng còn góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày.