Người mẹ thứ 2
Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học Ninh Xá (Thuận Thành, Bắc Ninh) tiếp nhận một học trò đặc biệt, đó là em Nguyễn Đông Khải bị khuyết cả 2 tay từ khi mới sinh ra. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 năm đó của Khải, cô giáo Lê Kim Thu nhớ mãi hình ảnh cậu bé với khiếm khuyết hình thể, nhưng gương mặt thông minh và rất ngoan.
“Tôi ra trường nhiều năm và dạy không ít học sinh khuyết tật; cũng có em khuyết 2 tay nhưng khi đó đã học lên lớp 5. Đây là trường hợp đặc biệt - một học sinh khuyết cả 2 tay nhưng chưa biết viết. Cô giáo mầm non của Khải năm học đó cho biết mọi sinh hoạt của em đều do giáo viên trợ giúp. Từ đó, tôi băn khoăn, trăn trở không biết sẽ dạy và giúp đỡ Khải như thế nào?”, cô Lê Kim Thu chia sẻ.
Vào năm học mới, những ngày đầu cô trò vừa học vừa làm quen, cô Thu vui mừng khi thấy học sinh đều ngoan và thân thiện với Khải. Ngoài việc giáo viên chủ nhiệm tận tình quan tâm, giúp đỡ, các bạn trong lớp cũng được phân công hỗ trợ Khải trong học tập, cũng như sinh hoạt, vui chơi,…
Việc khó nhất là học viết, cô Thu vừa giảng, vừa dùng ngón tay của mình viết lên vở. Khải quan sát và viết theo bằng chân. Vì viết bằng chân, phải cúi nhiều nên em nhanh đau lưng. Vì vậy, cứ đến giờ giải lao, cô Thu lại giúp Khải tập thể dục cho đỡ mỏi, rồi hai cô trò lại tiếp tục tập viết.
“Thời gian đầu, tôi gần như không được giải lao vì ngoài việc hướng dẫn học, mọi việc từ lấy, cất sách vở và vệ sinh của Khải đều cần cô giáo trợ giúp. Sau dần, học sinh trong lớp cũng xung phong giúp đỡ bạn. Một năm học trôi qua với bao khó khăn, thử thách của cô và trò. Cuối năm học, Khải được nhà trường công nhận hoàn thành chương trình lớp 1, được lên lớp 2. Dù không đạt học sinh xuất sắc, nhưng em luôn là tấm gương sáng về tinh thần, nghị lực”, cô Lê Kim Thu bày tỏ.
Sau đó, từ lớp 2 đến lớp 5, mỗi lớp Khải đều nhận được tình yêu thương, quan tâm đặc biệt của giáo viên chủ nhiệm. Cô Nguyễn Thị Oanh - giáo viên chủ nhiệm năm lớp 4 của Khải nhớ lại: Lên lớp 4, đòi hỏi phải viết nhanh hơn nên Khải gặp khó khăn rất lớn. Để theo được các bạn, ngày ngày, em lấy vở ra luyện viết bảng chữ cái. Nhiều lúc chân kẹp bút sưng đỏ và tê cứng, có khi chân đau đến phát khóc. Những hôm trời lạnh cóng, em một chân đi tất, chân còn lại tím tái vì lạnh, nét chữ cũng như run hơn.
“Tôi đã dành thời gian sau mỗi buổi học cùng em luyện chữ, cùng ôn lại kiến thức. Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ, cuối năm học, Khải đoạt giải Ba cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến cấp huyện, giải Nhì cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến cấp tỉnh và giải Bài thuyết trình có ý nghĩa nhất”, cô Nguyễn Thị Oanh đầy tự hào khi nói về cậu học trò đặc biệt.
Nuôi dưỡng đam mê
Trong cuộc đời làm nghề, cô Lê Thị Mỹ Dung - Trường THPT Hà Trung (Thừa Thiên Huế) có rất nhiều học sinh đáng nhớ; đặc biệt trong số đó là em Đặng Trung Hiếu và Huỳnh Thị Mùi.
Đặng Trung Hiếu không có bố. Khi sinh ra em được 6 tháng, mẹ bỏ nhà đi. Em được người bà là chị gái của bà ngoại đã già yếu, thường xuyên ốm đau nhận nuôi, ở tại vùng đất nghèo khó thuộc xã Vinh Hà (Phú Vang). Lúc còn nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khốn khó, em từng lang thang đi xin ăn khắp các nẻo đường, ngõ chợ, trời nắng cũng như mưa. Nhiều lúc, em ngồi bơ vơ, khóc một mình, khản tiếng gọi mẹ.
Quyết tâm học để thoát nghèo, Hiếu đỗ vào Trường THPT Hà Trung. Để có tiền ăn học và lo cho bà tuổi đã cao, em phải đi làm thêm đủ nghề, từ phụ thợ hồ, chuyển hàng, bán trà sữa, gặt lúa thuê... Biết hoàn cảnh của Hiếu, cô Lê Thị Mỹ Dung nhiều đêm thức trắng và quyết tìm mọi cách kết nối các nhà hảo tâm, giúp trò ăn học.
Không chỉ tìm được nguồn tài trợ các khoản chi phí học tập của Hiếu, cô Dung còn đồng hành cùng Hiếu trong 3 năm THPT, bồi dưỡng em trong đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử đạt nhiều kết quả ngoài mong đợi. Em xuất sắc đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 11, giải Nhì bảng không chuyên và giải Khuyến khích bảng chuyên môn Lịch sử cấp tỉnh lớp 12.
Hiện Hiếu là sinh viên năm thứ 3 ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Việt Hàn - Đà Nẵng. Cô Lê Thị Mỹ Dung tiếp tục là người kết nối các nhà hảo tâm, tài trợ tiền học phí và các khoản sinh hoạt phí cho Hiếu suốt 4 năm học Đại học với tổng trị giá gần 80 triệu đồng.
Bên cạnh Đặng Trung Hiếu, Huỳnh Thị Mùi cũng là học trò đặc biệt của cô giáo Lê Thị Mỹ Dung. Mùi sinh ra trong gia đình nghèo, có 3 chị em ở xã Phú Gia (Phú Vang). Chưa có nhà ở nên gia đình em phải thuê căng tin của Trường THCS Vinh Thái để mở quán nhỏ kiếm sống qua ngày.
Bố mẹ em thường xuyên ốm đau bệnh tật, nên gia đình khó khăn lại chồng chất khó khăn. Tuy hoàn cảnh éo le vậy nhưng Mùi là học sinh rất có nghị lực. Ngoài thời gian học ở trường, em đi làm thêm ở quán trà sữa để kiếm tiền phụ giúp mẹ và lo chi phí học hành.
Cảm phục trước nỗ lực của cô học trò ham học vượt khó, cô Lê Thị Mỹ Dung đã tìm mọi cách kết nối các nhà hảo tâm để tài trợ, giúp Mùi được tiếp tục đến trường trong suốt 3 năm THPT.
Cô Dung cũng là người chọn và bồi dưỡng Mùi vào đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử; quyết định cho em tham gia vượt cấp trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12. Mùi đã xuất sắc giành giải Ba cấp tỉnh khi đang học lớp 10; sau đó tiếp tục đoạt giải Nhì năm lớp 11, giải Nhất năm lớp 12 bảng không chuyên và giải Ba bảng chuyên. Đặc biệt, Mùi là thí sinh xuất sắc lọt vào đội tuyển, tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải Khuyến khích.
Cô Lê Thị Mỹ Dung tự hào cho biết, Huỳnh Thị Mùi hiện là sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế. Vừa qua, em cũng là sinh viên xuất sắc nhất của trường, vượt qua vòng phỏng vấn của tổ chức quốc tế để thực tập tại Thái Lan. “Tôi đã nỗ lực kết nối với nhà hảo tâm để tài trợ toàn bộ tiền học phí cho Mùi trong suốt 4 năm Đại học với số tiền gần 80 triệu đồng”, cô Mỹ Dung chia sẻ.
“Em rất may mắn khi gặp được cô Mỹ Dung. Nhờ tình yêu thương, bao bọc, tận tụy của cô, em mới có được thành quả như ngày hôm nay. Cô như người mẹ hiền. Cô đã tạo động lực và tăng thêm sức mạnh để em cố gắng vươn lên”. - Đặng Trung Hiếu Trường Đại học Việt Hàn - Đà Nẵng