Tiếp cận Người lái đò sông Đà bằng lời đề từ

GD&TĐ - Đề từ không phải là thứ trang sức tô điểm cho tác phẩm văn học mà nó có vai trò như chìa khóa để người đọc mở cánh cửa thâm nhập vào thế giới nghệ thuật tác phẩm. Tiếp nhận tùy bút Người lái đò Sông Đà bằng lời đề từ có thể giúp độc giả phần nào nhận thấy được những gợi ý về “tháp ngà nghệ thuật” mà Nguyễn Tuân dụng công xây dựng.

Tiếp cận Người lái đò sông Đà bằng lời đề từ

1.

Lời đề từ có thể do tác giả sáng tạo ra cũng có thể tác giả vay mượn từ câu nói, lời thơ của một tác giả khác. Chẳng hạn, trong thi phẩm nổi tiếng Tràng giang, Huy Cận có lời đề từ: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài. Hay câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu để quét sạch nó đi được nhà văn Nguyễn Minh Châu làm lời đề từ cho tác phẩm Dấu chân người lính. Trong bài thơ Ngày gặp gỡ, Hồ Dzếnh đã mượn hai câu thơ của Tú Xương làm lời đề từ: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình cứ tưởng tiếng ai gọi đò. Đề từ cho tập Nhật kí trong tù là bài thơ in ở bìa sách: Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao.

Chức năng cơ bản của lời đề từ là bổ sung và làm rõ tác phẩm, đề dẫn và dự báo nội dung tư tưởng tác phẩm, chứa đựng cái hồn, cái thần thái của tác phẩm văn học. Đối với chủ thể sáng tạo, lời đề từ không những khơi nguồn cảm hứng mà còn thể hiện cảm xúc, phong cách nghệ thuật và chuyển tải ý đồ đến độc giả. Với người đọc, đề từ là điểm nhấn, tín hiệu nghệ thuật mang ý nghĩa định hướng trong quá trình tiếp cận thế giới nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ. Đề từ không phải là thứ trang sức tô điểm cho tác phẩm văn học mà nó có vai trò như chìa khóa để người đọc mở cánh cửa thâm nhập vào thế giới nghệ thuật tác phẩm. Có thể nói, tiếp cận lời đề từ độc giả có thể phần nào nhận thấy được những gợi ý về “tháp ngà nghệ thuật” mà nhà văn xây dựng. Vì vậy, bỏ sót hoặc khai thác sơ sài lời đề từ chúng ta sẽ làm rơi rụng không ít vẻ đẹp của một công trình nghệ thuật.

2.

 Nhà văn Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách độc đáo bậc nhất, là tác giả lớn của văn học Việt Nam hiện đại với những thành tựu xuất sắc cả ở hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Cả cuộc đời Nguyễn Tuân là một cuộc hành trình bền bỉ, không mệt mỏi kiếm tìm, khám phá cái Đẹp. Trước cách mạng, Nguyễn Tuân kiếm tìm những cái đẹp của quá khứ mà với hiện tại chỉ còn vang bóng. Sau Cách mạng, ông kiếm tìm, khám phá cái Đẹp trong hiện thực của cuộc sống đương thời.

Người lái đò Sông Đà là tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân được in trong tập Sông Đà (1960). Sông Đà là thành quả của chuyến đi gian khổ và hào hứng của Nguyễn Tuân lên Tây Bắc những năm 1958 – 1960. Chuyến đi một mặt nhằm thỏa mãn khát khao xê dịch để thay đổi thực đơn cảm giác của Nguyễn Tuân nhưng mặt khác nó là hành trình Nguyễn tìm kiếm chất vàng trong vẻ đẹp thơ mộng hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc và phát hiện thứ vàng mười đã qua thử lửa của con người Tây Bắc.

Nguyễn Tuân đã lấy câu của nhà thơ cách mạng Ba Lan Wladyslaw Broniewski: Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông và hai câu thơ của tiền nhân về sông Đà để làm đề từ cho tùy bút Người lái đò sông Đà: Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc Bắc lưu (Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông / Chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc) (Nguyễn Quang Bích).

Trở lại với lời đề từ Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông, Nguyễn Tuân mượn câu thơ của nhà thơ Ba Lan mang cấu trúc của một câu cảm thán nhằm bộc lộ niềm cảm xúc dâng trào, mãnh liệt. Tiếng hát trên dòng sông phải chăng là tiếng của những người chèo đò, vượt thác, kéo thuyền, tiếng hát cất lên từ những tâm hồn con người Tây Bắc thiết tha với thiên nhiên, đất nước, lạc quan, yêu đời. Người lái đò Sông Đà là một trong hai hình tượng trung tâm của thiên tùy bút.

Hành trình sáng tạo của Nguyễn Tuân là hành trình kiếm tìm và khám phá cái Đẹp. Nhưng trước cách mạng, Nguyễn Tuân quan niệm: xã hội thuộc địa, xã hội hiện tại là xã hội cơ khí giết chết cái đẹp, cho nên cái đẹp không tồn tại trong thực tại và ông tìm về với cái đẹp của quá khứ “vang bóng”. Thế giới nhân vật của Nguyễn trước cách mạng là những con người đặc tuyển, xuất chúng với vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ nhưng bơ vơ, lạc lõng. Sau Cách mạng, cái đẹp của con người, cuộc sống là cái đẹp của hiện tại, của hiện thực lao động và chiến đấu xây dựng cuộc sống mới. Vẻ đẹp của con người không phải từ những kẻ “sinh lầm thế kỉ”, lạc lõng, bơ vơ mà là những con người lao động bình dị mà điển hình là người lái đò Sông Đà. Trong thiên tùy bút, Nguyễn Tuân dồn nhiều tâm huyết xây dựng nên hình tượng người lái đò – người lao động đầy trí dũng và cũng là nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh.

Sự hung bạo, dữ dằn, hiểm ác của con Sông Đà càng làm nổi bật vẻ đẹp tài hoa, trí dũng của người lái đò. Mỗi lần chèo đò là một cuộc vượt thác đầy ngoạn mục. Từng ngang dọc nhiều năm trên Sông Đà, người lái đò dày dạn kinh nghiệm nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Bởi vậy, bước vào cuộc thủy chiến, người lái đò như một dũng tướng tài ba điều khiển, thuần phục con ngựa bất kham của thác nước Đà giang với thái độ trầm tĩnh. Giữa lúc tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác người ta vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái trên cái thuyền sáu bơi chèo.

Khi sóng thác đã đánh đến miếng đòn độc hiểm nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò, ông đò cố nén vết thương đau đớn, ngoan cường chịu đựng hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái để vượt qua vòng vây của đá và thay đổi linh hoạt chiến thuật để giành thắng lợi cuối cùng. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lân mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những động tác linh hoạt, uyển chuyển ấy của người lái đò là những biến pháp điêu luyện của một tay lái. Sự chiến thắng thác nước Sông Đà của người lái đò là bởi con người ấy hội tụ tất cả những vẻ đẹp: trí tuệ, tài năng, thể lực, bản lĩnh phi phàm.

Sau những giây phút căng thẳng đối diện với trùng vi thạch trận hiểm ác, dữ dằn, người lái đò không nói một lời đến cuộc chiến vừa trải qua mà chỉ nói về cá anh vũ, cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi túa ra đầy tràn ruộng. Chi tiết ấy như càng tôn thêm vẻ đẹp bình dị của những người lao động trong cuộc sống đời thường. Người lái đò chấp nhận cuộc chiến với thác Sông Đà hiểm ác bằng thái độ an nhiên, tự tại.

Tiếng hát trên dòng sông là tiếng ca của những người lái đò trên sông nước Đà giang- người anh hùng lao động sông nước, nghệ sĩ ba lê giữa muôn trùng thác đá. Cuộc đời của người lái đò vô danh nơi ngọn thác khuất nẻo hoang vu là thiên anh hùng ca, là pho nghệ thuật tuyệt vời. Sáng tạo nên nhân vật trung tâm của bản tráng ca ấy, Nguyễn đã cất lên tiếng hát say mê, phấn khích và đầy ngưỡng mộ, thể hiện một quan niệm mới của Nguyễn về con người: Con người bất kể nơi đâu, bất kể địa vị và nghề nghiệp, sống trọn với bản tính tự nhiên của mình đều đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh.

3.

Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân còn mượn hai câu thơ của Nguyễn Quang Bích để nói về Sông Đà: Chúng thủy giai đông tẩu / Đà giang độc bắc lưu. Từ một đặc điểm khác thường của dòng sông: mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, chỉ có Sông Đà một mình chảy theo hướng Bắc, Nguyễn Tuân muốn dẫn dắt người đọc cùng ông khám phá những nét tính cách độc đáo, riêng biệt, những tương quan đối cực của một hiện tượng địa lí của miền Tây Bắc Tổ quốc – dòng sông như một sinh thể đa dạng, phức tạp, độc đáo về tính cách.

Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri vô giác, mà là một sinh thể có cuộc sống riêng, có đặc điểm riêng không thể trộn lẫn với hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau – hung bạo và trữ tình.

Vốn ưa những gì tuyệt mĩ, độc đáo, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, Sông Đà hiện lên chân thực với những cảnh tượng hùng vĩ, dữ dội khiến cho độc giả cũng phải sởn gáy. Hình ảnh đầu tiên gợi lên sự hùng vĩ của Sông Đà là cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Độ hẹp của lòng Sông Đà bị vách đá bờ sông chèn tới nghẹt thở, nó khiến cho những ai ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

Nói đến sự hung bạo của Sông Đà không thể không nhắc đến những hút nước quãng Tà Mường vát phía dưới Sơn La.Nguyễn Tuân đưa ra hàng loạt những so sánh sống động, đặc sắc để đưa đến cho độc giả ấn tượng chân thực, sâu đậm về sức mạnh khủng khiếp của hút nước Sông Đà: Có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc (…) những cái giếng nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào.

Nguyễn Tuân đặc tả sự hung bạo của Sông Đà qua những đoạn tả thác nước. Âm thanh tiếng thác nước khi oán trách, van xin, khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo, khi rống lên. Thác nước gào lên man dại uy hiếp, đe dọa hung hãn sẵn sàng bóp nát người lái đò liều lĩnh. Trận đồ do thạch trận Sông Đà được Nguyễn Tuân vẽ nên bằng ngòi bút đầy góc cạnh: Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy vồ lấy thuyền.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, Sông Đà hùng vĩ, hoang dại như một loài thủy quái khổng lồ với nét tính cách hung hãn, xảo quyệt, mưu mô, nham hiểm – là chất vàng mười của thiên nhiên, là đối thủ ghê gớm của con người. Nhưng bên cạnh sự hung bạo, Sông Đà còn là con sông trữ tình của miền Tây Bắc. Nguyễn Tuân quan sát, cảm nhận vẻ đẹp trữ tình từ nhiều góc độ khác nhau. Một cái nhìn toàn cảnh từ tầm cao để phát hiện Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo.

Cái trữ tình của Sông Đà còn ở màu nước đầy biến hóa dưới con mắt hội họa sành sỏi của Nguyễn Tuân: Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gấm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Sông Đà trữ tình nhất ở quãng trung lưu với vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình, hoang sơ, cổ kính: Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Và Nguyễn Tuân cảm nhận Sông Đà từ một điểm nhìn đặc biệt: nhìn Sông Đà như một cố nhân để khám phá chất thơ trong từng cảnh sắc thiên nhiên.

Nguyễn Tuân đã rất công phu dồn nhiều tâm huyết để miêu tả, khắc họa vẻ đẹp, đặc tính của một hiện tượng thiên nhiên độc đáo miền Tây Bắc của Tổ Quốc: kiệt tác nghệ thuật của tạo hóa. Với hình tượng Sông Đà, Nguyễn Tuân trở thành họa sĩ của những vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đỉnh của tạo hóa.

4.

Nguyễn Tuân từng tâm niệm: Đã là nhà văn, mỗi người phải có cái vision riêng. Mất cái riêng đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ thiên chức nghệ sĩ của mình. Từ đặc điểm riêng của Sông Đà: Chúng thủy giai đông tẩu / Đà giang độc bắc lưu Nguyễn Tuân đã tái hiện hình tượng Sông Đà như một sinh thể đa dạng, phức tạp, độc đáo về tính cách. Nhưng lời đề từ của thiên bút kí đặc sắc này còn hé lộ khát vọng mãnh liệt của Nguyễn Tuân trên hành trình khám phá hiện tượng thiên nhiên kì thú, đó là thể hiện một dòng sông chữ, nghĩa là muốn thể hiện một phong cách nghệ thuật độc đáo để khẳng định cái tôi tài hoa, uyên bác, riêng biệt, không lặp lại cũng như dòng chảy ngược hướng Sông Đà khác với tất cả các dòng sông khác. Vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình, thơ mộng của Đà giang đã được Nguyễn Tuân thể hiện chân thật, tỉ mỉ, khách quan.

Tài hoa, uyên bác của cái tôi nghệ sĩ đã biến Đà giang thành một dòng sông chữ. Tính cách hung bạo của dòng sông không chỉ thể hiện khách quan qua cách kể, tả, thống kê mà còn có thể được trải nghiệm bằng những cảm giác cụ thể và ấn tượng: liên tưởng, so sánh truyền đến người đọc cảm giác chân thực: Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy đang mùa hè mà cũng thấy lạnh. Tính cách hung bạo của Đà giang qua chữ nghĩa của Nguyễn Tuân nổi hẳn lên thành hình khối, đường nét và gào thét lên trong muôn vạn âm thanh chuyển tải cảm giác thật mạnh, thật dữ dội. Một cái hút nước mà nhà văn so sánh, kể, tả, liên tưởng để truyền đến cái cảm giác rùng rợn của sức mạnh tự nhiên, sử dụng kĩ thuật điện ảnh qua trí tưởng tượng phóng túng tạo hiệu quả.

Không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo nhiều loại hình ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau: điện ảnh, hội họa, điêu khắc… mà Nguyễn Tuân còn vận dụng kiến thức của nhiều ngành khoa học để làm giàu cho các trang văn: tri thức quân sự, võ thuật, xây dựng… vốn xa lạ với văn chương cũng phát huy hiệu quả. Những trang văn Người lái đò Sông Đà hội tụ, thăng hoa phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Đó là những trang hoa, tờ hoa kết tinh biết bao cái đẹp: cái đẹp của thơ ca, cái đẹp của hội họa, cái đẹp của những tác phẩm điêu khắc. Nhân tố cốt lõi làm nên phong cách độc đáo Nguyễn Tuân là nhìn nhận, khám phá các sự vật, hiện tượng của hiện thực cuộc sống ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ, sử dụng các phương thức, phương tiện nghệ thuật để làm nổi bật, chuyển tải đến người đọc cái nhìn độc đáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ