Tiếng Thái thành môn tự chọn trong trường trung học phổ thông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tiếng Thái trở thành môn chính khóa, cũng là một trong những hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét đẹp văn hóa học đường.

Cô Hà Thị Khuyên trong giờ dạy tiếng Thái tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).
Cô Hà Thị Khuyên trong giờ dạy tiếng Thái tại Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Sau những miệt mài, cô và trò Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) vô cùng phấn khởi khi tiếng Thái được đưa vào chương trình chính khóa, năm học 2022-2023.

Học sinh hào hứng

“Em lựa chọn tiếng Thái là môn tự chọn vì muốn biết về chữ viết và văn hóa của dân tộc mình. Với em, đây còn là niềm vinh dự, tự hào. Sau này, khi đã thành thạo chữ viết, em mong muốn được dạy lại cho những bạn nhỏ trên quê hương mình”. Đó là chia sẻ của em Hà Thị Thúy, lớp 10A5, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa).

Thúy cho biết, hiện tại nữ sinh đang học một buổi mỗi tuần theo thời khóa biểu của nhà trường. Sau nhiều buổi theo học, Thúy đánh giá chữ Thái cũng không quá khó, chỉ cần chăm chú nghe giảng và dành nhiều thời gian ôn luyện sẽ đạt kết quả tốt.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Trường THPT Quan Sơn đưa tiếng Thái vào chương trình chính khóa. Theo thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng nhà trường, môn học này đang được áp dụng đối với học sinh (HS) lớp 10 theo Chương trình mới. Tổng số HS lựa chọn học Tiếng Thái gồm 2 lớp, với hơn 80 em.

“Tuy là năm đầu tiên đưa vào chương trình chính khóa, nhưng trên thực tế nhà trường đã tổ chức dạy cho các thế hệ HS suốt 10 năm qua theo hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Vì vậy, khi Bộ GD&ĐT có Thông tư hướng dẫn, nhà trường đã tổ chức dạy khá bài bản rồi, nên gần như không gặp khó khăn gì”, thầy Đạo cho hay.

Ngoài dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn còn duy trì các hoạt động văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa Thái.

Ngoài dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn còn duy trì các hoạt động văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa Thái.

Theo thầy Đạo, hiện môn tự chọn này đang được nhà trường tổ chức dạy với thời lượng từ 1 tiết/tuần ở hai lớp 10A5 và 10A6.

“Với đồng bào dân tộc Thái trên khu vực Quan Sơn, việc bảo tồn chữ viết hiện nay còn rất hạn chế. Vì vậy, khi đưa tiếng Thái vào chương trình chính khóa sẽ rất có ý nghĩa trong việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống, trao truyền chữ viết lại cho các thế hệ sau.

Đặc biệt, tiếng Thái trở thành môn tự chọn cũng giúp nhà trường có thêm nhiều thuận lợi trong việc tổ chức giảng dạy, HS cũng nỗ lực cố gắng hơn trong việc học hành”, thầy Đạo chia sẻ.

Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo cho biết thêm, hiện tại giáo viên đảm trách việc dạy chữ Thái là cô giáo Hà Thị Khuyên. Dự kiến, thời gian tới Bộ GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn sẽ có thêm một giáo viên đảm trách công việc này.

“Nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng tiếng Thái cho giáo viên cách đây 3 năm. Tuy nhiên, phải đợi Bộ GD&ĐT tổ chức lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy chữ Thái, thì mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy”, thầy Đạo nói.

Giáo viên tâm huyết

Miệt mài với công việc dạy chữ Thái suốt 10 năm qua, song chưa bao giờ cô giáo Hà Thị Khuyên (Trường THPT Quan Sơn) lại vui đến thế. Bởi, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên tiếng Thái được đưa vào chương trình chính khóa.

“Nhiều năm qua, tôi giảng dạy tiếng Thái theo hình thức là hoạt động ngoài giờ lên lớp, nên thời gian dành cho môn học này không nhiều. Hiện nay, tiếng Thái đã trở thành môn tự chọn, vì vậy giáo viên cũng có thêm thời gian để chia sẻ nhiều hơn với học trò”, cô Khuyên bộc bạch.

Theo cô Khuyên, so với chữ Latinh, chữ Thái có đặc thù riêng, thiên về tính hình tượng. Vì vậy, đòi hỏi người học phải thực sự nghiêm túc, dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu.

“Khi mới bắt đầu với công việc này, tôi vừa làm vừa mò mẫm nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm. Để có kiến thức truyền dạy cho học trò, tôi luôn dặn lòng phải đầu tư học tập một cách nghiêm túc, cũng có thể nói là khổ luyện”, cô Khuyên chia sẻ.

Để giúp học trò dễ dàng ghi nhớ mặt chữ, nữ giáo viên người dân tộc Thái Hà Thị Khuyên thường vận dụng mẹo ghi nhớ theo ý nghĩa của các con chữ. Đồng thời, uốn nắn cho HS cách viết sao cho đúng, chuẩn chỉ.

Cô Hà Thị Khuyên hiện là giáo viên duy nhất của Trường THPT Quan Sơn đảm nhận dạy chữ Thái tại nhà trường.
Cô Hà Thị Khuyên hiện là giáo viên duy nhất của Trường THPT Quan Sơn đảm nhận dạy chữ Thái tại nhà trường.

“Với HS mới bắt đầu, chữ viết hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, tôi thường lồng ghép học âm vần và phần chủ đề. Trong đó, chủ yếu dạy cho các em cách đọc, viết và giao tiếp cơ bản.

Ngoài giờ học trên lớp, tôi cũng lập nhóm trên mạng xã hội để trao đổi thêm, đồng thời giao bài tập để các em củng cố kiến thức đã học”, nữ giáo viên cho hay.

Sinh ra và lớn lên ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn nên ngay từ nhỏ cô Khuyên đã tích lũy nhiều ca dao, tục ngữ của đồng bào dân tộc Thái thông qua người mẹ của mình. Khi trở thành sinh viên Đại học Tây Bắc, tình yêu với ngôn ngữ dân tộc cứ thế lớn dần.

Thậm chí, ngay cả đề tài khóa luận tốt nghiệp, cô Khuyên cũng quyết định nghiên cứu về khặp Thái.

“Khi làm khóa luận tốt nghiệp, tôi phải ngược xuôi khắp nơi từ Sơn La về Hòa Bình liên tục để sưu tầm tài liệu. Đến bây giờ, tôi hoàn toàn đủ tự tin để trao truyền lại chữ viết cho các thế hệ học trò”, cô Khuyên tâm huyết nói.

Hiện tại, ngoài giảng dạy chữ Thái, cô Khuyên còn kết hợp với Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) bồi dưỡng chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, tham gia vào Ban chấp hành Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn.

Ngoài truyền dạy chữ Thái, Trường THPT Quan Sơn còn duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Các hoạt động như khua luống, các điệu cồng, chiêng… được nhà trường tổ chức mỗi tháng từ 1 – 2 buổi và đã duy trì suốt 10 năm qua.

Bên cạnh đó, ngôi trường vùng cao huyện Quan Sơn còn duy trì phong trào diện trang phục đồng bào dân tộc Thái trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo nên nét đẹp trong văn hóa học đường.

“Căn cứ theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, một trong hai môn tự chọn đối với trường THPT đó là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường. Việc HS lựa chọn Tiếng dân tộc thiểu số cũng rất khuyến khích, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương”, bà Bùi Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.