GS Ngô Bảo Châu: Liêm chính trong khoa học là số 1

GS Ngô Bảo Châu: Liêm chính trong khoa học là số 1
GS Ngô Bảo Châu giao lưu với các nhà khoa học trẻ Trường ĐHQH Hà Nội
GS Ngô Bảo Châu giao lưu với các nhà khoa học trẻ Trường ĐHQH Hà Nội

(GD&TĐ) - Ngày 16/12, GS Ngô Bảo Châu đã dành một buổi chiều chia sẻ với các nhà khoa học trẻ và sinh viên ĐHQG Hà Nội kinh nghiệm về tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học.

Theo GS, không chỉ nghiên cứu khoa học mà bất kỳ hoạt động nào cũng thể hiện ở quy trình và phẩm chất. Riêng với nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm cá nhân GS đã đúc rút ra 10 bước cơ bản. Trong đó, ba việc đầu tiên là xác định phạm vi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu và sau đó là cập nhật thông tin. Trong đó, tìm ra vấn đề nghiên cứu, theo GS luôn là việc khó khăn nhất.

“Việc cập nhật thông tin đơn giản là thống kê, tập hợp tất cả các bài báo, công trình khoa học có liên quan. Việc này không còn khó trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay. Tuy nhiên, cái khó là ở việc đọc, lĩnh hội những tài liệu đó. Đây là lúc chúng ta cần một môi trường khoa học, bằng cách lập ra một nhóm cùng nghiên cứu, cùng đọc và trình bày tài liệu” - GS Ngô Bảo Châu cho biết.

Những bước tiếp theo là: đưa ra hướng giải quyết; lập kế hoạch; tổng kết lại công việc; bắt tay vào viết bài báo; gửi cho các đồng nghiệp góp ý; chỉnh sửa bài viết và cuối cùng là gửi bài viết đến tạp chí theo sự lựa chọn của cá nhân.

Cho rằng, việc viết một bài báo khoa học không khó, kể cả với những người lần đầu thực hiện, GS Ngô Bảo Châu khuyên nên tìm đọc một vài bài nghiên cứu có cách viết chuẩn mực, từ đó hiểu phong cách trình bày và học theo. Nếu dịch thì việc thẩm thấu sẽ tốt hơn. GS cũng lưu ý, sẽ là rất sai lầm nếu gửi ngay bài báo cho tạp chí sau khi viết xong. Nên tham khảo trước ý kiến đồng nghiệp, từ những phản hồi để chỉnh sửa bài viết một lần nữa. Việc chọn tạp chí đăng bài báo cũng khá quan trọng, không nên lựa chọn “quá sức”, mà sự khiêm tốn sẽ rộng mở cơ hội được đăng hơn.

Cùng với 10 bước khi nghiên cứu khoa học, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh 3 phẩm chất cơ bản của người làm nghiên cứu. Đó là: Đúng và trung thực; mới; hay và quan trọng. Trong đó, 2 phẩm chất đầu theo GS là quan trọng hơn cả.

Trong buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu cũng đề cập đến liêm chính trong khoa học. GS chia sẻ: “Gần đây, tôi có xây dựng một tủ sách làm tư liệu giảng dạy và thấy một số quyển có những nhà khoa học khá uy tín ký tên tác giả, nhưng thực chất hoàn toàn là dịch nguyên của nước ngoài. Đối với tôi, đó là không thể chấp nhận được. Trong khoa học, liêm chính là số một, nó không đơn thuần chỉ là danh dự mà với thời đại thông tin như ngày nay, sự mạo danh dễ dàng phát hiện. Và nhà khoa học có thể mất tất cả”.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.