Dư luận chưa hết xót xa việc một phó giáo sư “bán bài” nghiên cứu, lại bàng hoàng trước các đơn thư tố ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư “mua bài”, công bố bài báo trên tạp chí “dổm”, tạp chí “săn mồi”.
Tại hội thảo khoa học do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức gần đây, đại biểu tham dự cùng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc để giải quyết các vấn đề nổi cộm trong liêm chính khoa học hiện nay.
Đối với ngành GD-ĐT, yêu cầu liêm chính khoa học được đặc biệt đặt ra, bởi đích đến mà các nhà giáo, nhà khoa học theo đuổi là tri thức, trí tuệ. Thế nhưng thời gian qua vi phạm về liêm chính khoa học trong các nhà trường, viện nghiên cứu… diễn ra khá nhức nhối, nổi bật là việc trích dẫn và sử dụng ý tưởng, kết quả của nhà khoa học khác không trung thực.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rộ vi phạm liêm chính khoa học, theo PGS Trương Việt Anh (ĐH Bách khoa Hà Nội) dẫn theo kết quả cuộc khảo sát quy mô nhỏ của đơn vị, do áp lực về số lượng công bố; tạo cơ hội thăng tiến; cam kết khi nhận các nguồn tài trợ; áp lực từ nhu cầu kinh tế.
Vi phạm liêm chính học thuật không chỉ ảnh hưởng tới uy tín ngôi đền thiêng khoa học - giáo dục, mà còn đặc biệt gây hậu quả lâu dài, có sức tàn phá nghiêm trọng đến sự lành mạnh và phát triển bền vững của xã hội. Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực này, rõ nhất là Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT cũng có Công văn số 1546/BGDĐT-KHCNMT ngày 11/04/2023 gửi các đại học về việc triển khai nghị định.
Thế nhưng, những quy định về liêm chính khoa học trong Nghị định 109 chỉ là khung pháp lý mang tính khái quát, các trường phải căn cứ vào thực tiễn đơn vị, bối cảnh Việt Nam, thông lệ quốc tế về quản trị nghiên cứu khoa học và các quy định khác của pháp luật để ban hành quy định nội bộ cụ thể và chi tiết.
Vậy nên việc xây dựng quy chế và triển khai liêm chính khoa học ở cơ sở hiện còn nhiều khó khăn, bởi các đơn vị thiếu đi bảng mẫu căn cứ để chi tiết hóa trong quy định của mình, nhất là về chế tài xử lý.
Bên cạnh đó, việc xem xét liêm chính khoa học cần có giải pháp đặc thù trong quản trị nghiên cứu thông qua những bộ phận đặc biệt như hội đồng liêm chính học thuật, ủy ban đạo đức nghiên cứu… nhưng các trường lại thiếu chuyên gia am hiểu sâu, có kinh nghiệm và bản lĩnh giải quyết vấn đề này một cách khoa học nhất.
Thực tiễn đời sống giáo dục và khoa học cho thấy bên cạnh đẩy mạnh văn hóa liêm chính khoa học, cần thiết nghiên cứu và ban hành quy định chung về quy tắc ứng xử hay liêm chính khoa học từ cấp quản lý vĩ mô, để các trường thuận lợi trong việc xây dựng bộ quy chế và quản trị liêm chính khoa học ở cơ sở.
Song song đó, cần tiến tới xây dựng cơ quan/đội ngũ chuyên trách về liêm chính khoa học như ở các nước tiên tiến. Trong khi chờ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng đội ngũ chuyên trách, rất cần tận dụng kinh nghiệm/tài nguyên về bảo đảm liêm chính khoa học của một số đơn vị tiên phong để nhân rộng triển khai.
Hiện, bên cạnh đưa quy định liêm chính học thuật vào quy chế đào tạo, nhiều trường đại học còn xây dựng quy chế riêng. Đặc biệt, NAFOSTED, nơi được thành lập theo mô hình của Quỹ khoa học Thụy Sĩ, đã ban hành văn bản quy định về Liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ, dựa trên Tuyên bố Singapore và góp ý của các nhà khoa học Việt Nam.
Chuyển động tích cực của những đơn vị tiên phong đã và đang được kỳ vọng “tiếp lửa” tinh thần cho các cơ sở giáo dục Việt Nam hướng tới thực hiện liêm chính khoa học một cách bài bản nhất.