Lớp học “7 trong 1”
Đảo Hòn Chuối thuộc khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), nằm cách cửa biển Sông Đốc khoảng 18 hải lý về hướng Tây Nam, có diện tích tự nhiên khoảng 70ha. Hiện nay trên đảo có 70 hộ dân sinh sống với 231 nhân khẩu. Cư dân đảo sống chủ yếu dưới gành đá ven chân đảo bằng nghề buôn bán nhỏ và nuôi cá lồng bè. Do vị trí địa lý và thời tiết, nên mỗi năm, cư dân phải di dời nơi ở và tài sản 2 lần để tránh sóng, tránh gió, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.
Ở đảo xa này, việc dạy và học của thầy trò vẫn gặp vô vàn khó khăn. Nhiều năm nay việc học hành của con em trên đảo đều do đồn Biên phòng Hòn Chuối đảm nhận. Cho đến nay, lớp học mà Bộ đội Biên phòng dựng lên 20 năm trước tạm bợ bằng cây lá đã được xây dựng khang trang. Hiện tại, thầy giáo đứng lớp là Thiếu tá Trần Bình Phục, cán bộ Đồn Biên phòng Hòn Chuối.
Năm học 2023 - 2024, lớp học này có 18 học sinh từ lớp 1 đến lớp 7. Trong đó, có nhiều em là con em của đồng bào Khmer. Trong lớp học có 3 chiếc bảng dài được gắn vào 3 bức tường, mỗi chiếc bảng lại chia thành 2 - 3 phần, mỗi phần có một nội dung học khác nhau. Học trò nhóm ngồi xuôi, nhóm ngồi ngược, nhóm ngồi ngang. Thầy Phục đi vòng tròn để giảng giải cho học trò theo từng nhóm lớp. Thầy giáo Trần Bình Phục trong buổi giảng dạy đi vòng tròn để giảng giải cho học trò theo từng nhóm lớp.
Những đứa trẻ sạch sẽ, tinh tươm trong bộ đồng phục học trò, chăm chỉ ngồi ghi từng nét chữ, lễ phép khi thấy người lạ xuất hiện… mới hiểu công sức mà Thiếu tá Trần Bình Phục và các đồng đội đã dành cho con em cư dân trên đảo như thế nào.
Một buổi học tại lớp học tình thương của đồn Biên phòng Hòn Chuối. Ảnh: Lê Khoa. |
Chắp cánh ước mơ
Thiếu tá Trần Bình Phục chia sẻ, lớp học được hình thành từ lòng nhiệt huyết yêu thương của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ công tác tại đồn Biên phòng Hòn Chuối. Từ lớp học này, gia đình nào có điều kiện thì tiếp tục cho con em vào bờ theo học chương trình cao hơn. Những em khác không có điều kiện thì ở lại đảo xây dựng gia đình, bám đảo, bám biển phát triển kinh tế, xây dựng đảo.
Đặc biệt, nhờ sự động viên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và quyết tâm của các em học sinh mà đến nay, trên đảo đã có 5 em học xong chương trình đại học. Cùng với sự trưởng thành của các em thì cũng có những thầy giáo quân hàm xanh năm xưa đã nghỉ hưu, chuyển ngành và nhiều thầy giáo là chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội trở về địa phương tiếp tục xây dựng quê hương.
“Chúng tôi dạy các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm của người lính, nên thời gian cứ trôi qua và tình thầy trò gắn bó với nhau mà không có sự toan tính. Mỗi ngày lên lớp, cả thầy và trò phải leo qua hàng trăm mét thềm dốc đứng xuyên qua cánh rừng, mùa nắng thì mồ hôi nhễ nhại, mùa mưa thì trơn trượt, quần áo lấm lem, nhưng không vì thế mà các em vắng lớp”, thầy giáo Phục chia sẻ.
Anh Nguyễn Phát Huy, một người dân trên đảo Hòn Chuối chia sẻ: “Gia đình anh thuộc hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc vào nghề câu cá quanh đảo, nhưng khi biển động thì ở không. Anh có 2 đứa con đã được thầy Phục dạy học, khi lên cấp 2 thì gửi vào bờ đi học tiếp".
Được biết, hiện tại, anh chị đang nuôi đứa cháu (con của chị gái) là Nguyễn Hoàng Hạo, học lớp 3. Cha mẹ Hạo ly hôn, rồi đều bỏ đảo đi tìm cuộc sống mới, Hạo ở lại với ông bà ngoại, nhưng bà ngoại mất vào năm 2022, ông ngoại có vợ mới, nên Hạo thêm một lần bơ vơ và được anh đem về nuôi.
Đặc biệt, thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình nên đồn Biên phòng Hòn Chuối đã nhận hỗ trợ Hạo và một trẻ khác khác trên đảo mỗi tháng 500 ngàn đồng theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”. Nhờ đó, các em có điều kiện hơn để thực hiện ước mơ của mình.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ năm 2016 đến nay, BĐBP Cà Mau đã nhận giúp đỡ trên 400 lượt em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường nuôi dưỡng ước mơ. Riêng năm học 2023 - 2024, BĐBP Cà Mau hỗ trợ 38 em đang theo học ở các cấp và duy trì lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối.