Ngăn dòng bỏ học
Vừa bắt đầu học kỳ II của năm thứ nhất, ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Anh, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), Phạm Thị Yến Nhi nhận được tin như “sét đánh ngang tai”. Mẹ em, chị Lê Thị Hồng Tâm (trú thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) gặp nạn khi lao ra biển cứu hai học sinh bị đuối nước.
Theo đó, tháng 2/2021, khi đang làm việc tại một nhà hàng gần biển, chị Tâm nghe tiếng kêu cứu của các học sinh đang tắm biển. Không chút chần chừ, chị cùng một đồng nghiệp đã bơi ra ứng cứu. Các em được đưa vào bờ an toàn. Nhưng đồng nghiệp của chị đã không qua khỏi. Chị Tâm được đưa đi cấp cứu nhưng di chứng để lại rất nặng nề: Bị tổn thương não.
Sức khỏe của chị Tâm giảm sút nghiêm trọng, không thể phục hồi như trước. Chị đành xin nghỉ việc, nhận 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Mọi chi tiêu trong gia đình, từ tiền sinh hoạt chu cấp cho Nhi đang trọ học ở Đà Nẵng, tiền thuốc điều trị cho chị Tâm đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ nghề sửa xe máy của chồng.
“Những ngày tháng đó với gia đình em thật căng thẳng và chật vật. Tất cả đều tập trung vào để lo cho mẹ. Chỉ mong sao sức khỏe mẹ bình phục” – Yến Nhi chia sẻ.
Nhi bắt đầu đi làm thêm nhiều hơn để không phải xin tiền sinh hoạt, tiền nhà trọ và cả tiền học phí cho học kỳ sắp tới. Nhưng rồi dịch bệnh ngày càng phức tạp. Đà Nẵng áp dụng các biện pháp phong tỏa, chỗ làm của Nhi tạm thời đóng cửa. Nhi về quê học online với nhiều ngổn ngang cho chặng đường trước mắt mà không dám thổ lộ cùng với ba mẹ.
Đầu năm học 2021 – 2022, khi kỳ hạn đóng học phí sắp đến mà không thể dành dụm được đồng nào, vợ chồng chị Tâm tính đến chuyện vay mượn bà con để cho con nộp học. Nhưng bà con lối xóm cũng chật vật vì dịch dã. Món tiền đóng học phí cho con xoay mãi vẫn không đủ. Nhi rụt rè đưa ra phương án xin bảo lưu để đi làm một năm rồi quay trở lại học.
“Em rất bất ngờ khi được thông báo nhà trường đã cấp học bổng 100% học phí năm học 2021 – 2022 với trị giá gần 18 triệu đồng. Thầy cô cũng dặn dò, nếu đạt thành tích học tập tốt, nhà trường sẽ xem xét và tiếp tục cấp học bổng cho những năm tiếp theo” – Nhi xúc động kể.
Hai mẹ con Nhi rưng rưng khi suất học bổng được trao đúng thời điểm ngặt nghèo của gia đình, để con đường học tập của Nhi không bị ngắt quãng. Để mẹ con chị vẫn tin rằng, trao yêu thương sẽ nhận lại được ngọt ngào, rằng cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu…
Nhờ sự tiếp sức âm thầm của thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương – Trưởng phòng Chính trị, Sở GD&ĐT Đà Nẵng mà cậu học trò mồ côi Nguyễn Quách Sự (Hòa Vang, Đà Nẵng) được nhận vào Làng trẻ em SOS. Ngoài việc được tiếp tục học tập, Sự đã tìm được một mái ấm gia đình mới, được chăm sóc, dạy dỗ, bảo đảm tất cả các quyền của trẻ em, được tiếp tục học tập...
Năm Sự 14 tuổi, mẹ em lâm bệnh nặng. Dù vất vả, cực nhọc, vừa phải học vừa chăm sóc, thuốc thang, cơm nước cho mẹ, nhưng căn nhà lụp xụp vẫn có hơi ấm bàn tay mẹ. Nhưng rồi mẹ em không qua khỏi.
Kể từ đó, mỗi giờ tan học, Sự cứ nấn ná ở lại trường. Cô giáo hỏi sao con chưa về thì nhận được câu trả lời đầy xót xa: “Mẹ con mất rồi… về nhà không thấy mẹ… buồn lắm cô ơi”. Thầy Vương kể: “Hình ảnh em học trò hiền lành, tội tội cứ thôi thúc mình phải tìm một hướng đi nào tốt nhất cho em. Kêu gọi sự hỗ trợ thì không phù hợp lắm với hoàn cảnh đặc biệt của em”.
Thầy Vương trình bày hoàn cảnh đặc biệt của cậu học trò nhỏ và Sự được đặc cách vào ở tại lưu xá của Làng SOS Đà Nẵng. Năm nay, Sự đang là học sinh lớp 12 với nhiều cánh cửa tương lai rộng mở.
Trao cơ hội đi học - Trao cơ hội đổi đời
“Nuôi dưỡng ước mơ” là học bổng dài hạn có giá trị cao của Hội Khuyến học TP Đà Nẵng nhằm giúp sinh viên nghèo hiếu học có điều kiện học hết bậc đại học.
Đặng Thị Thùy Trinh (phường An Khê, quận Thanh Khê) – sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã vinh dự được nhận mức tiền thưởng cao kỷ lục với 100 triệu đồng của chương trình học bổng Nuôi dưỡng ước mơ.
Năm 2019, đỗ tốt nghiệp THPT loại xuất sắc, Trinh trúng tuyển vào Khoa Kinh doanh quốc tế. Niềm vui nhận giấy báo trúng tuyển đại học chưa kịp tan thì khoản học phí cùng những phương tiện học tập là nỗi lo của Trinh và mẹ.
Sớm mồ côi cha, chị em Trinh sống tằn tiện nhờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của mẹ. Gói học bổng 20 triệu đồng/năm và sẽ thụ hưởng trong suốt 4 năm đại học từ sự hỗ trợ của ông Nguyễn Thành Lân đã giúp cho con đường học tập của Trinh bớt gập ghềnh so với các bạn cùng trang lứa. Năm đầu tiên là sinh viên, Trinh đăng ký 12 học phần. Môn nào em cũng đạt từ điểm giỏi trở lên và đa số đạt điểm xuất sắc.
Trinh cho biết: “Không ai chọn được nơi mình sinh ra nhưng mỗi người được chọn cách mình sẽ sống. Em luôn đặt mục tiêu phải học tập, tích lũy kiến thức và kỹ năng thật tốt trong 4 năm học đại học, để xứng đáng với sự hỗ trợ mà mình đã được nhận, và cũng để mình có bước khởi đầu tốt cho nghề nghiệp sau này”.
Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/sinh viên/năm học, cánh cửa vào đại học của Hoàng Nam Phương rộng mở hơn. Mồ côi cả ba lẫn mẹ, ký ức tuổi thơ của Nam Phương là những ngày sinh sống ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Nam Phương rất vui đã cất đi được gánh nặng tài chính trong 4 năm học ở Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhờ sự hỗ trợ của học bổng Nuôi dưỡng ước mơ.
Đinh Viết Thanh Hùng (trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu) từ nhỏ sống với gia đình người cô. Mẹ em mất sớm, cha bỏ đi đâu không rõ. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng Hùng vẫn quyết tâm theo đuổi học hành và luôn đạt điểm khá, giỏi.
Để có tiền theo học tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, Hùng nhận dạy kèm để có thể trang trải học hành. Mức học bổng và tiền thưởng 40 triệu đồng mà Hùng nhận được từ quỹ Nuôi dưỡng ước mơ đầu năm 2021 đã giúp em tự tin vững bước để trở thành một kỹ sư trong tương lai.
Những hỗ trợ từ các quỹ học bổng khuyến học khuyến tài đã cùng đồng hành với nhiều học sinh, sinh viên, giúp các em vượt qua những “đoạn ngặt”, gieo vào các em tình yêu thương, sự quan tâm, ý thức trách nhiệm, niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời…