Người mẹ hiền của học sinh dân tộc

GD&TĐ - Gắn bó nhiều năm với Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai, cô giáo Ka Mai luôn quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh. Với trò, cô Mai vừa là người mẹ vừa là người bạn tâm giao.

Cô Ka Mai (áo đỏ) chụp ảnh cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC.
Cô Ka Mai (áo đỏ) chụp ảnh cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC.

Chăm lo bữa ăn, giấc ngủ

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Đồng Nai, cô giáo Ka Mai, người dân tộc Mạ, đã gắn bó với Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán năm thứ 12. Với nhiều thế hệ học sinh nhà trường, cô Mai thường được gọi bằng tên thân thương “mẹ”. Bởi là giáo viên kiêm giáo vụ, cô Mai vừa dạy học vừa phụ trách chăm lo đời sống, cái ăn cái mặc của những đứa trẻ dân tộc thiểu số.

Cô Mai chia sẻ: Từ năm cấp 2, được nghe các thầy cô giáo giảng bài, tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên. Tốt nghiệp phổ thông, tôi quyết định theo đuổi ngành sư phạm Địa lý. Duyên số đưa tôi trở về Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán làm giáo viên dạy Địa kiêm giáo vụ từ khi ra trường đến nay.

Đối với cô Mai, ngôi trường này đã trở thành ngôi nhà thứ hai còn những em học sinh nơi đây là những người con nhỏ cần được uốn nắn, dạy dỗ. Nếu thầy cô giáo đứng lớp truyền thụ kiến thức cho trò thì giáo vụ có trách nhiệm lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ.

Ngoài công tác nội trú, cô Mai là giáo viên giảng dạy bộ môn Địa lý. Vốn đây là bộ môn nhiều nội dung trừu tượng nên cô Mai thường xuyên tìm tòi phương pháp dạy sáng tạo, đổi mới giúp học trò thêm phần hứng thú với bài học.

Lứa tuổi THCS, đặc biệt học sinh lớp 7 đến lớp 8, phải đối mặt với nhiều thay đổi về tâm, sinh lý. Nhiều em dễ nổi nóng, tính khí ương ngạnh. Là người trực tiếp săn sóc các em, cô Mai tâm niệm tám chữ “lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu”.

“Những khi không phải lên lớp, tôi thường ngồi cùng học trò, lắng nghe các em chia sẻ, đùa giỡn với nhau để hiểu hơn từng em. Khi trò chuyện, tôi lựa chọn lối nói tự nhiên, giản dị, thân thiện với mong muốn được là người bạn của học trò. Dần dần, học sinh tin tưởng, chủ động chia sẻ khúc mắc với tôi để cùng nhau tháo gỡ”, cô Mai chia sẻ.

Nữ giáo viên bày tỏ: "Giống như nuôi dạy những người con trong gia đình với tính cách khác biệt, tôi có phương pháp trò chuyện riêng với mỗi học sinh. Em nào cá tính thì mình nói nhẹ nhàng, uyển chuyển. Ngược lại, em nào học giỏi, chăm chỉ thì mình phải liên tục khích lệ, khen ngợi để em có động lực cố gắng. Những em nghịch ngợm, mình phải tìm hiểu hoàn cảnh để có thể trò chuyện chân thành và định hướng cho các em".

Cô Ka Mai trong một giờ học tại Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: NVCC.
Cô Ka Mai trong một giờ học tại Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: NVCC.

Người bạn của học sinh nội trú

Giáo dục học sinh dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều khó khăn. Tại Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, 100% học sinh là người dân tộc. Cũng là người con dân tộc, cô Mai thấm thía nỗi vất vả và thiệt thòi của trẻ em nơi đây; đồng thời, có thể hiểu cho suy nghĩ, hành động của các em.

Do học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau, các em chơi và sinh hoạt theo nhóm là những bạn cùng dân tộc. Cô Mai khuyến khích tất cả học sinh cùng nhau sinh hoạt, vui chơi. Những lúc rảnh rỗi, cô tìm tòi văn hoá, ngôn ngữ của các dân tộc để có thể trò chuyện với học sinh; khuyến khích học sinh giới thiệu về văn hoá của dân tộc mình với bạn bè. Bằng cách này, học sinh vừa gắn kết với nhau vừa được tìm hiểu về phong tục dân tộc, địa phương.

"Dẫu hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học tập của con cái nên những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học hầu như không còn. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phấn đấu học hết cấp 3, thi vào đại học và học cao học. Có những em hiện đang làm giáo viên, số khác theo ngành Y, Luật... Chứng kiến các em tiến bộ từng ngày khiến tôi cảm thấy tự hào như thể đang ngắm nhìn những đứa con của mình trưởng thành", cô Mai cho hay.

Cô giáo Quách Thị Huế, đồng nghiệp của cô Ka Mai, bày tỏ: Cô Ka Mai là người có tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn quan tâm đến học sinh. Là người dân tộc lại lớn lên ở Đồng Nai nên cô Mai hiểu và đồng cảm với học sinh nhà trường. Tinh thần làm việc trách nhiệm của cô Mai đã truyền cảm hứng cho tôi cùng nhiều giáo viên nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...